Tuesday, November 8, 2016

Cán bộ và dân- Lửa và Nước

ChuyệnNướcNonMình

Chưa bao giờ bản chất của nhân dân với cán bộ nhà nước lại trái ngược nhau như nước với lửa giống tình trạng hiện tại. Nói một cách nghiêm túc thì cán bộ là lửa, còn nhân dân là nước. Và trong một số trường hợp ngẫu nhiên lại có sự trùng hợp, thậm chí tương ứng đặc biệt trong chuyện dân là nước, cán bộ là lửa.
Nhiều người nói đùa rằng cán bộ là lửa, đến chết cũng gắn với lửa, còn dân là nước nên đến chết cũng gắn với nước. Chuyện này mới nghe thì có vẻ đùa cợt nhưng sâu xa của nó vẫn có cái gì đó hợp lý khó nói. Từ trước tới nay, những vụ chết nổi cộm, chết đình đám của cán bộ đều rơi vào tình trạng chết lửa, nếu không chết vì chó lửa (súng) khạc đạn như vụ cán bộ công an giao thông miền Nam xử nhau, vụ cán bộ cấp cao tỉnh ủy Yên Bái xử nhau thì cũng là cán bộ nguồn của đảng Cộng sản bị chết cháy trong quán karaoke. Và đặc biệt, cái chết vì lửa của cán bộ luôn gắn với thú vui đàn đúm hoặc những vụ ăn chia bất minh, bất sòng phẵng giữa họ với nhau.
Ngược lại, cái chết của nhân dân, nếu nổi đình nổi đám thì chết vì nước, từ cái chết của các thợ lặn ở Vũng Áng, Hà Tĩnh do bị độc tố (Formosa thải vào biển miền Trung) cho đến những cái chết trôi, chết mất tích do lũ, mà chính xác hơn là do nước xả lũ của các thủy điện cuốn trôi. Mặc dù cái chết của nhân dân nổi cộm hơn, đau lòng và oan khiên hơn, nhưng cái chết của nhân dân nhanh chóng bị chìm như hòn cuội chìm xuống dòng nước. Ngược lại, những cái chết của giới quan chức, cán bộ lại được nổi lên như lửa rơm gặp gió. Đương nhiên, nổi không đồng nghĩa với việc được chia xẻ, đồng cảm hay thương cảm, có khi là nổi theo hướng ngược lại.
Và vì sao cho đến lúc này, tôi không ngần ngại để ví von nhân dân là nước và cán bộ là lửa. Bởi theo như cách giải thích trong Thái Ất Thần Kinh của của Nguyễn Bỉnh Khiêm và Trung Thiên Dịch của cụ Trần Cao Vân, gần đây là Kinh Dịch của cụ Phan Bội Châu và tác phẩm mang tính chất giải mã Kinh Dịch của cố học giả Nguyễn Hiến Lê thì nước thuộc quẻ Khảm, lửa thuộc quẻ Ly. Tuy rằng nước hiểm hóc, mới nhìn có vẻ âm tính nhưng bản chất của nước lại là dương trưởng, mạnh mẽ và hàm chứa năng lượng khủng khiếp nhất của vũ trụ. Ngược lại, lửa mới nhìn bên ngoài có vẻ minh triết nhưng thực tế bên trong lại hàm chứa tính âm, ti tiện và nhỏ mọn về bản chất, cá tính. Đương nhiên, có một tính năng hiện ra rất rõ là trong thế giới, nước bao giờ cũng nhiều và mênh mông, bao la, ngược lại, lửa rất ít so với nước và luôn bị khống chế, giới hạn bởi tính nguy hiểm, tham tàn của nó.
Xét trên khía cạnh này, có vẻ như nước thuộc về nhân dân và lửa thuộc về nhà nước, đặc biệt là giới cán bộ nhà nước Cộng sản Việt Nam, bởi họ có quá nhiều tính chất ngược ngạo, mâu thuẫn với nhân dân. Mọi quyền lợi của cán bộ nhà nước, xét về bản chất, nó hoàn toàn đi ngược với quyền lợi của nhân dân. Lợi ích nhóm và tư bản đỏ, bè phái tham nhũng, bành trướng quyền lực và bán đứng lãnh thổ đang hoành hành đất nước. Đời sống nhân dân đi từ đói khổ sang bất an và uất ức. Nỗi uất ức của nhân dân như một đại dương chứa đầy sóng ngầm. Ngược lại, ngọn lửa tham tàn của giới cán bộ, đảng viên cộng sản đang cháy hết công suất của nó, thiêu rụi mọi thứ có thể thiêu được, từ tài nguyên, sức người, tài sản, đất đai của nhân dân cho đến văn hóa, tinh thần, giá trị nhân văn của tổ tiên để lại đều bị thiêu rụi trong ngọn lửa phe nhóm lợi ích và tư bản đỏ.
