Thursday, January 25, 2024

Lê Quốc Anh, và những người vô danh gặp nạn

Đất Nước Đứng Lên

Mục đích tối thượng của bạo quyền csVN là bảo vệ quyền lực tuyệt đối của chúng để củng cố và duy trì chế độ độc tài toàn trị trên toàn cõi VN.  Do vậy, đội ngũ những người đấu tranh âm thầm, ẩn danh nhưng hiệu quả, góp phần không nhỏ cho sự lớn mạnh của phong trào dân chủ nhân quyền trong nước, luôn là nỗi khiếp sợ của bạo quyền cs.  Thế nên công an csVN đặc biệt thường xuyên điều tra theo dõi, rồi đàn áp cầm tù bức hại những nhà đấu tranh âm thầm này.  Chắc rằng đội ngũ yêu nước âm thầm ẩn danh của dân tộc ta sẽ ngày càng lớn mạnh, hiệu quả hơn, để cùng đất nước đứng lên đạp đổ bạo quyền của DCS phản dân hại nước.

Để tiếp nối chương trình phát thanh tối hôm nay, trong tiết mục ĐNĐL kính mời quí thính giả theo dõi bài viết của Chánh Thành với tựa đề “Lê Quốc Anh, và những người vô danh gặp” được đăng trên trang Việt Nam Thời Báo qua sự trình bày của Khánh Ngọc.

Chánh Thành 

(VNTB) – Câu chuyện về nhà hoạt động Lê Quốc Anh bị truy nã đặc biệt theo Điều 117 Bộ Luật Hình Sự , khiến nhiều người tỏ ra bất ngờ vì không biết anh là ai, làm gì, bị bắt như thế nào và đang sống ra sao. Bởi vì trước nay công an Việt Nam chỉ bắt những người bất đồng chính kiến nổi tiếng và có sức ảnh hưởng trên mạng xã hội. 

Lê Quốc Anh là ai?

Lê Quốc Anh, sinh năm 1991, làm thiết kế cho công ty thiết kế đồ họa ở Mỹ Tho. Ngoài ra, Anh cũng là designer và quản lý truyền thông cho đài SBTN và một số tổ chức phi chính phủ, hội nhóm khác.

Ngày 08/03, an ninh thuộc cục an ninh nội địa (A02), bộ công an, kết hợp cùng an ninh tỉnh Tiền Giang đã tới nhà tìm Quốc Anh, nhưng không gặp. Sau đó họ tới tận nơi Anh đang làm việc và bắt cóc về đồn. Công an cũng khám xét, thu giữ máy tính, điện thoại, ipad, căn cước, hộ chiếu của Quốc Anh; cũng như các giấy tờ khác của cha mẹ anh ấy như giấy phép lái xe, cà-vẹt xe… Và không trả lại đến tận bây giờ.

Tại đồn công an thành phố Mỹ Tho, cơ quan an ninh điều tra, cơ quan an ninh nội địa đã hỏi cung Lê Quốc Anh suốt 15 ngày. Dù không có lệnh bắt giữ, hay lệnh tạm giữ, tạm giam gì, nhưng họ vẫn không cho anh về. Công an mở điện thoại, máy tính của Lê Quốc Anh để xem có những hình ảnh gì, viết bài cho ai. Họ kiểm tra từng tin nhắn, email, những người mà Quốc Anh liên hệ xem anh ấy đã làm việc với các tổ chức nào, giữ vai trò gì…

Phía an ninh bộ công an nói rằng họ đã theo dõi Quốc Anh từ rất lâu. Mặc dù các bài viết trên facebook của anh ấy có ít like và không được biết đến. Nhưng an ninh đã định vị và biết được rằng Quốc Anh làm việc cho đài truyền hình hải ngoại, cùng các tổ chức phi chính phủ. Họ cho rằng Lê Quốc Anh không đơn thuần là người viết bài bất mãn cá nhân mà thuộc dạng có tổ chức chuyên nghiệp, có tính quốc tế. Và họ đánh giá anh ấy là thành phần nguy hiểm cho chế độ.

