Wednesday, January 10, 2024

Tin Tức: Thứ Tư 10.01.2024

Tin Tức

Mở đầu chương trình, mời quý thính giả theo dõi phần Tin Tức  sẽ được Phụng Hoàng&Trường An trình bày sau đây..

1/ BA TỔ CHỨC NHÂN QUYỀN CHỈ TRÍCH BÁO CÁO CỦA NHÀ NƯỚC VN GỬI CHO LHQ

Ba tổ chức phi chính phủ đã viết một báo cáo công phu về thực trạng nhân quyền trong nước nhằm chỉ trích báo cáo của nhà nước Việt Nam gửi cho Uỷ ban Nhân quyền Liên Hiệp Quốc. Theo báo cáo của 3 tổ chức này thì những vi phạm của Hà Nội là một sự bội ước đối với cộng đồng quốc tế.

Báo cáo được ba tổ chức phi chính phủ gồm có Mạng lưới Nhân quyền Việt Nam, Người Bảo vệ Nhân quyền và Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam công bố vào ngày 5/1. Báo cáo được gửi đi cho LHQ trước kỳ kiểm định đối với Việt Nam về việc thực thi công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị.

Bản báo cáo dài 22 trang với 113 dẫn chứng từ nhiều nguồn dữ liệu, kể cả những trang mạng chính thức của giới công quyền Việt Nam. Tiến sĩ Nguyễn Bá Tùng, trưởng nhóm Mạng lưới Nhân quyền, khẳng định là nhà nước độc đảng ở VN không bao giờ cho người dân được quyền tự quyết dù đã ký vào công ước về quyền dân sự và chính trị.

Ông Tùng dẫn chứng trong tất cả các cuộc bầu cử, kể cả cuộc bầu cử quốc hội và hội đồng các cấp năm 2021, tất cả đã được sắp xếp bởi bộ chính trị, cơ quan tối cao của đảng CSVN.

Về đàn áp tự do ngôn luận và lập hội, báo cáo cho biết nhà nước CSVN với chính sách “không cho hình thành các tổ chức chính trị đối lập trong nước, đã thẳng tay đàn áp các tổ chức đối lập. Báo cáo cho biết thêm là trong hai năm qua, có ít nhất 97 nhà đấu tranh đã bị kết án với những bản án nặng nề trong khi vẫn còn 25 người khác bị giam trong thời gian điều tra.

2/ CHIẾN ĐẤU CƠ THỨ NHÌ CỦA CSVN RỚT KHI ĐANG HUÂN LUYỆN

Báo chí lề đảng vào sáng hôm qua 9/1 đồng loạt loan tin về một chiến đấu cơ Su-22 của không quân CS Việt Nam đã gặp nạn trong lúc bay huấn luyện ở tỉnh Quảng Nam, nhưng viên phi công đã kịp bung dù thoát nạn.

Đây là chiếc Su-22 thứ hai của CS Việt Nam rơi chỉ trong vòng một năm. Trước đó vào ngày 31 tháng Giêng năm ngoái, một chiếc Su-22 do viên Đại úy Trần Ngọc Duy trong lúc hạ cánh ở Yên Bái đã gặp nạn, phi công đã phóng ghế lái nhưng vẫn dẫn đến thiệt mạng.

Giới chức quân khu 5 xác nhận là chiếc máy bay vừa rơi tại Quảng Nam vào lúc giữa trưa hôm qua là thuộc sư đoàn không quân 372, trú đóng tại Đà Nẵng.

Các video hiện trường được người dân đăng tải lên mạng cho thấy phần đuôi của chiếc máy bay màu xanh dương vẫn còn khá nguyên vẹn, trong khi các bộ phận máy bay khác vẫn còn bốc cháy. Một số nhà dân bị sập tường mái tuy nhiên không có ai bị thương vong trong vụ này.

Cần biết là vào khoảng 11 giờ rưởi sáng, người dân ở thị xã Điện Bàn bất ngờ nghe một tiếng nổ lớn. Sau đó họ phát giác một chiếc máy bay quân sự bị rơi và gãy làm đôi. Một phi công trên máy bay đã nhảy dù trước khi máy bay rơi nên không ảnh hưởng đến tính mạng.

3/ LÀN SÓNG TRANH CHẤP NGƯ TRƯỜNG BẰNG VŨ LỰC DIỄN RA Ở CÀ MAU

Nhà cầm quyền tỉnh cà Mau vừa lên tiếng cảnh báo về tình trạng ngư dân xử dụng vũ lực để tranh chấp ngư trường đang gia tăng.

Vào hôm qua 9/1, nhà cầm quyền tỉnh Cà Mau đã gửi báo cáo khẩn cấp lên nhiều bộ ngành về tình hình phức tạp trên biển tây Cà Mau, cho biết những vụ đụng độ tranh chấp ngư trường có sự tham gia của các băng xã hội đen.

Báo cáo này cho biết là trước đây mâu thuẫn xảy ra giữa nghề lưới giã cào và nghề ốc bẫy mực.   Tuy nhiên hiện nay đã có sự thỏa thuận về ngư trường giữa nghề ốc bẫy mực và nghề giã cào. Theo báo cáo đã xuất hiện tình trạng nhiều đội tàu ốc bẫy mực chiếm giữ ngư trường, cho phía nghề ghe cào thuê ngư trường đánh bắt.

