Mở đầu chương trình, mời quý thính giả theo dõi phần Tin Tức sẽ được Hoàng Ân & Bá Cơ trình bày sau đây.
1/ TNLT TRẦN LONG PHI ĐƯỢC TRẢ TỰ DO SỚM 21 THÁNG
Tù nhân lương tâm Trần Long Phi 28 tuổi trở thành người hoạt động thứ ba được trả tự do trước thời hạn kể từ khi ông Tô Lâm thay ông Nguyễn Phú Trọng làm tổng bí thư CSVN.
Ông Phi được trả tự do vào ngày 23/10, sớm hơn 21 tháng so với bản án 8 năm tù mà bạo quyền Sài Gòn tuyên phạt với cáobuộc “hoạt động nhằm lật đổ chế độ”. Đám cai tù của trại giam Châu Bình, tỉnh Bến Tre, đã đưa ông Phi về nhà để công an quản thúc.
Vào hôm qua 24/10, ông Phi cho biết việc trả tự do cho ông đã diễn ra rất đột ngột. Ông Phi bị bắt vào tháng 7 năm 2018 cùng với sinh viên Huỳnh Đức Thanh Bình, sau khi cả hai tham gia vào cuộc biểu tình phản đối dự luật “đặc khu kinh tế” và “an ninh mạng” vào ngày 10/6 cùng năm. Công dân Mỹ gốc Việt Michael Phương Minh Nguyễn cũng bị bắt khi đang có chuyến về nước du lịch.
Trong phiên tòa vào tháng 6 năm 2019, ba người bị kết án tổng cộng 30 năm tù giam do bị cáo buộc tham gia nhóm "Quốc nội Quật khởi", theo đó ông Michael Minh Phương Nguyễn bị án 12 năm và Huỳnh Đức Thanh Bình 10 năm tù giam.
Cuối tháng 10/2020, ông Michael Phương Minh Nguyễn được phóng thích trở về Mỹ sau khi nhiều dân biểu Mỹ chỉ trích bản án và kêu gọi chính phủ Mỹ gây sức ép lên phía Việt Nam.
Trong tháng 9 vừa qua, tù nhân lương tâm Trần Huỳnh Duy Thức được về nhà sớm hơn tám tháng so với bản án 16 năm tù giam.Nhà hoạt động môi trường Hoàng Thị Minh Hồng, người bị kết án ba năm tù với cáo buộc “trốn thuế”, cũng được tự do sớm hơn 20 tháng.
2/ SAU BÃO YAGI, MIỀN NÚI PHÍA BẮC BỊ THẤT THU MÙA DU LỊCH
Thời điểm này đang là mùa cao điểm du lịch tại khu vực miền núi phía bắc khi các thửa ruộng bậc thang ở những trung tâm du lịch như Lào Cai, Yên Bái, Hà Giang và Cao Bằngđang chín vàng rực rỡ.
Theo nhiều công ty lữ hành và cung cấp dịch vụ du lịch thì lượng khách du lịch tìm tới khám phá và thưởng lãm đang rất thưa thớt. Nguyên nhân được cho biết chủ yếu là hậu quả của cơn bão Yagi vào đầu tháng 9 khiến nhiều tuyến đường bị sạt lở, gây khó khăn đi lại và tiềm ẩn nhiều nguy cơ khiến du khách còn e ngại.
Bên cạnh đó, không ít du khách cho biết do việc khai thác du lịch quá mức dẫn tới tình trạng “thương mại hoá” và “bê tông hoá” khiến họ dần mất đi hứng thú với các điểm du lịch nổi tiếng này.
Anh Nguyễn Văn Dương, một chủ nhà hàng chuyên phục vụ du khách tại thị trấn Mù Căng Chải, tỉnh Yên Bái, cho biết từ đầu mùa “du lịch lúa chín” từ cuối tháng 9 tới nay nhà hàng của anh thất thu nặng nề. Mọi năm nhà hàng đều trông cậy vào mùa du lịch này, có thể nói là làm vài tháng để dành cho cả năm, nhưng năm nay doanh thu giảm rất nhiều.
Anh Dương cho biết là giảm ít nhất 30%so với mức bình thường, không chỉ mất lượng du khách mà ngay cả cư dân địa phương cũng rất ít khi tới quán anh để liên hoan hay ăn nhậu với bạn bè.
Báo chí lề đảngcho biết lượng khách tới các trung tâm du lịch ở miền núi phía bắc năm nay chỉ đạt khoảng 30% so với cùng kỳ năm ngoái vì tâm lý vẫn còn thận trọng sau cơn bão Yagi. Số lượng phòng khách sạn chỉ đạt trên dưới 30%,cónhững nơi chỉ đạt khoảng 20%.
https://www.voatiengviet.com/a/7838165.html
3/ INDONESIA XUA ĐUỔI TÀU TRUNG CỘNG TẠI VÙNG BIỂN TRANH CHẤP
Lực lượng tuần duyên của Indonesia trong vòng 3 ngày qua đã hai lần đuổi một tàu hải giám Trung Cộng bám theo một tàu khảo sát tại vùng biển tranh chấp ở Biển Đông.
