Sunday, October 6, 2024

Việt Nam Tuần Qua: Chủ Nhật 06.10.2024

Việt Nam Tuần Qua

Kính thưa quí thính giả, sau đây phóng viên Bảo Trân và Hướng Dương sẽ điểm lại những sự kiện nổi bật tại Việt Nam trong tuần qua

Bảo Trân: Cám ơn chị ML. BT xin kính quý thính giả đài DLSN và xin chào anh HD.

Thưa anh, trong tuần qua công an nhà cầm quyền csvn có dấu hiệu gia tăng sự đàn áp lên những người bất đồng chính kiến. Cụ thể là tiến sĩ Nguyễn Quang A đã liên tục bị triệu tập nhiều lần phải không thưa anh?

Hướng Dương: Thưa chị, Tiến sĩ Nguyễn Quang A đã bị công an thành phố Hà Nội gửi giấy mời hai lần để thẩm vấn việc ông tham gia hội luận, trả lời phỏng vấn trên mạng xã hội”. Lần thứ nhất ông bị mời ngày 25/9 và lần thứ hai vào ngày 27/9, tới địa điểm tại Trụ sở Công an quận Long Biên, Hà Nội.

Cả hai lần, ông Nguyễn Quang A đều từ chối lời mời và không đến trụ sở công an quận Long Biên theo yêu cầu.

Ông A thường xuyên trả lời phỏng vấn báo đài nước ngoài, hoặc tham gia hội luận trực tuyến về các vấn đề chính trị, xã hội, và thời sự liên quan đến Việt Nam trên đài BBC, VOA và RFA.

Ông Quang A bị khủng bố ngay trong thời gian ông Tô Lâm đang có chuyến làm việc tại Hoa Kỳ.

Bà Mary Lawlor- báo cáo viên đặc biệt của Liên Hiệp Quốc (LHQ) đã lên tiếng bày tỏ sự quan ngại về vụ việc trên.

Giáo sư Larry Diamond, Đại học Stanford, Hoa Kỳ, viết trên trang X rằng: “Đảng Cộng sản Việt Nam muốn đưa thêm các tù nhân lương tâm mới vào tù để thế chỗ cho các tù nhân lương tâm vừa được thả ra, một trò cũ rích”.

Tiến sĩ Nguyễn Quang A, cựu Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển (IDS)- nhưng đã bị giải thể vì bị cáo buộc có những kiến nghị trái với đường lối của đảng. Ông cũng là người được bình chọn là một trong 10 người có ảnh hưởng đến sự phát triển của Internet Việt Nam trong 10 năm (1997-2007). Nhiều năm nay, ông Nguyễn Quang A nổi lên như là một trong những lãnh đạo nổi bật của phong trào xã hội dân sự tại Việt Nam.

Bảo Trân: Trong khi đó, ở biển Đông, tàu cá của VN đã bị Trung Cộng tấn công, trong khi nhà cầm quyền csvn chỉ dám nói hung thủ là “tàu lạ”, nhưng Trung Cộng chính thức xác nhận đã ra tay. Xin anh cho biết thêm về việc này.

Hướng Dương: Thưa chị, bốn ngày sau khi một tàu cá của ngư dân Quảng Ngãi bị “tàu nước ngoài” tấn công một cách  dã man, vào hôm 2/10, Trung Cộng xác nhận biến cố đã xảy ra nhưng khẳng định là đã kềm chế và “không làm ai bị thương”.

Theo các ngư dân Quảng Ngãi, chiếc tàu có gắn cờ Trung Cộng, với khoảng 40 người “mặc đồ rằn ri”, lên thuyền của họ, cầm gậy sắt gặp đâu đánh đó, khiến 4 ngư dân Việt Nam bị thương nặng. Các ngư dân cũng cho biết phía Trung Cộng đã lấy đi các ngư cụ và vật dụng giá trị, với ước tính thiệt hại khoảng 500 triệu đồng.

Hai tàu nước ngoài được xác nhận là của Trung Cộng có tên là Sansha Zhifa 101 và Sansha Zhifa 301. Các tàu này đã xử dụng ba chiếc ca nô đuổi theo tàu cá Việt Nam, đến khoảng 10 giờ sáng ngày 29/9, ba chiếc ca nô này đã bao vây tàu cá Việt Nam và các binh sĩ Trung Cộng đã nhào lên tàu.

Phát ngôn nhân bộ ngoại giao Trung Cộng thừa nhận vụ này, nhưng khẳng định các thông tin nêu trên không đúng tình tiết. Theo cáo buộc của Trung Cộng, các tàu cá Việt Nam đã đánh bắt bất hợp pháp ở vùng biển Hoàng Sa, vì vậy lực lượng Trung Cộng đã áp dụng các biện pháp bắt giữ theo quy định của pháp luật, và không để ai bị thương.

Vào hôm qua, phát ngôn nhân Phạm Thu Hằng của bộ ngoại giao VN, đã lên tiếng phản đối Trung Cộng về vụ này và xem đây là hành động nêu vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa. Bộ này cho biết là có hành động nghiêm khắc với tòa đại sứ Trung Cộng tại Hà Nội, nhưng không yêu cầu phải bồi thường.