An ninh cũng tìm thấy những hình ảnh Lê Quốc Anh mặc áo ủng hộ phong trào dân chủ Hongkong, ủng hộ Ukraine. Họ cho rằng ủng hộ dân chủ là âm mưu lật đổ nhà nước cộng sản. Kết hợp với việc Quốc Anh làm truyền thông cho các tổ chức phi chính phủ và đài truyền hình hải ngoại; thì công an cáo buộc anh ấy làm tài liệu và tuyên truyền thông tin chống phá nhà nước cộng sản của họ.

Tại sao Lê Quốc Anh bị truy nã đặc biệt?

Được biết, Lê Quốc Anh là con duy nhất trong gia đình. Nên Quốc Anh đã không kể cho gia đình biết những việc anh ấy đang làm để tránh cha mẹ lo lắng. Khi Quốc Anh bị bắt, cả nhà đều bất ngờ và không biết phải làm sao. Sau đó gia đình đã lên Google tìm hiểu và liên hệ luật sư Nguyễn Văn Miếng nhờ giúp đỡ.

Ngày 23/03, luật sư Miếng tới tận đồn công an Mỹ Tho can thiệp thì an ninh mới thả Lê Quốc Anh về sau 15 ngày giam giữ không giấy tờ. Tuy thả về nhưng an ninh vẫn quản thúc tại gia, cấm đi khỏi địa phương. Nhận thấy tình hình nguy hiểm, có thể bị bắt bất cứ lúc nào nên Lê Quốc Anh đã rời khỏi nhà để tìm nơi tạm lánh.

Đến ngày 05/07 thì công an chính thức ra quyết định khởi tố bị can với Lê Quốc Anh theo Điều 117 Bộ Luật Hình Sự là làm, tàng trữ, phát tán, tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống nhà nước cộng sản Việt Nam.

Ngày 22/08, công an đến xét nhà, thu hết giấy tờ, bao gồm tất cả những thư mời làm việc mà họ đã gửi cho gia đình Lê Quốc Anh trước đó. Đặc biệt là công an đọc lệnh xét nhà nhưng cha mẹ của Quốc Anh không được nhìn thấy, không được chụp ảnh hoặc lưu giữ lệnh xét nhà đó. Sau khi tìm không ra Quốc Anh ở nhà thì họ tới bao vây nhà nội, nhà ngoại của anh ấy. Họ tự tiện xông vào xét nhà ông bà của Lê Quốc Anh, dù không có bất kỳ giấy tờ, hay lệnh khám nhà gì hết.

Ngày 25/08, công an Tiền Giang ra quyết định truy nã Lê Quốc Anh. Nhưng lúc đó truyền thông nhà nước chưa vào cuộc.

Cuối cùng, ngày 28/11, sau nhiều tháng tìm kiếm thì công an Tiền Giang nâng cấp lệnh truy nã thành lệnh “truy nã đặc biệt”. Và phát thông tin rộng rãi trên các phương tiện truyền thông đại chúng. Lúc đó thì dư luận mới biết được vụ việc của Lê Quốc Anh.

Hiện nay Lê Quốc Anh vẫn chưa thể liên hệ với gia đình vì sợ bị công an nghe lén, và định vị. Quốc Anh luôn luôn lo lắng rằng có thể bị bắt bất cứ lúc nào. Vì theo lệnh truy nã đặc biệt, bất cứ ai phát hiện ra anh ấy thì đều có thể bắt và đưa lên công an.

Đánh giá về trường hợp này, một luật sư nói với phóng viên Việt Nam Thời Báo: “Lê Quốc Anh thật sự không làm gì sai. Anh ấy chỉ thực hiện quyền công dân của mình trong Hiến pháp cộng sản đặt là công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin. Rõ ràng việc bắt giam, khởi tố và truy nã Lê Quốc Anh là vi phạm điều 25 Hiến pháp. Vi phạm Hiến chương Nhân quyền Quốc về quyền tự do ngôn luận, tự do quan điểm, tự do thông tin và tự do biểu đạt. Việc công an Việt Nam làm càng làm bậy như vậy chính là họ đang chà đạp lên Hiến pháp mà họ đặt ra, chà đạp lên những Công ước Quốc tế mà họ đã ký”.

