Friday, November 25, 2016

LỜI KINH TỪ NGỤC TỐI

ThiCaYêuNước

Việt Nam hôm nay là một nhà tù lớn, nhốt kín trên 90 triệu dân Việt trong cùm Đỏ. Trong nhà tù lớn đó, lại đầy những nhà tù nhỏ trói chặt các tinh hoa trong xiềng xích nghiệt ngã, như Lê Quốc Quân, Nguyễn Văn Đài, Anhbasam, Mẹ Nấm, Lưu Văn Vịnh.Từ ngục tối oan khiên đó, đã vọng ra những tiếng nói uất nghẹn của Nguyễn Chí Thiện, Lê Thị Công Nhân, Vũ Đức Nghiêm, Hoàng Phong Linh, Thái Tú Hạp, Vô Tình và nhiều tù nhân khác
Trước hết là Vũ Đức Nghiêm. Ông là một nhạc sĩ tài hoa, rất nổi tiếng với bản nhạc “Gọi Người Yêu Dấu”. Ông còn là một nhà thơ, đã phổ biến những bài thơ tình lãng mạn dễ thương, bên cạnh những vần thơ đấu tranh rực lửa. Vũ Đức Nghiêm đã mòn mỏi rũ liệt trong tù cộng sản với nỗi căm hờn chất ngất:
Còn nhớ thuở “ Bên Trời Lận đận”
Hoàng Liên Sơn khóc hận quê hương.
Xót xa đất nước tang thương,
Đêm đêm nghiến vỡ hàm răng căm thù.
Nỗi căm hờn đã tuôn trào thành thơ, thành lửa hận thù, và nhà thơ đã phải ngậm đắng nuốt cay, cùng với các bạn tù, chuyển từ trại này qua trại khác:
Hờn căm biến thành thơ lửa giận
Phá oan khiên, thét hận lưu đầy.
Hàm Tân ngậm đắng nuốt cay,
Lào cai, Yên bái bao ngày lao lung.
Từ nỗi lòng căm hận như lửa bốc, thi-nhạc sĩ họ Vũ đã thề quyết sẽ đấu tranh để rửa hận, và mơ ngày quang phục quê hương:
Sông cạn khát khao vài trận mưa
Núi cao rung chuyển từng cơn sốt
Mơ ngày phục quốc cứu quê hương,
Thù giặc Cộng minh tâm khắc cốt.
Chiến sĩ Võ Đại Tôn chính là nhà thơ Hoàng Phong Linh, cũng đã trải qua những ngày lao lung trong ngục tối cộng sản. Đối diện với cực hình, người chiến sĩ một thời hào hùng đó đã phải khóc thầm, không phải khóc cho mình, mà khóc cho quê hương dân tộc đang bị đóng đinh trên khổ giá
Và đêm nay
Trong âm thầm ngục tối
Con lạc loài như một ánh sao sa.
Lạy Mẹ MARIA
Hồn con dâng tiếng khóc.
Quê hương con là ngục tù tang tóc
Bao năm rồi dòng máu chảy trong đêm.
Đường Thánh Giá sao cứ mãi dài thêm
Đời khổ nhục, đá cũng tan thành lệ.
Người chiến sĩ cúi mặt khóc thầm, nhưng không hề tuyệt vọng. Với dòng máu nóng trong huyết quản, ông đã kiên gan chịu đựng, nguyện cầu, và mơ một ngày đau khổ nở hoa, đất nước hoan ca:
Con mòn mỏi chìm sâu trong đáy vực.
Xin lạy Mẹ cho đời con thêm sức
Thêm ơn lành, được nói tiếng “Thưa Vâng !”.
Cho Việt Nam được hưởng trọn hồng ân
Trong mắt Mẹ bằng một dòng dư lệ.
Dù một giọt cũng hóa ra thành bể
Trôi nguồn đau cho đất nở muôn hoa
Cho muôn người được cất tiếng hoan ca
AVE MARIA
A-LE-LU-YA !!!
Nhà thơThái Tú Hạp mang tâm tình bi đát hơn, với những vần thơ da diết hơn.Từ ngục tối giữa rừng xanh, ông cảm thấy niềm đau chất ngất, và mặt trời hy vọng như đang tàn tạ trên thân xác héo úa của tù nhân, mãi nhớ tiếc mùa xuân năm nào:
nỗi niềm đau cũng không đi tới mặt trời trước mắt
nỗi buồn cao như núi thẳm vây quanh
nỗi niềm đau cũng cao ngất rừng xanh
nuôi hy vọng da người xanh như lá
người tù binh khao khát nhớ mùa xuân..
