Thursday, October 31, 2024

Nhà cầm quyền chỉ biết “bòn mót” từng đồng của dân

Chuyện Nước Non Mình

Ngày 2/9/1945, tại cuộc mít tinh ở vườn hoa Ba Đình, Hà Nội, Hồ Chí Minh, lúc đó là Chủ tịch của Chính phủ lâm thời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, đã dõng dạc đọcChúng đặt ra hàng trăm thứ thuế vô lý, làm cho dân ta, nhất là dân cày và dân buôn, trở nên bần cùng.” Ngày nay, ngay tại đất nước Việt Nam này, dưới sự thống trị của đảng CSVN, cái đảng do chính Hồ Chí Minh khai sinh ra, dân chúng đang bị gánh chịu hàng trăm thứ thuế vô lý, y hệt như điều mà Hồ Chí Minh đã lên án đúng 70 năm trước!

Trong chuyên mục Chuyện Nước Non Mình hôm nay, kính mời quý thính giả cùng theo dõi bài “Nhà cầm quyền chỉ biết ‘bòn mót’ từng đồng của dân” của tác giả CHÂU NAM VIỆT đăng trong Trang Nhà VIỆT NAM THỜI BÁO, do Ngọc Sương trình bày sau đây ...

Trong Dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt sửa đổi vừa qua, Bộ Tài chính tiếp tục đề xuất mặt hàng xăng là đối tượng bị áp thuế tiêu thụ đặc biệt. Mặc dù vướng phải nhiều ý kiến phản đối và nhiều bộ ngành cũng đã đề xuất bỏ xăng ra khỏi đối tượng chịu thuế, song Bộ Tài chính vẫn bất chấp và bảo lưu quan điểm của mình.

Không khó để nhận ra rằng, việc áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt lên xăng mang lại nguồn thu không nhỏ cho ngân sách nhà nước. Nhiều người cho rằng, Bộ Tài chính không dễ dàng bỏ qua cơ hội này khi biết rằng thuế từ xăng dầu sẽ bù đắp một khoản đáng kể trong khi ngân sách dần bị cạn. Nó cũng cho thấy nhà nước phụ thuộc quá nhiều vào nguồn thu từ việc đánh thuế trực tiếp lên người tiêu dùng.

Rõ ràng, khi chi phí cho nhiên liệu tăng lên, không chỉ đời sống nhân dân bị ảnh hưởng mà cả nền kinh tế, với nhiều ngành công nghiệp phụ thuộc vào xăng dầu, cũng sẽ bị tác động tiêu cực. Lợi ích mà nguồn thu này mang lại cho nhà nước liệu có đủ để bù đắp cho những khó khăn mà người dân phải chịu hay không?

Việc đánh thuế tiêu thụ đặc biệt vốn chỉ nên áp dụng cho các mặt hàng xa xỉ hoặc có ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe cộng đồng như rượu bia, thuốc lá. Thế nhưng, xăng lại là một mặt hàng thiết yếu, ảnh hưởng đến toàn bộ hoạt động của xã hội từ sản xuất, vận tải cho đến tiêu dùng. Khi giá xăng tăng, mọi mặt hàng khác từ thực phẩm cho đến dịch vụ cũng sẽ “leo thang”. Điều này dẫn đến sự leo thang của giá cả, gánh nặng chi phí sinh sẽ đổ lên vai người dân.

Trong khi nhiều quốc gia đang tìm cách giảm nhẹ gánh nặng về thuế cho người dân trước tình hình kinh tế khó khăn, thì ở Việt Nam, chính sách thuế lại đang ngược lại với xu thế đó. Việc duy trì thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng đã và đang góp phần làm tăng chi phí sống, gây sức ép lên các ngành sản xuất công nghiệp và đưa người dân vào tình huống khó khăn hơn.

Nếu xem xét kỹ lưỡng, có thể thấy người dân đang bị bao vây bởi một loạt các loại thuế, phí khác nhau. Ở nhà, tiền điện tăng đều mỗi quý, dù tiêu thụ không thay đổi. Ra đường thì có phí cầu đường, phí đăng kiểm, phí môi trường và nay là thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng, tạo nên một “thiên la địa võng” về thuế không đường thoát.

Điều đáng nói hơn là, trong khi các loại thuế và phí tăng liên tục, lương cơ bản của người lao động vẫn gần như không thay đổi. Chính phủ nhiều lần hứa hẹn tăng lương, nhưng tốc độ và tỷ lệ tăng không thể theo kịp đà tăng giá của các mặt hàng thiết yếu. Kết quả là sức mua của dân giảm dần và cuộc sống ngày càng trở nên nên bấp bênh.

Người dân đang phải đối mặt với thực tế đời sống khó khăn trong một chính quyền chỉ biết tìm cách tăng nguồn thu từ việc móc túi những người dân lao động, mà không chú ý đến hậu quả xã hội. Trong khi các nước phát triển đang tìm cách kích thích nền kinh tế và giảm nhẹ gánh nặng thuế cho người dân sau đại dịch COVID-19, thì Việt Nam lại tiếp tục đẩy mạnh việc áp đặt thuế lên các mặt hàng thiết yếu.

Đây không phải là lần đầu tiên Bộ Tài chính đề xuất tăng thuế với các sản phẩm thiết yếu, và càng không phải là lần đầu tiên vấn đề này được phê duyệt một cách nhanh chóng. Điều này đã trở thành một xu hướng trong chính sách tài chính của nhà nước: mỗi khi ngân sách gặp khó khăn, giải pháp ưu tiên là tăng thuế và phí thay vì cắt giảm chi tiêu hoặc cải thiện cơ sở cấu hình tài chính.

Anh P.H. ở Đồng Nai, nói với phòng viên Việt Nam Thời Báo rằng, xin trích nguyên văn, “Tôi không hiểu tại sao những chính sách thuế như vậy lại được thông qua một cách nhanh chóng như thế. Ai cũng biết xăng là mặt hàng thiết yếu và đã là thiết yếu sao lại áp thuế tiêu thụ đặc biệt. Sao chính phủ không tìm được cách nào khác để tăng cường ngân sách mà lại chỉ chăm chăm đánh vào túi tiền của người dân?” (hết trích).

Liệu nhà cầm quyền có thực sự đang làm việc vì lợi ích của nhân dân? Trong một xã hội mà người dân luôn phải đối mặt với việc tăng giá, tăng thuế, trong khi thu nhập không đổi, thì cảm giác bị bóc lột là điều không thể tránh khỏi. Có chăng thì nhà nước chỉ đang nghĩ đến việc làm tối đa hóa nguồn thu từ dân, thay vì thực sự lắng nghe và quan tâm đến cuộc sống của dân./.

 

 

No comments:

Post a Comment