Phan Tất Thành, cựu admin Nhật Ký Yêu Nước bị bắt cóc

Ngoài trường hợp Lê Quốc Anh, những năm gần đây công an Việt Nam đã bắt giam một số nhà hoạt động xã hội ẩn danh khác, điển hình như vụ Phan Tất Thành
(ngụ Quận 3, tpHCM).

Thành là cựu admin trang Nhật Ký Yêu Nước. Một trang mạng xã hội có hơn 800.000 người theo dõi. Trong thời gian Phan Tất Thành làm quản lý, trang Nhật Ký Yêu Nước đã phát động thành công các cuộc biểu tình phản đối dàn khoan HD981 (Trung Quốc) xâm phạm lãnh hải Việt Nam, phản đối nhà máy Formosa xả thải đầu độc biển miền Trung 2016, phản đối luật đặc khu và luật an ninh mạng 2018.

Được biết, Phan Tất Thành đã không tham gia quản lý trang Nhật Ký Yêu Nước từ khoảng 2017. Nhưng hồi tháng 7 này bị công an tới nhà nói là có đơn tố cáo anh Thành gây tai nạn giao thông ở Đà Nẵng. Sau đó bắt cóc anh Thành về đồn công an Phường 14, Quận 3 mà không có bất kỳ giấy tờ hay quyết bị bắt giữ nào.

Người nhà của Thành kể lại rằng anh đã bị đánh đập rất dã man, cưỡng bức anh phải nhận là có hoạt động dân chủ, tuyên truyền chống phá nhà nước. Thậm chí công an còn đánh luôn cả em trai và mẹ của Thành tới ói ra máu, té xỉu. Nhằm ép anh phải nhận những gì mà công an cáo buộc.

Ẩn danh, âm thầm, hiệu quả là nỗi khiếp sợ của chế độ độc tài

Những trường hợp như Lê Quốc Anh, Phan Tất Thành thường ít được cộng đồng mạng biết tới, vì các nhà hoạt động xã hội này thường ẩn danh. Họ âm thầm hoạt động, kết nối, làm việc cùng nhau một cách hiệu quả mà không ồn ào vì danh tiếng cá nhân. Thậm chí ngay cả người thân, gia đình của những người này cũng không biết rõ quan điểm và cách thức hoạt động của họ.

Cộng sản Việt Nam đánh giá đây là những nhà hoạt động vô cùng nguy hiểm cho chế độ vì có tính tổ chức cao, biết xây dựng hình ảnh chung. Không vì danh lợi bản thân, mà thật sự đúng là những người yêu nước muốn dấn thân cho nền dân chủ. Nên nhà cầm quyền tìm mọi cách triệt hạ, thủ tiêu họ để bảo vệ chế độ độc tài.

Ngoài ra, một điểm chung của những vụ bắt người hoạt động dân chủ gần đây là công an Việt Nam hiện nay tránh né ghi rõ lý do vào giấy mời làm việc. Thay vì vậy, họ gửi thư mời lên làm giấy tờ, căn cước công dân, hoặc bày ra các tội danh khác để lừa người dân lên đồn rồi tra tấn hỏi cung về các vấn đề chính trị. Thậm chí, công an không hề thông báo trước, không có thư mời mà tổ chức bắt cóc ngay trên đường, để người dân không kịp xoá những dữ liệu trong điện thoại, máy tính của họ.

“An ninh đánh giá cao những người hoạt động âm thầm và có tổ chức hơn là những người chỉ hô hào trên mạng xã hội. Hiện nay công an Việt Nam đã mua những phần mềm công nghệ cao để truy vết, định vị tài khoản các nhà hoạt động xã hội ẩn danh. Chính vì làm việc âm thầm nên tới khi bị bắt thì người nhà cũng không biết cách liên hệ báo chí, luật sư, hoặc các tổ chức quốc tế để lên tiếng cho con cái của mình. Cho nên những nhà hoạt động này cần phải nói rõ quan điểm với người thân để tìm kiếm sự ủng hộ; phòng khi có vấn đề gì thì gia đình sẽ là những người trực tiếp đứng ra lên tiếng và liên hệ luật sư, báo chí và các tổ chức quốc tế can thiệp”. Một luật sư có nhiều năm tranh đấu cho giới bất đồng chính kiến trong nước nói với phóng viên Việt Nam Thời Báo.

No comments:

Post a Comment