Saturday, November 19, 2016

Quyền tự do thông tin

QuanĐiểm

Thưa quý thính giả,
Ngày 14 tháng 11 vừa qua, tổ chức Freedom House công bố kết quả đánh giá mức độ tự do thông tin của các quốc gia trên thế giới năm 2016, trong đó Việt Nam bị xếp áp chót, cả trong hai lãnh vực tự do báo chí và tự do sử dụng internet. Kết quả này dựa trên các tin tức về vi phạm quyền tự do thông tin của người dân, bao gồm các hành động của nhà cầm quyền cấm đoán, đe doạ, hành hung hoặc bỏ tù những nhà báo và những người gửi và nhận các thông tin trên mạng.
Freedom House, hay “Nhà Tự Do”, là một tổ chức bất vụ lợi thành lập năm 1941, trụ sở tại thành phố New York, Hoa Kỳ. Mục đích của tổ chức này là theo dõi mức độ “tự do”, đặc biệt là tự do thông tin, của các quốc gia trên thế giới. Kết quả các theo dõi này được công bố qua hình thức bảng xếp hạng mức độ tự do thông tin mà dân chúng mỗi quốc gia được hưởng. Ngoài bảng xếp hạng chung, Freedom House cũng cung cấp tài liệu tóm lược các vi phạm quyền tự do thông tin mà nhà cầm quyền từng nước đã thực hiện trong năm.
Về lãnh vực tự do báo chí, với chỉ số “không” là tốt nhất và 100 là kém nhất, Việt Nam có chỉ số 85, đứng hàng 185 trong số 202 quốc gia mà Freedom House theo dõi. Theo bảng đánh giá này, Na Uy là nước tốt nhất với chỉ số 9. Hoa Kỳ chỉ số 21, đứng thứ 30 và Bắc Hàn là nước tồi tệ nhất với chỉ số 97.
Về tự do sử dụng mạng lưới toàn cầu, cũng với cách thức phân định chỉ số tốt, xấu như trên, Việt Nam với chỉ số 76, đứng hàng 59 trong số 65 nước mà Freedom House theo dõi. Estonia, một quốc gia nhỏ bé thược vùng Baltic, Bắc Âu được đánh giá là tự do nhất với chỉ số 9. Trong khi đó, Hoa Kỳ được chỉ số 18, đứng thứ tư, và Trung Cộng, chỉ số 88 đứng chót bảng.
Trong bảm tóm lược tình trạng vi phạm quyền tự do báo chí tại Việt Nam, Freedom House nhận định Việt Nam là một trong số các quốc gia Á Châu có mức độ vi phạm nghiêm trọng nhất. Tổ chức này nêu nhận xét là, ngoài việc dùng bạo lực hăm doạ, đánh đập những nhà báo, nhà cầm quyền CSVN còn sử dụng cả hệ thống luật pháp để tước đoạt quyền tự do thông tin của người dân, điển hình như các điều 79, 88 và 258 của bộ luật hình sự.
Về các vi phạm quyền tự do sử dụng internet, Freedom House đã nêu lên các cách thức mà CSVN dùng để kiểm soát và ngăn cấm người dân tiếp cận các phương tiện thông tin trên mạng, kể cả việc “xâm nhập”, tức “hacking” tài khoản internet của những người mà cơ quan an ninh nghi ngờ. Theo tổ chức này, Việt Nam hiện có số người bị bắt giữ vì quảng bá tin tức qua internet vào hàng cao nhất ở Á Châu.
Đây không phải là lần đầu tiên Việt Nam bị Freedom House xếp vào nhóm đứng cuối bảng. Liên tiếp trong nhiều năm, Việt Nam luôn nằm trong số 10 quốc gia có những vi phạm nghiêm trọng nhất về quyền tự do thông tin theo kết quả theo dõi của tổ chức này.
Và cũng không phải chỉ có Freedom House xếp hạng Việt Nam đứng cuối bảng như vậy. Nhân ngày Tự do Báo chí Thế giới 3 tháng 5, Tổ chức Phóng Viên Không Biên Giới có trụ sở tại Paris, phổ biến báo cáo Chỉ số Tự do Báo chí toàn cầu tại 180 nước trên thế giới, trong đó, Việt Nam xếp thứ 175 tức gần chót bảng cùng với các nước độc tài cộng sản, quân phiệt và tôn giáo cuồng tín trên thế giới như Cuba, Trung Cộng, Syria, Bắc Hàn. Theo tổ chức này, năm 2016, theo bảng xếp hạng thì Việt Nam còn tệ hơn năm 2015 một bậc!Một tổ chức khác cũng quan tâm đến tự do thông tin là Uỷ Ban Bảo Vệ Ký Giả (Committee to Protect Journalists) cũng có trụ sở tại New York, đã xếp Việt Nam là 1 trong 7 quốc gia có chế độ kiểm duyệt khắt khe nhất thế giới. Ngoài Việt Nam, các nước còn lại là Eritrea, Ethiopia, Azerbaijan, Iran, Trung Cộng, và Miến Điện. Cũng theo Uỷ ban này, các nước còn theo chủ nghĩa cộng sản, như Việt Nam, Trung Cộng, Bắc Hàn, Cuba, và Lào, đều hạn chế tối đa việc tiếp cận thông tin qua internet, và là các quốc gia có đông tù nhân bị xử tù vì vi phạm các quy định về internet!Đặc biệt hơn nữa, năm ngoái, một tờ báo Đức có tên Bild đã xếp tổng bí thư CSVN Nguyễn Phú Trọng vào danh sách 5 kẻ thù nguy hiểm nhất của internet. Danh sách này, đứng chung với ông Trọng là Kim Jong-un của Bắc Hàn, Gurbanguly Berdimuhamedow của Turkmenistan, Isayas Afewerki của Eritrea, và Bashar al-Assad của Syria.“Thành tích” Việt Nam đứng gần chót bảng xếp hạng về mức độ tự do thông tin kể trên hẳn nhiên không làm cho ai ngạc nhiên. Nếu bản chất của Đảng CSVN là lừa bịp và phỉnh gạt, chuyên dùng kỹ thuật tuyên truyền nhồi sọ, bưng bít thông tin đối với dân chúng để cướp quyền lực và duy trì quyền lực thống trị đất nước, thì việc tước đoạt quyền tự do thông tin của người dân là hậu quả đương nhiên.Vì vậy, chừng nào mà điều 4 Hiến Pháp còn tồn tại để hiến định hoá ngôi vị lãnh đạo độc tôn và vĩnh viễn của đảng CSVN, thì chừng đó quyền tự do thông tin của nhân dân Việt Nam còn bị tươc đoạt./.
LLCQ

No comments:

Post a Comment