Vào ngày 24/10, giới chức Indonesia ra thông báo về xua đuổi tàu hải giám Trung Cộng như vừa nêu trên. Cơ quan hàng hải Indonesia cho biết chiếc tàu hải giám của Trung Cộng vào ngày thứ Hai 21/10 và thứ Tư 23/10 vừa qua đã áp sát chiếc tàu khảo sát của tập đoàn Năng lượng Quốc gia Indonesia tại một khu vực Biển Đông mà cả hai phía đều tuyên bố có chủ quyền.
Giới chức Indonesia cho biết chiếc tàu hải giám luôn khẳng định đây là khu vực của Trung Cộng, tuy nhiên tuần duyên Indonesia phát loa nói rõ đó là vùng đặc quyền kinh tế của Indonesia, rồi xua đuổi chiếc tàu hải giám Trung Cộng.
Phát ngôn nhân bộ ngoại giao Trung Cộng khi được hỏi về thông báo xua đổi của phía Indonesia đã trả lời làchiếc tàu hải giám Trung Cộng tiến hành hoạt động tuần tra theo thông lệ tại vùng biển thuộc chủ quyền Trung Cộng.
Cần nhắc lại, Trung Cộng đơn phương vạch ra đường đứt khúc tại Biển Đông và tuyên bố chủ quyền gần 90% vùng biển này. Đường đứt khúc của Trung Cộng đã chồng lấn một phần vùng đặc quyền kinh tế của Indonesia ởquần đảo Natuna.
Indonesia dù không có tranh chấp chính thức với Trung Cộng về chủ quyền tại Biển Đông nhưng đang gia tăng bảo vệ quyền lợi của nước này tại khu vực biển vừa nêu.
4/ ĐÀI LOAN LÊN KẾ HOẠCH BẢO ĐẢM LƯƠNG THỰC ĐỀ PHÒNG BỊ TRUNG CỘNG BAO VÂY
Vào ngày 22/10, chính quyền Đài Loan đã tiết lộ kế hoạch bảo đảm lương thực cho người dân trong trường hợp đảo quốc này bị Trung Cộng bao vây phong tỏa.
Cần biết là áp lực quân sự từ Trung Cộng đối với Đài Loan từ một tuần qua vẫn không ngừng gia tăng. Vài ngày sau khi diễn tập bao vây quân sự đảo Đài Loan với số máy bay nhiều kỷ lục, quân đội Trung Cộng đã tập trận bắn đạn thật trong suốt 4 tiếng đồng hồ tại khu vực chỉ cách đảo Đài Loan khoảng 100 cây số, sau đó cho hàng không mẫu hạm Liêu Ninh đi qua eo biển Đài Loan.
Những hành động nói trên được cả giới quan sát và chính quyền Đài Loan xem là “chiến thuật gia tăng hăm dọa” của Trung Cộng.
Chính phủ Đài Loan cho biết đang tiến hành kiểm kê hàng tháng các nguồn cung cấp thiết yếu như gạo, bảo đảm là lượng gạo được lưu trữ trên khắp hòn đảo trong trường hợp Đài Loan bị Trung Cộng phong tỏa. Trong một báo cáo gửi lên quốc hội về các biện pháp chuẩn bị trong trường hợp bị Trung Cộng bao vây, bộ nông nghiệp Đài Loan bảo đảm là các kho dự trữ gạo đều đủ dùng cho hơn 3 tháng.
Bộ nông nghiệp Đài Loan cũng cho biết lượng gạo dự trữ hiện tại của Đài Loan đủ dùng cho ít nhất 7 tháng và các kế hoạch phân phối gạo thông qua các trạm cung ứng trên khắp hòn đảo cũng đang được thực hiện đề phòng khả năng xảy ra khủng hoảng lương thực. Trong khi đó, bộ kinh tế cũng thông báo cho xây dựng thêm các kho trữ gạo và dầu lửa.
Trong thời gian bị phong tỏa, nhiều đất nông nghiệp sẽ được ưu tiên dành để trồng lúa. Khoai lang, đậu nành và những loại rau nhanh cho thu hoạch cũng được ưu tiên canh tác.Các ao hồ sẽ được dành để nuôi trồng thủy sản. Trong trường hợp không thể đánh bắt cá trên biển, lượng thức ăn dự trữ cũng sẽ đủ để nuôi cá trong ao hồ hơn 3 tháng.
Cần biết Đài Loan từng là một cường quốc nông nghiệp trong thời kỳ Nhật Bản đô hộ từ năm 1895 đến năm 1945. Thế nhưng từ những năm 1960, khi quá trình công nghiệp hóa bắt đầu diễn ra mạnh, đất nông nghiệp được dành để xây dựng nhà máy khiến Đài Loan lệ thuộc nhiều vào nguồn lương thực nhập cảng.
No comments:
Post a Comment