Thursday, October 10, 2024

TẶNG GIẤY KHEN KHI ỦNG HỘ 100,000 ĐỒNG TRỞ LÊN

Chuyện Nước Non Mình

Nhà cầm quyền CSVN xem giáo dục là một công cụ để phục vụ chế độ. Vì vậy mọi quyết định liên đến chính sách giáo dục đều nhắm vào nhu cầu trước mặt mà hoàn toàn không để ý đến những hậu quả tai hại về sau. Chẳng hạn mới đây, trong việc cứu trợ các nạn nhân vụ lũ lụt vừa qua, một số cơ sở trường học đã có quyết định khen thưởng các học sinh dựa trên số tiền đóng góp cứu trợ!

Để biết chi tiết về sự kiện này và hậu quả tai hại của nó, kính mời quý thính giả theo dõi bài viết tựa đề  TẶNG GIẤY KHEN KHI ỦNG HỘ TỪ MỘT TRĂM NGHÌN ĐỒNG TRỞ LÊN” của tác giả CHÂU NAM VIỆT đăng trên trang nhà VIỆT NAM THỜI BÁO, sẽ do Ngọc Sương trình bày sau đây.

Châu Nam Việt / Việt Nam Thời Báo

Trong thời đại xã hội chủ nghĩa này đồng tiền dường như len lỏi vào mọi ngõ ngách của đời sống, quyết định cả nhân phẩm của con người. Và giờ đây nó vào tới tận trường học. Mới nhất là câu chuyện ở trường Tiểu học Lê Quý Đôn (Gò Vấp, TP HCM), khi nhà trường gieo mầm một tư tưởng sai lệch vào đầu học sinh bằng việc khen thưởng dựa vào số tiền ủng hộ từ thiện nhiều hay ít. Vậy rồi lòng tốt vô hình trung được định giá bằng tiền bạc.

Tại sao việc làm tốt lại bị biến thành một cuộc thi, nơi mà phần thưởng là giấy khen được trao cho những em đóng góp nhiều hơn 100.000 đồng, còn những em chỉ đóng góp ít hơn thì chỉ nhận được một bức thư của cô chủ nhiệm? Điều này vô tình truyền tải một thông điệp sai lầm tới các em nhỏ rằng lòng nhân ái có thể được mua bằng tiền, rằng giá trị của sự sẻ chia phụ thuộc vào con số mà chúng ta có thể bỏ ra.

Sự nhân ái và lòng tốt vốn dĩ là những giá trị không thể đo đếm được. Dù đó là 10.000 đồng hay 100.000 đồng, những gì các em học sinh trao đi chính là tấm lòng, là sự chia sẻ, là những cảm xúc chân thật mà chúng ta không thể ép buộc hay đặt ra giới hạn. Những người thầy, cô giáo – những người vốn là tấm gương sáng cho học sinh noi theo – đáng lẽ ra nên hiểu rằng mỗi hành động, mỗi việc làm tốt, dù nhỏ bé đến đâu, đều xứng đáng được trân trọng và ghi nhận.

Phân biệt khen thưởng dựa trên số tiền ủng hộ có thể tạo ra những ảnh hưởng tiêu cực đối với suy nghĩ và hành vi của các em học sinh. Những em nhỏ nhận được giấy khen có thể cảm thấy mình vượt trội hơn so với bạn bè, trong khi những em chỉ nhận được thư khen có thể cảm thấy mình kém cỏi hoặc ít quan trọng hơn. Điều này lại tạo ra thêm một tư duy về sự phân biệt giàu nghèo ngay từ khi còn nhỏ, thay vì dạy các em về giá trị bác ái, công bằng…

Mỗi gia đình có hoàn cảnh kinh tế khác nhau, và việc một em học sinh quyên góp 10.000 đồng cũng có thể là một sự hy sinh lớn đối với em đó. Khi đã đặt ra một tiêu chuẩn về số tiền đóng góp để được khen thưởng, chúng ta không chỉ phủ nhận sự nỗ lực và tâm huyết của những em học sinh nghèo hơn mà còn khuyến khích một tư duy ích kỷ, tính toán trong việc làm từ thiện.

Trong giáo dục, việc truyền tải những giá trị nhân văn, lòng nhân ái và sự sẻ chia là vô cùng quan trọng. Trường học không chỉ là nơi cung cấp kiến thức, mà còn là môi trường hình thành nhân cách, đạo đức cho thế hệ tương lai. Hơn ai hết, thầy cô giáo và nhà trường phải là những người định hướng đúng đắn cho các em học sinh về giá trị của lòng nhân ái, về việc giúp đỡ người khác bằng tình cảm chân thật, không vụ lợi.

Thay vì tạo ra sự chia rẽ, phân biệt giàu nghèo, thì nên khuyến khích các em học sinh làm những việc tốt từ những hành động nhỏ, như giúp đỡ bạn cùng lớp, bảo vệ môi trường, trồng thêm cây, hoặc tặng nhau những nụ cười, niềm vui. Đây mới chính là những bài học về lòng nhân ái đích thực mà chúng ta nên truyền dạy cho thế hệ trẻ.

Bên cạnh đó, câu chuyện của Trường Tiểu học Lê Quý Đôn cũng đặt ra một vấn đề đáng suy ngẫm: liệu chúng ta đang dạy con trẻ trở thành người tốt hay đang hướng chúng vào lối sống “đánh đổi” và “giao dịch”? Một tờ giấy khen có thực sự quan trọng đến mức chúng ta phải bỏ qua những giá trị nhân văn cốt lõi, những bài học về lòng nhân ái và sự sẻ chia không vụ lợi?

Giáo dục xã hội chủ nghĩa đã đi ngược lại những quan điểm nhân văn thông thường và dần biến trường học thành nơi thúc đẩy sự ganh đua, so đo, định giá lòng tốt. Rồi dần dần, con người trưởng thành từ nền giáo dục đó sẽ trở nên ích kỷ, coi trọng tiền bạc vật chất hơn tất cả, sẵn sàng giành giật, chém giết nhau vì tiền…

 

 

No comments:

Post a Comment