Saturday, November 5, 2016

Anh Hùng Phạm Hồng Thái

DanhNhânNướcViệt

Anh chàng trai nước Việt,
Sinh trong thời loạn thế.
Quên hạnh phúc riêng mình,
Quyết tâm đền nợ nước.
Tiếng bom Sa Điện đó,
Quân thù kinh khiếp sợ.
Sống hiên ngang ngạo nghễ,
Chết trên dòng Châu Giang.
Gửi xác nơi xứ người,
Phạm Hồng Thái tên anh.
Nghìn thu xin yên nghỉ,
Hậu thế nhớ ơn anh.
Phạm Hồng Thái tên thật là Phạm Thành Tích, sinh ngày 14/5/1895, quê ở Nghệ An, con của quan Huấn đạo Phạm Thành Mỹ. Nội tổ Phạm Trung Tuyển và phụ thân ông đều tham gia cuộc khởi nghĩa Hương Khê do cụ Phan Đình Phùng lãnh đạo.
Từ thuở nhỏ, Phạm Hồng Thái đã tận mắt chứng kiến tội ác của thực dân Pháp khi họ đàn áp các cuộc khởi nghĩa, với nhiều người yêu nước bị sát hại hoặc bị giam cầm trong tù ngục, xóm làng bị đốt cháy, của cải bị cướp bóc, nên đã khơi dậy tấm lòng yêu nước trong lòng ông. Cha ông vì tham gia khởi nghĩa nên đã bị truy lùng, phải trốn đến Lạng Sơn, ẩn nấp trong một xóm làng dạy học để mưu sinh.
Khi lớn lên, Phạm Hồng Thái cùng với một nhóm thanh niên có tâm huyết theo Vương Thúc Oánh (thành viên Việt Nam Quang Phục Hội) vượt biên qua Thái, sau đó sang Quảng Châu vào cuối năm 1918.
Tháng 4 năm 1924, ông gia nhập nhóm chủ trương bạo động “Tâm Tâm Xã” của Hồ Tùng Mậu và Lê Hồng Sơn.
Theo tác phẩm “Liệt sĩ Phạm Hồng Thái” của Viên Sĩ Luân thì vào ngày 18-6-1924, Toàn quyền Pháp tại Đông Dương tên Martial Henri Merlin đến thăm Quảng Châu. Sau khi biết ngày giờ và hành trình của viên Toàn quyền, Phạm Hồng Thái mang theo súng ngắn để ám sát Merlin tại bến tàu Bạch Nga Đàm. Nhờ nói lưu loát tiếng Pháp, Phạm Hồng Thái dễ dàng trà trộn vào hàng ngũ sĩ quan và kiều dân Pháp, chờ cơ hội ra tay.
Khoảng 10 giờ sáng, Merlin từ trên chiến hạm Pháp bước xuống, bắt tay những người ra đón. Lúc đó, Phạm Hồng Thái chỉ cách Merlin khoảng 10 thước và chuẩn bị nổ súng. Đột nhiên nhiều viên chức địa phương và ký giả kéo đến bao quanh Merlin. Vì sợ gây thương vong cho những người vô tội, nên ông không ra tay.
Vào chiều hôm đó, khi toàn quyền Merlin đến dự buổi tiệc chiêu đãi trong tòa Lãnh sự Pháp tại Sa Điện, Phạm Hồng Thái giả dạng phóng viên đột nhập vào hiện trường để thực hiện sứ mạng, nhưng vì khách tham dự quá đông, sợ súng ngắn khó bắn trúng mục tiêu và dễ lạc đạn nên ông đành hủy bỏ kế hoạch.
Ngày 19-6-1924, sau khi viết bản cáo trạng tố cáo tội ác của thực dân Pháp, một lần nữa Phạm Hồng Thái giả dạng ký giả vào khách sạn Victoria tại tô giới Sa Điện ở Quảng Châu, thực hiện cuộc ám sát Merlin bằng bom để gây tiếng vang. Và ông đã ném quả bom vào giữa bàn tiệc, sức công phá gây tử thương cho 5 doanh nhân Pháp, nhưng Merlin chỉ bị thương.
Sau khi ném bom, Phạm Hồng Thái thoát ra ngoài khách sạn nhưng bị truy đuổi, cuối cùng đành phải gieo mình xuống dòng Châu Giang tự tử, khi đó ông chỉ mới 28 tuổi.
Thi hài Phạm Hồng Thái được chính phủ Tôn Trung Sơn chôn cất ở Hoàng Hoa Cương, nơi yên nghỉ của 72 liệt sĩ Trung Hoa trong cuộc Cách mạng Tân Hợi (1911).
Sự kiện ám sát quan Toàn quyền Đông Dương sau đó được gọi là “Tiếng bom Sa Điện”, làm chấn động toàn vùng Đông Nam Á, khiến tinh thần yêu nước của thanh niên tăng cao, phong trào Đông Du gia tăng uy tín, chiêu mộ được nhiều thanh niên Việt Nam sang học tại trường quân sự Hoàng Phố của chính phủ Trung Hoa Dân Quốc.
Tính đến nay, dư âm của “tiếng bom Sa Điện” đã lan truyền hơn 100 năm. Tên tuổi của người anh hùng Phạm Hồng Thái đã trở thành một trong những biểu tượng yêu nước thương nòi của giới thanh niên VN trong thời kỳ mất nước. Hàng loạt các thanh niên khác đã đứng lên tiếp nối Phạm Hồng Thái trong các phong trào kháng chiến chống Pháp. Họ đã đứng lên “đáp lời sông núi” từ vài chục năm trước khi đảng cộng sản VN ra đời. Hàng ngàn người đã chết dưới tay thực dân Pháp và bè lũ tay sai. Hàng chục ngàn người đã bị đày đọa trong các trại tù khổ sai trong nước và tại các thuộc địa của Pháp.
Giống như Phạm Hồng Thái, họ là những tinh hoa của đất nước nhưng chấp nhận hy sinh thân mình để cứu nguy tổ quốc. Nhưng điều đáng tự hào nhất, là họ đã chứng minh cho thế giới thấy rằng dân tộc Việt không hèn yếu và nhu nhược, mà bằng chứng điển hình là chính phủ Trung Hoa Dân Quốc của Tôn Dật Tiên đã bày tỏ lòng khâm phục tấm lòng ái quốc của Phạm Hồng Thái khi ra lệnh chôn cất ông trong nghĩa trang dành cho những người hùng của cuộc cách mạng Trung Hoa.
Chính vì thế, những con đường mang tên của Phạm Hồng Thái trong nước mãi mãi sẽ là niềm hãnh diện của giới trẻ mang giòng máu bất khuất của nòi giống Tiên Rồng./.
Việt Thái

No comments:

Post a Comment