Bảo Trân: Liên quan đến lãnh vực nhân quyền, thưa anh, Liên Hiệp Quốc đã đưa ra nhiều khuyến nghị về những vi phạm nhân quyền của Hà Nội, nhưng VN đã phủ quyết một số vi phạm này, anh có tin thêm về việc này

Hướng Dương: Giới đấu tranh cho nhân quyền Việt Nam bày tỏ sự thất vọng sau khi bạo quyền Hà Nội chỉ tiếp nhận 271 trong số 320 khuyến nghị được đưa ra vào kỳ kiểm điểm định kỳ phổ quát.

Thứ trưởng ngoại giao Đỗ Hùng Việt cho biết là sau khi xem xét kỹ lưỡng, VN chỉ chấp nhận 271 khuyến nghị về nhân quyền. Lời phát biểu này được đưa ra tại khóa họp thứ 57 của Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc vào hôm 27/9.

Tuy nhiên nhiều tổ chức nhân quyền tham dự phiên họp nói trên bày tỏ sự bất mãn khi Hội đồng Nhân quyền LHQ thông qua kết quả báo cáo của Việt Nam. Trong số 49 khuyến nghị mà bạo quyền từ chối tuân theo, có những vấn đề rất quan trọng liên quan đến nhân quyền, trong đó có khuyến nghị sửa đổi hay bãi bỏ các điều luật như điều 117 và 331 của bộ luật hình sự.

Bạo quyền Việt Nam thậm chí còn bác bỏ khuyến nghị về việc chấm dứt ngay lập tức mọi hành động trả thù đối với những người hợp tác với LHQ về các vấn đề nhân quyền. Các khuyến nghị khác đã bị Hà Nội khước từ bao gồm việc bãi bỏ án tử hình, sửa đổi bộ luật hình sự, luật an ninh mạng, luật tín ngưỡng và tôn giáo, chấm dứt việc trả thù nhằm vào người tranh đấu khi họ báo cáo các vi phạm cho LHQ, hay khuyến nghị về việc thiết lập một viện nhân quyền độc lập tại Việt Nam.

Nhưng theo ông Việt thì Hà Nội không thể chấp nhận các khuyến nghị nói trên vì không có khả thi trong thời gian sắp tới. Trong bài phát biểu bế mạc, ông Việt lặp lại nội dung tương tự và nói thêm rằng thành tích thoát nghèo của nước này là một trong những thành tựu nhân quyền quan trọng của quốc gia cộng sản.

Bảo Trân: Thưa anh, một tin quan trọng khác xảy ra trong tuần qua, đó là tòa án Thái Lan đã ra phán quyết dẫn độ ông Y Quynh Bdap về VN… xin anh nói thêm về việc này

Hướng Dương: Thưa chị và quý thính giả,Tòa án hình sự Thái Lan đã ra phán quyết vào hôm qua 30/9 là nhà đấu tranh người Thượng Y Quynh Bdap sẽ bị dẫn độ về Việt Nam, nơi ông sẽ trực diện với bản án 10 năm tù về tội “khủng bố”.

Tại phiên tòa, thẩm phán Thái Lan khẳng định yêu cầu của bạo quyền Việt Nam về việc dẫn độ ông Y Quynh là “có lý”. Vị thẩm phán tuyên bố là việc dẫn độ có thể thực hiện vì không có lệnh cấm nào đối với chuyện này.

Tuy nhiên tòa án cho biết thêm ông Y Quynh Bdap có 30 ngày để kháng cáo bản án, nhưng nếu chính phủ Thái Lan không có hành động nào được thực hiện trong vòng 90 ngày thì ông Y Quynh phải được trả tự do.

Nhà hoạt động người Thượng mặc đồng phục tù màu nâu, tỏ ra bình tĩnh và được chuyển đến trại tạm giam Bangkok. Luật sư bào chữa cho nhà đấu tranh vì quyền lợi của người Thượng cho biết là ông Y Quynh sẽ chống án.

Ông Phil Robertson, giám đốc tổ chức chi nhánh Á châu của tổ chức Giám sát Nhân quyền, cho biết phán quyết nói trên của tòa án Thái Lan là “kinh hoàng và vô lý”, và hoàn toàn không hiểu là ông Y Quynh Bdap sẽ phải đối mặt với sự tra tấn nếu bị buộc phải trở về Việt Nam.

Ông Robertson nói danh tiếng của Thái Lan là một quốc gia có quan tâm đến nhân quyền hay không phụ thuộc vào quyết định cuối cùng của chính phủ Thái Lan.

Ông đồng thời kêu gọi cộng đồng quốc tế đưa ra những lời lên án mạnh mẽ, toàn diện về sự xuyên tạc công lý của tòa án Thái Lan và gây sức ép buộc Bangkok cho phép Y Quynh Bdap được tái định cư ở một quốc gia thứ ba.

 

No comments:

Post a Comment