Tuy nhiên báo cáo cho biết là trong quá trình chiếm giữ ngư trường, các đội tàu ốc bẫy mực cũng đã có mâu thuẫn với nhau. Cùng với đó là sự xuất hiện của các nhóm xã hội đen, sẵn sàng dùng vũ lực để tranh giành ngư trường.

Theo thống kê của nhà cầm quyền tỉnh Cà Mau, có trên một chục vụ tấn công nhau bằng tàu cá, bom xăng và chai lọ chứa hóa chất, với một tàu cá bị cháy hoàn toàn và một số người dân đã bị thương tích.

Từ cuối tháng 12 năm ngoái, có ít nhất năm vụ xung đột và tấn công nhau khá phức tạp như tiếp cận tàu bè, dùng gậy gộc đánh bị thương các ngư dân, hay dùng ná bắn đạn bi sắt gây hư hỏng tài sản và làm bị thương người khác.

4/ NGÀNH DỆT MAY VN TIẾP TỤC GẶP KHÓ KHĂN TRONG NĂM MỚI

Ngành dệt may Việt Nam tiếp tục gặp khó khăn vì nhu cầu thế giới suy giảm trong năm 2024 sau khi hồi phục vì đại dịch Vũ Hán.

Theo thông tin từ Hiệp hội Dệt may Việt Nam, mức xuất cảng dệt may của Việt Nam năm 2023 đạt hơn 40 tỷ Mỹ kim, giảm so với con số hơn 44 tỷ năm 2022. Nguyên nhân được cho là do vấn đề lạm phát ở các thị trường chủ lực như Mỹ và Âu châu khiến sức mua giảm, lãi suất tăng cao và chênh lệch tỷ giá.

Thông tấn xã Việt Nam hôm 8/1 trích dẫn nhận định của một số chủ nhân các công ty dệt may trong nước cho biết kinh tế thế giới và Việt Nam trong năm mới được dự báo vẫn còn khó khăn trong khi tăng trưởng kinh tế toàn cầu còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố chưa thể dự đoán trước.

Các thách thức của ngành dệt may trong năm mới bao gồm việc áp dụng các chính sách về môi trường trong sản xuất, bao gồm trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất và chiến lược thời trang bền vững thay vì thời trang nhanh.

Các công ty dệt may Việt Nam đồng thời cũng phải đa dạng hóa thị trường xuất cảng như Nhật Bản, Úc, Nga và Ấn Độ. Bên cạnh đó, các công ty cũng đã mở thêm được một số thị trường mới tại Phi châu và Trung Đông.

Dệt may Việt Nam đặt ra mục tiêu đạt doanh thu 44 tỷ Mỹ kim vào năm 2024, tăng gần 10% so với năm ngoái.

5/ TRUNG CỘNG TIẾP TỤC GÂY ÁP LỰC LÊN ĐÀI LOAN TRƯỚC KỲ TUYỂN CỬ

Bạo quyền Trung Cộng vào hôm thứ Ba 9/1 đe dọa sẽ có các biện pháp thương mại mới nhằm vào đảo quốc Đài Loan trước cuộc bầu cử quan trọng vào cuối tuần này.

Chính phủ Đài Loan lên án là Trung Cộng đang gia tăng áp lực với đảo quốc này và cũng bày tỏ sự tức giận trước việc Trung Cộng bất ngờ phóng vệ tinh qua không phận của họ.

Các cuộc bầu cử tổng thống và quốc hội vào ngày 13/1 sẽ diễn ra giữa bối cảnh có cuộc khẩu chiến gay gắt giữa Đài Loan và Trung Cộng. Chính phủ Đài Loan cáo buộc Trung Cộng thực hiện một chiến dịch can thiệp bầu cử chưa từng có, xử dụng mọi chiêu bài từ hoạt động quân sự đến trừng phạt thương mại để tác động lên các lá phiếu bầu.

Trung Cộng xem cuộc bầu cử này là sự lựa chọn giữa chiến tranh và hòa bình, đồng thời cáo buộc về “thủ đoạn bẩn thỉu” của đảng Dân Tiến cầm quyền ở Đài Loan nhằm cố gắng giành được sự ủng hộ của dân chúng.

Ứng viên tổng thống của đảng Dân Tiến, Lai Ching-te, vào hôm qua 9/1 tuyên bố là ông sẽ duy trì hiện trạng và theo đuổi hòa bình thông qua sức mạnh nếu đắc cử. Tuy nhiên ông vẫn để ngỏ khả năng can dự của Bắc Kinh với các điều kiện tiên quyết là bình đẳng và phẩm giá.

Cần biết là Trung Cộng liên tục tố cáo ông Lai là người theo chủ nghĩa ly khai và cảnh báo là bất kỳ nỗ lực nào nhằm thúc đẩy nền độc lập chính thức của Đài Loan đều có nghĩa là sẽ có xung đột.

Ông Lai tuyên bố hòa bình là vô giá và chẳng có ai thắng trong chiến tranh. Tuy nhiên hòa bình mà không có chủ quyền cũng giống như Hồng Kông và đó là nền hòa bình “giả tạo”.

No comments:

Post a Comment