Nhân dân có thể không đói khổ nhưng đau khổ bởi độc tố từ thực phẩm cho đến tư tưởng, bị ruồng bỏ, ruồng bố ngay trong căn nhà, ngay trong mảnh vườn thân yêu của mình. Và kẻ ruồng bỏ/ruồng bố không ai khác ngoài đảng cộng sản Việt Nam. Ngọn lửa tham tàn cháy càng mạnh, tiền bạc, sự giàu có của giới cán bộ cộng sản càng phình to bao nhiêu thì dòng nước cuộn chảy, những con sóng ngầm nơi đại dương nhân dân càng mạnh lên bấy nhiêu. Điều này giống như một thứ qui luật vô hình của trời đất, tạo hóa, dù nhìn thấy hay không nhìn thấy, nhận ra hay không nhận ra thì ngấm ngầm trong vô thức tập thể nhân dân cũng đã có một xung năng cực lớn nhằm dập tắt ngọn lửa tham tàn của giới cầm quyền. Trong khi đó, ngọn lửa tham tàn của giới cầm quyền đã cháy đến độ không thể tự điều chỉnh được nữa mà cháy lan khắp mọi nơi, bén sém tất cả những gì nó bắt gặp, nó đã hoàn toàn không còn tính tự chủ, đã thành một thứ bản năng tập thể, hễ có đảng cộng sản, có đảng viên, cán bộ thì có tham tàn. Tham từ gói mì tôm cứu trợ đồng bào vùng lũ cho đến chiếc phong bì từ thiện cho người đói khổ, khốn khó và không ngoại trừ việc tham lam cả những đồng tiền bán đứng quốc gia, lãnh thổ, những đồng tiền, những cú áp phe thấm đầy xương máu, sinh mạng của nhân dân.
Ngược lại, đại dương vốn nguội lạnh trong nhân dân qua bốn chục năm sống trong sự kiềm kẹp, tàn nhẫn của nhà cầm quyền bỗng dưng trở nên sôi sục do sức nóng của ngọn lửa tham tàn từ giới cầm quyền. Biển lạnh được hâm nóng và sự chuyển động của những dòng hải lưu nóng đang ngày càng thêm mạnh, gây một cuộc chuyển động nội năng của biển lớn. Và điều gì xảy ra khi nước và lửa gặp nhau? Có lẽ cũng không cần nói nhiều. Mà vấn đề tôi muốn bàn ở đây là không hiểu vì sao sự khác biệt giữa quẻ Ly và quẻ Khảm lại được nhắc nhiều nhất, làm rõ tính chất của nó theo hướng ngược cách giải thích của người Trung Hoa trong cuốn Trung Thiên Dịch của Chí sĩ Trần Cao Vân.
Và cũng theo tác phẩm này, vào Trung Nguyên, Trung Phần Việt Nam sẽ có dấu hiệu quẻ Khảm mạnh hơn quẻ Ly và quẻ Khảm sẽ làm chủ đại cục. Ý nghĩa của việc này như thế nào khó mà đoán ra cho cụ thể. Nhưng hiện tại, điều dễ thấy nhất là “thế nước đang lên” theo cả nghĩa bóng lẫn nghĩa đen. Và nước lên cỡ nào thì chưa biết nhưng chắc chắn là nhân dân ứng với nước, sống với nước và chết với nước. Ngược lại, cán bộ ứng với lửa, lòng tham của họ cũng chẳng khác gì lửa thiêu rụi mọi thứ và họ chết với lửa.
Chuyện nghe có vẻ kì cục nhưng là thực. Chí ít là thực và ứng quẻ trong lúc này, lũ lụt đã bao trùm cả miền Trung Việt Nam. Nhưng quẻ chỉ là quẻ, con người mới tạo ra quẻ và xóa bỏ kí hiệu đi, cũng giống như con người cưu mang, dung dưỡng chế độ và đập bỏ chế độ đi, chuyện đời như mưa như nắng!
Viết từ Sài gòn

No comments:

Post a Comment