Thao thức mong chờ với niềm hy vọng qúa mong manh, người tù đang mất dần sức sống như thể cành cây khô héo xác xơ:
trên áo tả tơi buồn
người tù binh yên lặng..
rừng bỗng thấy xác xơ
cây và người khô héo
nỗi sầu giống như nhau..
Gậm nhấm nỗi đau vô vọng, nhà thơ chỉ ao ước được một chút hơi ấm để tiếp tục thở, tiếp tục sống:
bao nhiêu lá trên rừng
nhen cho ta chút lửa
đốt tình giữa hư không
bên ngàn lau lách cũ…
Nhưng thiên nhiên vẫn hờ hững, rừng núi vẫn vô tình, cùng tâm trạng như Hoàng Phong Linh, nhà thơ họThái chỉ còn biết nâng lòng lên Trời Phật để dâng lời kinh đêm:
sắc không từ độ rã hàng
núi vây bốn phía sầu tang một mình
rừng xanh một thoáng u minh
hắt hiu còn lại lời kinh qua hồn
Cầu trời khẩn Phật cho vơi bớt đớn đau. Nhưng rồi nhà thơ vẫn phải đối diện với hiện thực bi đát với những cái chết oan ức mà anh dũng của tù nhân. Những cái chết kiêu hùng đó là niềm hãnh diện, nung nấu lòng căm hờn và sức sống trường tồn của dân tộc:
người tù binh dũng liệt
trái tim vẫn nguyên trinh
giữa cùm gông đốn nhục
hồn ngọc vẫn tinh anh
giữa đọa đày địa ngục
niềm tự hào dân tộc
anh như lá rừng xanh
giữa hồn xuân nhân loại
tôi vẫn nhớ về anh
như ánh sáng bình minh
rạng ngời trong đêm tối
cho Việt Nam Tự Do
thét gào trong vực thẳm…
Từ niềm hãnh diện dân tộc đó, Thái Tú Hạp đã mơ hồ nghe tiếng hát vang vọng, như thể tiếng hoan ca của mẹ Việt Nam đầy sức sống vươn lên:
ôi tiếng hát Việt Nam
tiếng hát nồng nàn hơi thở
như Cửu Long như Thu Bồn Hương Giang hớn hở
về trùng dương mở hội hoan ca..
tiếng hát tuyệt vời như cánh vạc
trên cánh đồng hoa ngát trầm hương
Còn nhà thơ Vô Tình cũng nếm cảnh đọa đày trong tù lao động khổ sai cộng sản. Thơ của anh thực tế hơn, phản ảnh đầy đủ cuộc sống tù đày man rợ hơn cả thời tiền sử. Bị bỏ đói, phải ăn bất cứ gì để sống:
Bất cứ con gì – ta cũng xơi
Chỉ trừ duy nhất con Trùn thôi
Thằn lằn, Rắn rết cùng Châu chấu
Bọ cạp, Kỳ nhông lẫn Chuột hôi
Rễ củ, Nấm rừng – ăn lót dạ
Nước ao, Khe suối – uống cầm hơi
Nếu ai có hỏi: – Sao ta sống?
Ta vẫn lặng thinh – Ta mỉm cười!
Nhà thơ lặng thinh mỉm cười với khổ đau, như thể cuỡi lên lưng cuộc đời. Đó là thái độ thản nhiên chịu đựng cần thiết để sống, để hy vọng và để tiếp tục chiến đấu:
Điều chắc chắn không bao giờ trở lại
Sống cảnh này – dưới chế độ dã man.
Nếu có chết ngã hồn thiêng sông núi,
Nếu sống còn – ta mài kiếm thời gian
Công cuộc đấu tranh dân chủ hóa Việt Nam còn nhiều cam go, nhưng với ý chí quyết chiến và quyết thắng của dân Việt, ngày “trùng dương mở hội hoan ca” của Thái Tú Hạp, ngày “muôn nguời cất tiếng hoan ca” của Hoàng Phong Linh và “ngày phục quốc cứu quê hương” của Vũ Đức Nghiêm đã gần kề. Giấc mơ và nguyện ước tiếng hát Al-LE-LU-YA của Võ Đại Tôn, như bài ca chiến thắng, như khải hoàn ca, sắp thành hiện thực, vang vọng năm châu!
Ngô Quốc Sĩ, Minh Nguyệt, Hải Sơn tam biệt, xin hẹn gặp lại quí thinh giả trong mục TCYN lần lới.
Ngô Quốc Sĩ

No comments:

Post a Comment