Trai thời trung hiếu làm đầu,
Gái thời tiết hạnh làm câu trau mình.
Đúng với lời giáo huấn của cha ông, phụ nữ Việt từ ngàn xưa đã vang danh “trung trinh tiết hạnh” với đức tính trong sạch và thẳng thắn. Ngoài ra, với sự can trường, bao dung và hy sinh, đã nâng cao phẩm giá của nhiều phụ nữ Việt cả về tài ba lẫn đức hạnh. Họ là những tấm gương sáng cho hậu thế noi theo.
Ra ngoài, giúp nước, giúp non,
Về nhà, tận tụy chồng con một lòng.
Trong các bậc anh thư dưới trướng Hai Bà Trưng được phong làm công chúa, Thiều Hoa Công Chúa được xem là một trong những người có công trạng hiễn hách nhất.
Thiều Hoa Công Chúa tên thật là Hoàng Thiều Hoa, người huyện Gia Hưng, tỉnh Thanh Hóa. Bà là con của ông Hoàng Phụ và bà Đào Thị Côn. Năm 16 tuổi, Thiều Hoa mồ côi cả cha lẫn mẹ. Ngay từ lúc còn trẻ, Thiều Hoa đã nổi tiếng gan dạ và có biệt tài săn bắn. Nhờ được một nhà sư tận tâm truyền thụ võ nghệ nên Thiều Hoa rất giỏi võ. Thiều Hoa luôn giúp đỡ người khác nên được dân làng thương mến.
Khi Hai Bà Trưng kêu gọi cả nước vùng lên chống ngoại xâm, các nghĩa quân từ 9 quận: Giao Chỉ, Cửu Chân, Nhật Nam, Uất Lâm, Thương Ngô, Nam Hải, Hợp Phố, Châu Nhai và Ðạm Nhĩ ồ ạt kéo đến đầu quân. Tổng cộng có đến 65 huyện thành cùng tham gia vào cuộc khởi nghĩa của Hai Bà.
Đáp ứng lời kêu gọi, Thiều Hoa cũng đem hơn 500 nghĩa sĩ về đầu quân. Hai Bà Trưng biết Thiều Hoa là một nữ tướng tài giỏi nên giao cho Thiều Hoa chỉ huy đoàn Nương tử quân, chuyên huấn luyện quân cảm tử và sau đó phong bà làm Tiên phong Hữu tướng, chỉ huy trận đánh quyết định với giặc Hán ở Luy Lâu.
Giao Chỉ là một trong những quận lớn và cũng là cái nôi của cuộc khởi nghĩa với những huyện thành là Mê Linh, Chu Diên, Long Biên, Liên Thụ, An Ðịnh, Cẩu Lâu, Khúc Dương, Bắc Ðới, Kê Từ và Tây Vu. Trong số 10 huyện thành này thì 2 căn cứ khởi nghĩa quan trọng đặt tại hai huyện Mê Linh và Chu Diên. Nghĩa quân lấy núi Ba Vì và sông Hồng làm điểm tựa và là nơi xuất phát những mũi tấn công chính.
Lực lượng nghĩa quân của Hai Bà Trưng đã khiến hàng loạt các tên thái thú nhà Hán ở 9 quận hốt hoảng tháo chạy, một số bị bắt giết và một số đầu hàng. Thậm chí Thái thú Tô Ðịnh cũng phải cải trang thành phụ nữ để đào thoát.
Oanh liệt hơn nữa là không phải chỉ có hơn 2 vạn quân Hán sang trấn áp cuộc khởi nghĩa do Hai Bà lãnh đạo như Hán sử đã viết, mà thực sự là có hàng chục vạn quân Hán bị thảm bại trước sức quật cường của dân quân Việt. Bằng chứng là năm 49 sau Công nguyên, khi rút quân tháo chạy ra khỏi quận Giao Chỉ, tướng giặc là Mã Viện cùng với đám tàn quân còn sót lại cũng bị nghĩa quân vây hãm và giết chết.
Nữ tướng Hoàng Thiều Hoa đã góp phần quan trọng trong cuộc đại thắng của nghĩa quân. Vì thế khi Hai Bà Trưng lên ngôi, liền phong cho bà là Thiều Hoa Công Chúa. Hai năm sau đó, khi quân Hán ào ạt tràn sang trấn áp, Thiều Hoa Công chúa đã anh dũng hy sinh trong một trận đánh ác liệt với đạo quân Mã Viện.
Hiện nay đền thờ Công Chúa Thiều Hoa vẫn còn hiện hữu ở làng Hiếu Quan, huyện Tam Nông. Hàng năm đều có lễ hội tưởng niệm Bà vào các ngày 12, 13 tháng Giêng âm lịch.
Các triều đại về sau đều có sắc phong cho công chúa Thiều Hoa. Vào đời nhà Trần và nhà Hậu Lê, triều đình đã sắc phong Thiều Hoa tước vị Đại vương.
* * *
Điểm đặc biệt trong cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng là có nhiều phụ nữ tham gia, trong số đó có hơn 20 nữ tướng anh dũng, được sử sách Việt ghi lại. Những cái tên như Thiều Hoa Công Chúa, Bát Nàn Công Chúa, Trấn Quốc Công Chúa .v.v… đã trở thành những biểu tượng hào hùng của giới nữ lưu VN, tạo dựng một truyền thống bất khuất mà hiếm có dân tộc nào trên thế giới có được. Đó là truyền thống “giặc đến nhà, đàn bà cũng đánh”.
Dòng máu hào hùng và bất khuất đó tiếp tục luân chảy trong giới nữ lưu VN suốt mấy ngàn năm sau đó, với những cái tên đi vào lịch sử như Triệu Thị Trinh, Bùi Thị Xuân, hay Cô Giang – Cô Bắc.
Đáng hãnh diện hơn nữa là trong bối cảnh hiện nay, trước hiểm họa “ngoại xâm và nội thù” đang phá nát xã hội và đất nước VN, hàng hàng lớp lớp phụ nữ VN đang nhập cuộc đấu tranh trên mọi nẻo đường đất nước, gây tiếng vang không chỉ trong dư luận VN mà còn cả thế giới. Rất nhiều người đã bị bạo quyền cộng sản VN bỏ tù, đánh đập và bao vây kinh tế. Thế nhưng tập đoàn cộng sản bán nước vẫn không thể bẻ gẫy ý chí đấu tranh và hủy diệt được tấm lòng tha thiết với đất nước và dân tộc của họ.
Họ chấp nhận dấn thân vì đã lỡ sinh ra làm người VN, với dòng máu Hai Bà Trưng, Thiều Hoa Công Chúa đang luân chảy trong người. Giống như các bậc anh thư hào hùng trong lịch sử, họ biết rõ “quốc phá” thì “gia vong”, nên việc vùng lên đấu tranh không chỉ đơn thuần là giữ nước, giữ nền độc lập quốc gia, mà còn là giải cứu gia đình mình trước hiểm họa “quốc phá gia vong”.
Chính vì thế, rồi sẽ có một ngày, khi chế độ độc tài độc đảng trị cáo chung, những cái tên như Lê Thị Công Nhân, Phạm Thanh Nghiên, Nguyễn Ngọc Như Quỳnh và hàng loạt nữ lưu khác nữa, sẽ được lịch sử vinh danh vì dám đứng lên đấu tranh trong giờ phút đen tối nhất của đất nước.
Việt Thái
No comments:
Post a Comment