Tuesday, October 22, 2024

Hội phụ huynh: người giàu đại diện người nghèo

Chuyện Nước Non Mình

Mặc dù trên danh nghĩa, Việt Nam đang theo đuổi chế độ gọi là “Xã Hội Chủ Nghĩa” nhưng trong thực tế, đây là một xã hội mà trong đó thành phần “tư bản đỏ” đã cấu kết với tập đoàn cán bộ, đảng viên lãnh đạo đảng để  làm giầu trên xương máu của đại đa số dân đen nghèo khổ và bất lực.  Trong bối cảnh đó, nhiều hiện tượng “cười ra nước mắt” đã diễn ra nhan nhãn khắp nơi, trong nhiều lãnh vực sinh hoạt của người dân.

Qua chuyên mục CHUYỆN NƯỚC NON MÌNH hôm nay, xin mời quý thinh giả theo dõi nội dung bài viết “Hội phụ huynh: người giàu đại diện người nghèo” của tác giả Cảnh Chân đăng trong trang nhà Việt Nam Thời Báo, để biết về các “trò mèo” của thành phần cán bộ, đảng viên trong công tác  giáo dục học đường. Bài sẽ do Ngọc Sương trình bày sau đây...

Cảnh Chân

Hội phụ huynh học sinh từ trước đến nay được coi như cánh tay nối dài của nhà trường và giáo viên nhằm vận động các khoản thu ngoài quy định, như tiền quỹ, tiền bồi dưỡng thầy cô, tiền quà cáp, tiền máy lạnh, tivi,… Những khoản phí này nếu nhà trường, giáo viên chủ nhiệm trực tiếp đứng đề nghị hoặc thu tiền thì có thể gặp phải sự phản đối của đa số cha mẹ học sinh. Nặng hơn có thể bị kiện lên phòng, sở giáo dục. Cho nên nhà trường thường lách luật bằng cách cử những cha mẹ học sinh đứng ra “mở lời” giùm, “thu tiền giùm”.

Người đứng đầu hội phụ huynh, ban đại diện hội phụ huynh thường là những người giàu, có điều kiện, hoặc thậm chí là những cán bộ quan chức tại địa phương có con đang học trong lớp, trong trường. Có tiền nên họ sẵn sàng đóng góp bất cứ lúc nào nhà trường cần, cũng là cách nịnh bợ giáo viên để con cái của họ được quan tâm nâng đỡ hơn. Khi họ đã đồng ý với giáo viên, thì các phụ huynh khác (dù muốn hay không) cũng bắt buộc phải đóng tiền theo để con mình không bị phân biệt đối xử.

Như vụ việc mới nhất ở trường tiểu học Đinh Bộ Lĩnh, Q.7, TP.HCM. Một phụ huynh đã phản ánh rằng đại diện hội cha mẹ học sinh đề nghị mỗi thu mỗi người 70.000 đồng một tháng; một năm học là 665.000 đồng/học sinh, để trả tiền cho cô bảo mẫu mỗi tháng 3 triệu đồng. Mặc dù cô bảo mẫu đã có lương riêng và mỗi tháng học sinh cũng đều phải đóng tiền phục vụ bán trú.

Khi các phụ huynh phản ánh thì ông Tô Thanh Liêm, Hiệu trưởng Trường tiểu học Đinh Bộ Lĩnh, Q.7, cho biết “việc triển khai vận động phụ huynh học sinh cùng đóng góp trả thêm tiền cho cô bảo mẫu là ban đại diện cha mẹ học sinh cùng phụ huynh trong lớp tự bàn nhau, mọi người muốn ủng hộ, đóng góp thêm tiền làm thêm giờ cho cô bảo mẫu. “Giáo viên chủ nhiệm không chủ trương khoản thu này, nhà trường cũng không chủ trương”. (1)

Như vậy, khi cần tiền, đại diện hội phụ huynh sẽ “vận động”. Còn khi bị phản đối, đại diện hội phụ huynh cũng phải chịu trách nhiệm. Chứ nhà trường, giáo viên sẽ không phải chịu trách nhiệm gì cả, nếu mọi chuyện em đẹp thì nhà trường hưởng tiền, còn không thì nhà trường yêu cầu trả tiền lại, phủi bỏ mọi trách nhiệm. Nên “chiêu thức” dùng đại diện hội phụ huynh để lách luật được áp dụng ở mọi trường học.

Mặc dù bộ GD&ĐT đã ban hành Thông tư số 55/2011/TT-BGDĐT. Trong đó, điều 10 có phần về ban đại diện cha mẹ học sinh, thì: “Ban đại diện cha mẹ học sinh không được quyên góp của người học hoặc gia đình người học các khoản ủng hộ không theo nguyên tắc tự nguyện”. Nhưng cái nguyên tắc tự nguyện ở Việt Nam hiện nay rất “lạ”, là phải “bắt buộc tự nguyện”. Nếu không tự nguyện thì cũng phải tự nguyện để được yên ổn.

Chỉ nói riêng về việc lạm thu, nó không chỉ tạo áp lực tài chính cho các gia đình, đặc biệt là những hộ có thu nhập thấp, mà còn ảnh hưởng đến tâm lý của các em học sinh. Nhiều em không khỏi cảm thấy tội lỗi hoặc áp lực khi gia đình phải xoay xở để đáp ứng các khoản phí không cần thiết. Những mặc cảm này sẽ làm giảm động lực trong học tập của học sinh.

Câu chuyện người giàu làm đại diện người nghèo có lẽ không xa lạ gì với người Việt Nam. Giàu thì ăn to nói lớn, nghèo thì thấp cổ bé họng. Người nghèo buộc phải làm theo ý người giàu, vì nghèo thì lên tiếng chẳng ai nghe. Cha mẹ nghèo bị áp chế ngoài xã hội đã đành, bây giờ vào trường học cũng vậy. Người giàu vẫn là đại diện, vẫn áp đặt quan điểm và là cánh tay nối dài cho cường quyền (cường quyền ở đây là nhà trường). Có thể nói cái sự bất công ấy đã truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác… Biết làm sao khi chúng ta vẫn phải sống trong chế độ cộng sản và chịu đựng nền giáo dục xã hội chủ nghĩa này!./.

 

No comments:

Post a Comment