Hơn 21 ngàn du học sinh Việt Nam đang ở Hoa Kỳ
Theo thông cáo của Sứ Quán Hoa Kỳ tại Việt Nam ngày 15/11 thì hiện nay, có 21,403 du học sinh Việt Nam đang theo học tại Hoa Kỳ. So với năm 2015 thì hiện nay con số này đã gia tăng đến 14.3% khiến Việt Nam đứng hàng thứ 6 trong số các quốc gia có du học sinh theo học tại Hoa Kỳ, và tỷ lệ này có khuynh hướng ngày càng tăng. Theo lời đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam là ông Ted Osius thì những du học sinh này sẽ giúp người Mỹ và người Việt Nam hiểu biết nhau nhiều hơn, và khi trở về Việt Nam, họ sẽ sử dụng những gì đã thu nhận tại Hoa Kỳ để xây dựng một nước Việt Nam thịnh vượng hơn.
(http://www.nguoi-viet.com/hoa-ky/hon-21-ngan-du-hoc-sinh-viet-nam-dang-o-hoa-ky/)
Linh mục Phan Văn Lợi bị côn an Huế chặn cửa xúc phạm nhân phẩm
Chiều ngày 8/11, một linh mục khách đến nhà Linh mục Phan Văn Lợi để đưa ông đến Tòa giám mục Huế cách nhà gần một cây số để tham dự cuộc họp tôn giáo. Vừa ra khỏi cổng thì hai linh mục bị hai công an trẻ giả dạng côn đồ chặn lại, nói nhiều lời xúc phạm nhân phẩm. Chúng nói Linh mục Lợi mắc nợ tiền người ta nên chủ nợ thuê chúng tới giữ ông lại không cho ra khỏi nhà. Từ nhiều năm qua, Linh mục Lợi bị công an Huế nhiều lần giả danh côn đồ chặn trước cửa không cho ra khỏi nhà, bị đổ keo vào ổ khóa cổng, bị ném gạch và mắm tôm vào nhà làm vỡ cửa kính, ngói nhà.
(https://groups.google.com/forum/#!topic/soc.culture.vietnamese/9Swjira-_Sw)
Bắc Kinh dùng ngư dân Hải Nam để bồi đắp và bảo vệ các đảo nhân tạo và vùng biển chiếm được ở Biển Đông
Một phóng viên RFI đến đảo Hải Nam tiếp xúc với ngư dân tại đây, cho biết: tháng 4/2013, Tập Cận Bình đã đến Hải Nam khuyến khích ngư dân đến các đảo do Trung cộng bồi đắp để gìn giữ và bảo vệ vùng biển chiếm được. Ông khuyến khích họ đến tận Hoàng Sa, Trường Sa, bãi cạn Scarborough để đánh cá, sẵn sàng hỗ trợ tài chính để họ trang bị tàu vỏ sắt, vừa để đánh cá xa hơn, vừa để chống lại sự xua đuổi của hải quân nước khác. Ngư dân Hải Nam khi đi bồi đắp các bãi đá sẽ được trợ cấp tài chánh. Dù có đánh cá hay không, các tàu có mặt tại khu vực bồi đắp đảo nhân tạo đều được trợ cấp. Chẳng hạn chủ tàu có trọng tải 500 tấn được trợ cấp tương đương với 1,500 Euro mỗi tháng. Nếu đến tận bãi cạn Scarborough, có thể được trợ cấp từ 5,000 đến 10,000 euro.
(http://vi.rfi.fr/chau-a/20161116-ngu-dan-hai-nam-trung-quoc-chu-quyen-bien-dong) (http://www.boxitvn.net/bai/45661)
Ngoại Trưởng Đức Thăm Việt Nam
Từ 30/10 tới 1/11, Bộ trưởng Ngoại giao của Cộng Hòa Liên Bang Đức là Steinmeier đã đến thăm Việt Nam để gặp nói chuyện với Ngoại trưởng và Thủ tướng CSVN, thăm Đại học Luật Hà Nội và tọa đàm với 15 sinh viên Việt Nam. So sánh 2 bản tin của Đức và Việt Nam về cuộc viếng thăm này, ta thấy có những vấn đề mà báo chí CSVN dấu nhẹm. Chẳng hạn như ông Steinmeier đề nghị CSVN đổi mới chính trị, kêu gọi Việt Nam tiếp tục mở cửa, tôn trọng những quyền tự do dân sự ở Việt Nam, đồng thời chống tham nhũng hữu hiệu hơn. Tại Đại học Luật Hà Nội, trong cuộc tọa đàm với 15 sinh viên Việt Nam, Ngoại trưởng Đức nói về những giá trị như Tự do và Bình đẳng và sự gắn kết giữa những giá trị này. Hàng trăm tờ báo của CSVN không có tờ nào nhắc tới buổi tọa đàm này.
