Thứ Ba, ngày 8 tháng 11, công dân Mỹ từ 18 tuổi sẽ đi bỏ phiếu chọn Tổng Thống và một số viên chức dân cử từ trung ương đến địa phương, có thể là Thống Đốc, 1/3 Thượng nghị sĩ, một nửa số dân biểu Liên Bang, các dân biểu Tiểu bang, các viên chức giáo dục, và cảnh sát trưởng Tiểu Bang hay quận… Những người trong tất cả bậc, hạng của chính phủ.
Theo luật định, năm bầu cử Thổng thống luôn vào năm nhuận và vào ngày
thứ ba tuần lễ đầu tiên của tháng 11. Người ta không tổ chức vào ngày
Chúa Nhật, ngày nghỉ. Tất cả công tư sở, hãng xưởng, tiệm ăn chợ búa
phải cho nhân viên thời gian đi bầu, thường là 2-3 tiếng đồng hồ tùy
theo đơn vị bầu cử xa gần nơi làm việc. Tuy vậy, nhiều người vẫn đi bỏ
phiếu sau giờ làm việc. Phòng phiếu thường mở cửa đến 8 giờ tối. Có
trường hợp đến giờ đóng cửa, nhưng người bỏ phiếu vẫn nối đuôi, nhóm hội
đồng bầu cử tại chỗ có thể đồng ý mở cửa cho đến hết dòng người.
Có quyền bầu phiếu không có nghĩa phải sử dụng nó, mặc dầu quyền này
làm mọi công dân, bất kể giầu nghèo, sang hèn, tôn giáo, chủng tộc, giới
tính trở nên bình đẳng. Trong lần bầu cử năm 2012, nhiệm kỳ 2 của
Obama, chỉ còn 129 triệu có 55% cử tri bỏ phiếu, 45% còn lại không đi
bầu. Năm 2008 số người bỏ phiếu là 131 triệu.
Có nhiều lý do dẫn đến việc không bỏ phiếu của gần nửa cử tri Mỹ. Số
gọi là bận việc chiếm cao nhất, lên đến gần 19% trong kỳ bỏ phiếu năm
2012. Người không đi bầu vì cảm thấy không hứng thú chiếm thứ hai, hơn
15%. Số người quên không đi là 4%, và số không đi vì thời tiết xấu gần
1%. Trước đây người ta đã phải tranh đấu đến đổ máu để được đi bầu. Đã
có một thời những người liệt kê dưới đây không được phép hành xử quyền
công dân: Không phải dân da trắng. Đàn bà. Người không có đất đai. Người
Công Giáo. Người không theo KiTô Giáo. Người dưới 21 tuổi. Người không
biết đọc, biết viết. Con cháu dân nô lệ. Thổ dân (American Indians).
Ngày nay, các cấm kỵ này không còn nữa, nhưng những người phạm trọng
tội và người tòa án phán quyết bị bệnh tâm thần sẽ không được bầu. Theo
bản điều tra dân số lần gần đây nhất cho thấy người già, người có nhà
cửa, người đã kết hôn, có gia đình thường đi bầu. Nhóm có tỷ lệ đi bầu
cao nhất là người có thu nhập cao, học thức khá và người có việc làm
tốt.
Người Mỹ đi bầu tổng thống và các quan chức tiểu bang, liên bang,
ngoài vì các vấn đề có tầm quan trọng như an ninh quốc gia, vai trò của
Mỹ trên thế giới…, họ còn rất quan tâm đến những vấn đề thiết thân. Họ
mong muốn có môi trường sống trong lành, thanh bình; họ mong muốn có
luật nhập cư dễ dàng cho thân nhân; muốn có một nền giáo dục tốt hơn,
trường học tốt hơn, phẩm chất giáo viên cao hơn, tiền trợ cấp giáo dục
nhiều hơn; họ mong có nhiều việc làm và lương, bổng, phúc lợi hậu hĩ
hơn.
Nước Mỹ có hai chính đảng lớn, luôn là đối thủ trong các cuộc tranh
cử Tổng Thống. Đảng Dân Chủ, một đảng lâu đời nhất, được thành hình năm
1828, khi một nhóm người cùng tập họp để ủng hộ ứng viên tổng thống
Andrew Jackson. Mãi đến khoảng những năm 1850, đảng Cộng Hòa mới thành
lập nhằm vận động loại bỏ chế độ nô lệ. Ngoài hai đảng chính, còn có các
đảng gọi là các đảng thứ 3, Third Parties, như đảng Hiến Pháp:
Constitution Party, đảng Xanh: The Green Party và đảng Người Tự Do:
Libertarian Party. Các đảng này có tiếng tăm khá, nhưng chưa từng có
người của họ ngồi ghế Tổng Thống. Họ có số phiếu tín nhiệm trong các
cuộc bầu cử sơ bộ rất thấp, cho nên ngay cả trong các cuộc tranh luận
giữa các ứng viên TT được tổ chức do Ủy Ban Bầu Cử Quốc Gia, họ cũng
không được mời. Biết không thể thắng cử nhưng họ vẫn đưa người ra tranh
cử, nhiều dự định của họ được ủng hộ rộng rãi.
Nhìn chung ứng viên TT phải là những người có tài năng, có bản lãnh
đặc biệt, có thần kinh bằng thép. Họ chịu đối thủ mổ xẻ, phanh phui, soi
mói tất cả hành vi, lời ăn, tiếng nói, từ đời tư đến việc công rất lâu
về trước. Có những việc, những lời lỡ miệng có lẽ họ đã quên khấy hồi
nào, nay được ai đó đưa ra công luận với chứng cứ rành rành. Họ cũng
phải hy sinh rất nhiều, ngay cả tự do cá nhân và lợi nhuận gia đình.
Công chúng, dù muốn đi bầu hay không, dù là người ở ngoài nước Mỹ, dễ
tìm thấy các thông tin về cá nhân ứng cử qua rất nhiều phương tiện
thông tin, trong đó có cả tin tốt lẫn không tốt cho họ như:
Các đài truyền thanh, truyền hình trình chiếu các diễn văn, bài nói chuyện, phỏng vấn và các cuộc tranh luận.
Dù gì, tuần sau người Mỹ sẽ có một TT mới. Cuộc bầu cử lần này có lẽ
sẽ là một dấu ấn quan trọng trong lịch sử Mỹ như đã có trong cuộc bầu
nên một TT da đen. Và dù ai thắng đi nữa, nước Mỹ vẫn là nước Mỹ, quốc
gia đi đầu và luôn kiên trì với nền dân chủ, trong đó Tổng Thống chỉ
được thi hành quyền lực theo ý của toàn dân./.
Quang Nguyên
No comments:
Post a Comment