Monday, January 22, 2024

Tin Tức: Thứ Hai 22.01.2024.

Tin Tức

Mở đầu chương trình, Vân Hà và Miên Dương mời quý thính giả theo dõi phần Tin Tức

1/ PHILIPPINES MỞ RỘNG HỢP TÁC QUÂN SỰ VỚI MỸ VÀ CANADA.

Bộ trưởng quốc phòng Philippines và đại sứ Hoa Kỳ tại Manila đã thảo luận về nhiều kế hoạch hợp tác quốc phòng, trong đó có thể tổ chức thêm những cuộc tuần tra chung ở Biển Đông.

Đại sứ Mỹ MaryKay Carlson khẳng định là năm nay, hai nước hy vọng là sẽ tiếp tục hợp tác, tập luyện và làm mọi việc cần thiết trong khuôn khổ song phương cũng như đa phương, để bảo đảm nền an ninh.

Mặc dù đại sứ Mỹ không nêu chi tiết về các cuộc tuần tra chung nhưng tư lệnh quân đội Philippines, tướng Romeo Brawner, tuyên bố các cuộc tuần tra chung là việc cần thiết để luật pháp quốc tế được tôn trọng.

Cuộc tuần tra chung Hoa Kỳ và Philippines gần đây nhất diễn ra vào tháng 11 năm ngoái ở Biển Đông và vùng biển trong vùng đặc quyền kinh tế sát gần Đài Loan. Trước đó vào ngày 19/1, Philippines và Canada cũng ký biên bản ghi nhớ về hợp tác quốc phòng.

Thông cáo của bộ trưởng quốc phòng Canada nhấn mạnh đến những chặng đường mới trong quan hệ quốc phòng song phương với Thỏa thuận Lực lượng Thăm viếng, nhưng không nêu rõ mô hình hợp tác. Tuy nhiên, thỏa thuận này đang được Philippines và Hoa Kỳ áp dụng và cho phép quân đội Mỹ luân chuyển lực lượng trong các căn cứ của Philippines để sẵn sàng trực chiến.

Biên bản ghi nhớ còn nêu việc tái thúc đẩy hợp tác đào tạo giữa các cơ sở quân sự, chia sẻ thông tin, hợp tác duy trì hòa bình và ứng phó thiên tai. Canada ủng hộ Philippines trước những tranh chấp chủ quyền của Trung Cộng ở Biển Đông. Vào tháng 10 năm ngoái, Canada tham gia cuộc tập trận Samasama 2023 do Philippines và các đồng minh tổ chức ở ngoài khơi Manila và phía nam đảo Luzon.

2/ LIÊN QUÂN MỸ BỊ PHI ĐẠN TẦM XA TẤN CÔNG Ở IRAQ.

Vào ngày 20/1, hơn một chục phi đạn đã bắn vào một căn cứ quân sự tại miền tây Iraq của lực lượng liên quân quốc tế do Hoa Kỳ cầm đầu. Lực lượng kháng chiến Hồi giáo ở Iraq sau đó đã đứng ra nhận trách nhiệm về vụ tấn công.

Hoa Kỳ cho biết biến cố này xảy ra vào lúc 6 giờ rưỡi chiều ngày 20/1, với nhiều đạn pháo và phi đạn nhắm vào căn cứ không quân Ain el-Assad ở miền tây Iraq. Phần lớn các phi đạn đều bị bắn chặn trước khi tới mục tiêu, nhưng có những phi đạn đã vượt qua được hệ thống phòng không khiến một binh sĩ Iraq bị thương nặng. Hoa Kỳ cũng cho biết có một số người trong lực lượng của họ bị thương nhưng không nêu rõ mức độ bị thương nghiêm trọng như thế nào.

Cần biết lực lượng kháng chiến Hồi giáo ở Iraq, tập hợp các chiến binh từ các nhóm vũ trang thân Iran, đã nhận trách nhiệm về vụ tấn công. Lực lượng này được cho là đã thực hiện khoảng 120 cuộc tấn công nhằm vào các vị trí của lực lượng Mỹ và liên quân quốc tế ở Iraq và Syria kể từ ngày 7/10.

Thường thì nhóm vũ trang này xử dụng phi đạn và UAV nhưng lần này việc xử dụng phi đạn tầm xa của nhóm này có vẻ tương tự như cuộc tấn công do Iran thực hiện vào đầu tuần, nhằm vào thành phố Erbil trong khu vực người Kurd ở Iraq.

Cũng vào hôm 21/1, phía Do Thái đã thực hiện một cuộc không kích vào thủ đô Damascus của Syria, khiến 5 thành viên của Lực lượng Vệ binh Cách mạng Iran thiệt mạng. Theo một nguồn tin quân sự, trong số các nạn nhân có hai quan chức cao cấp của lực lượng này.

Tổng thống Iran Ebrahim Raisi sau đó đã gọi đây là một “cuộc tấn công hèn nhát” đồng thời đe dọa sẽ có các hành động đáp trả.

3/ THỦ TƯỚNG DO THÁI BỊ CHỈ TRÍCH VỀ SỐ PHẬN CON TIN.

Quân đội Do Thái tuyên bố hạ sát 15 lính Hamas ở miền bắc dải Gaza và nhiều thành viên khủng bố ở thành phố Khan Younis vào ngày 21/1, trong khi Thủ tướng Do Thái Benjamin Netanyahu bác bỏ mọi đề nghị ngưng chiến với phe Hamas để giải phóng các con tin.

Tuy nhiên, chiến lược này của thủ tướng Do Thái ngày càng bị phản đối, ngay cả trong chính phủ cũng như trong dân chúng.

Nội các Do Thái đang bị chia rẽ về số phận của các con tin. Bộ trưởng nội các thời chiến, cựu tổng tham mư trưởng Gadi Eizenkot, công khai thừa nhận quân đội Do Thái không thể hoàn thành các mục tiêu đề ra. Trả lời phỏng vấn trên truyền hình, ông hy vọng là thủ tướng không tìm cách kéo dài vĩnh viễn chiến tranh để tiếp tục sự nghiệp chính trị. Theo vị bộ trưởng này, nếu không có thỏa thuận với Hamas, không thể đưa con tin sống sót trở về.

Rất nhiều người dân, trong đó có gia đình các con tin, đã biểu tình phản đối chiến lược của ông Netanyahu vào ngày 20/1 ở nhiều thành phố.

Tại cuộc biểu tình ở gần tư dinh của thủ tướng Do Thái ở thành phố Caesarae, phía bắc Tel Aviv, được bảo vệ nghiêm ngặt nhất nhưng vài trăm người đã gào to các phản đối của họ. Thông điệp được gửi đi là mạng sống của con tin là vô giá. Và theo những người này, cái giá phải trả là thỏa thuận với lực lượng Hamas để giải phóng con tin.

Trong khi đó, nhiều nguồn tin ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ cho biết đại diện ngoại giao của lực lượng đã gặp ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ vào ngày 20/1, nhưng không cho biết địa điểm. Hai bên đã thảo luận về việc trả tự do cho con tin, gia tăng viện trợ nhân đạo, ngừng bắn nhanh nhất có thể ở Gaza và một giải pháp hai nhà nước để bảo đảm hòa bình bền vững.

Lần gần đây nhất hai bên đối thoại là vào ngày 16/10 năm ngoái qua điện thoại. Cho đến nay, các cuộc đàm phán này thường là do Qatar và Ai Cập tổ chức.

No comments:

Post a Comment