(http://tntmediasandiego.com/ngoai-truong-duc-tham-vn)
Tàu Trung cộng đâm tàu ngư dân Khánh Hòa
Sáng 10/11, tại ngư trường Hoàng Sa, tàu đánh cá từ Khánh Hòa của anh Tống Thành Tiến gồm khoảng 10 người đang đánh bắt cá thì gặp tàu Trung cộng tiến đến, rồi húc và đuổi tàu của anh Tiến ra khỏi khu vực Hoàng Sa suốt 3 tiếng. Ba hôm sau, vào 9g00 tối ngày 13/10, khi đang đánh cá trong vùng giữa đảo Phú Lâm và đảo Linh Côn (thuộc huyện Hoàng Sa, Đà Nẵng) thì tàu anh Tiến lại bị chính bị tàu Trung cộng hôm trước húc thẳng liên tiếp vào tàu của anh nhiều lần trong suốt 40 phút khiến tàu bị thiệt hại nặng nề. Mọi người đều sợ hãi quay trở về, may mà mọi người đều an toàn. Tàu bị thiệt hại ước tính khoảng 150 triệu đồng, chưa kể những thiệt hại trước đây.
(https://xuandienhannom.blogspot.com/2016/11/tau-trung-quoc-am-tau-ngu-dan-khanh-hoa.html)
Trung Cộng phản đối Việt Nam cải tạo đường băng
Một cơ quan nghiên cứu ở Hoa Kỳ cho biết Việt Nam đang cải tạo đường băng trên đảo Trường Sa Lớn mà Việt Nam này tuyên bố chủ quyền. Hình ảnh từ vệ tinh mà cơ quan nghiên cứu trên có được cho thấy Việt Nam đã kéo dài đường băng trên đảo từ 760m lên 1,2km, để có thể sử dụng được cho các máy bay vận tải, tuần thám biển và chiến đấu cơ. Ngay sau khi nghe tin này, Trung cộng lập tức phản đối cho rằng Trung Quốc “có chủ quyền không thể tranh cãi” đối với quần đảo này và “cực lực phản đối sự chiếm đóng trái phép của các nước khác” tại đây.
APEC lo ngại trước chính sách bảo vệ mậu dịch của tổng thống đắc cử Donald Trump
Ngày 19/11 lãnh đạo của 21 quốc gia thuộc tổ chức APEC nhóm họp tại Lima, thủ đô Peru, hội nghị khai mạc trong không khí lo âu trước chính sách bảo vệ mậu dịch của tổng thống đắc cử Hoa Kỳ Donald Trump. Tham dự hội nghị có Tổng thống Mỹ Barack Obama sắp mãn nhiệm, Tổng thống Nga Vladimir Putin, Chủ tịch Trung cộng Tập Cận Bình, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull, Giám đốc điều hành Quỹ Tiền tệ Quốc tế Christine Lagarde và các nguyên thủ khác. Phái đoàn Việt Nam do chủ tịch nước Trần Đại Quang cầm đầu. Việt Nam sẽ tiếp nhận vai trò nước chủ nhà từ Peru, và năm 2017 APEC dự kiến sẽ được tổ chức tại Dà Nẵng và Sài Gòn.
Cần nhắc lại APEC là Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu Á – Thái Bình Dương, tên tiếng Anh là Asia-Pacific Economic Cooperation, được thành lập tháng 11 năm 1989 với 12 thành viên sáng lập nhằm định hướng, thúc đẩy, triển khai giải quyết các vấn đề chung cho sự phát triển kinh tế của quá nửa số lượng kinh tế toàn cầu.
Hàng chục ngàn người biểu tình đòi thủ tướng Malaysia là Najib Razak từ chức
Hôm 19 tháng 11 năm 2016. Tại Kuala Lumpur, Malaysia, hàng chục ngàn ngưới đã xuống đường biểu tình đòi cải cách chính trị, tổ chức các cuộc bầu cử tự do công bằng, và đòi thủ tướng Najib Razak từ chức. Cuộc biểu tình với một rừng áo vàng tràn ngập trung tâm thủ đô Kuala Lumpur, họ giương cao các biểu ngữ có ghi những hàng chữ như “Dân chủ Malaysia chỉ còn trong Ký ức”, và “Chán ngấy chế độ trộm cắp”. Những người biểu tình đòi thủ tướng Najib Razak từ chức về cáo buộc có liên quan tới vụ tai tiếng biển thủ công quỹ hàng tỉ đôla. Cuộc biểu tình đã diễn ra trong ôn hoà, mặc dù có lo ngại sẽ xảy ra đụng độ giữa những người biểu tình và các nhóm thân chính phủ.
No comments:
Post a Comment