Friday, September 18, 2020

Tin Tức: Thứ Sáu 18.09.2020

Tin Tức

Mở đầu chương trình, mời quý thính giả theo dõi phần Tin Tức  sẽ được Vân Khanh Bá Cơ trình bày sau đây.

VIỆT NAM BỊ CHẤT VẤN TẠI LHQ VỀ CÁC VỤ KHỦNG BỐ VÀ SÁCH NHIỄU CÔNG DÂN

Bạo quyền CSVN một lần nữa bị buộc phải giải thích về các vụ khủng bố và sách nhiễu công dân được nêu tên trong phúc trình thường niên của Hội đồng Nhân quyền LHQ.

Theo bản Phúc trình, có ít nhất 16 người bị bạo quyền Hà Nội bỏ tù, câu lưu thẩm vấn và quản thúc tại gia trong năm qua. Đa số là những người từng tiếp xúc với Hội đồng Nhân quyền để trình bày về tình hình nhân quyền tại Việt Nam.

Những nạn nhân điển hình như: bà Trương Thị Hà, một luật sư đấu tranh cho nhân quyền tại Việt Nam bị bắt giam vào tháng 3 năm nay. Kế tiếp là các bà Đinh Thị Phương Thảo, Nguyễn Xuân Mai, Lương Thị Nở cùng các ông Phạm Tấn Hoàng Mai, Nguyễn Văn Thiết và Trần Ngọc Sương bị bắt giữ chỉ vì tham dự các hội nghị về nhân quyền và tôn giáo ở hải ngoại.

Một số tu sĩ tôn giáo như Thượng tọa Thích Thiện Phúc, linh mục Nay Y Ni cùng với các tín đồ Công Giáo như ông Huỳnh Ngọc Trường và các bà Nguyễn Thị Hoài Phương, Nguyễn Phạm Ái Thùy và Ngô Thị Liên… đều bị câu lưu thẩm vấn khi trở về từ một Hội nghị Tôn giáo ở Thái Lan.

Các vụ bắt giam khác được nhấn mạnh trong phúc trình là hai nhà báo Phạm Chí Dũng và ông Nguyễn Bắc Truyển.

VIỆT NAM HỦY BỎ CẢ TRĂM CHUYẾN BAY ĐỂ TRÁNH BÃO SỐ 5

Hôm nay, gần 100 chuyến bay ra các tỉnh miền trung đã bị hủy bỏ vì cơn bão Noul, tức trận bão thứ 5 tại Việt Nam trong năm nay.

Thông tin từ cơ quan Hàng không Việt Nam cho biết là 3 phi trường Chu Lai, Đà Nẵng và Phú Bài đã ngưng hoạt động từ tối thứ Năm 17/9, với 62 chuyến bay bị hủy. Hàng chục chuyến bay cũng bị hủy bỏ ở các phi trường Đồng Hới, Buôn Mê Thuột, Quy Nhơn, Đà Lạt, Vinh và Thanh Hóa. Các hãng hàng không cho biết sẽ bù lại các chuyến bay vào ngày mai, thứ Bảy 19/9.

Vào trưa hôm nay, bão số 5 đã đổ bộ vào các tỉnh từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi, trút xuống một lượng mưa rất lớn, gây ngập lụt nặng nề ở nhiều nơi. Hàng triệu học sinh tại Đà Nẵng lại được lệnh nghỉ học chỉ sau hai tuần trở lại trường vì dịch Vũ Hán.

Hiện chưa có báo cáo về mức độ thương vong và thiệt hại tài sản vì cơn bão lớn này.

TỈNH KIÊN GIANG SẼ ĐẦU TƯ GẦN 2 TỶ MỸ KIM VÀO NGÀNH NUÔI TÔM CÁ

Nhà cầm quyền tỉnh Kiên Giang vừa đề nghị Trung ương cho phép đầu tư gần 2 tỷ Mỹ kim vào ngành nuôi tôm cá để phát triển kinh tế ở vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Theo đề nghị nói trên, tỉnh Kiên Giang muốn chuyển đổi các ruộng lúa có năng suất thấp sang mô hình vừa trồng lúa vừa nuôi tôm. Hiện Kiên Giang đang có 63 ngàn mẫu ruộng áp dụng mô hình mới, có hiệu quả khá cao và phù hợp với môi trường. Ngoài ra, Kiên Giang còn muốn tăng thêm các đội tàu cá đánh bắt xa bờ với công suất lớn.

Tổng số lượng thủy hải sản mà tỉnh này đang nhắm đến là 755 ngàn tấn mỗi năm, đa số là dùng để chế biến và xuất cảng sang Hoa Kỳ và Âu châu.

HOA KỲ VIỆN TRỢ CHO VIỆT NAM 100 MÁY THỞ ĐỂ TRỊ BỆNH CÚM VŨ HÁN

Cơ quan viện trợ nhân đạo USAID của Hoa Kỳ vừa gửi tặng cho Việt Nam 100 máy trợ thở để giúp chữa trị cho các bệnh nhân nhiễm dịch Vũ Hán.

Các máy móc nói trên là do ba công ty Hoa Kỳ chế tạo, đã về đến phi trường Nội Bài vào hôm qua. Theo thông báo của cơ quan viện trợ USAID, 100 máy thở này là một phần trong ngân khoản hỗ trợ mà Hoa Kỳ hứa hẹn sẽ giúp cho  các nước đối phó với đại dịch Vũ Hán, trong đó có Việt Nam.

Như tin đã loan, vào tháng 5 vừa qua, bộ Ngoại giao Mỹ cam kết hỗ trợ 9 triệu rưởi Mỹ kim cho Việt Nam để chống dịch cúm Vũ Hán, trong số đó có 4 triệu rưởi Mỹ kim là các thiết bị y tế và thuốc men, số còn lại là để trợ cấp cho những người bị thất nghiệp vì đại dịch này.

ANH – PHÁP – ĐỨC BÁC BỎ CHỦ QUYỀN CỦA TRUNG CỘNG Ở BIỂN ĐÔNG

Vào hôm qua, ba nước Anh – Pháp – Đức đã chính thức gửi công hàm lên LHQ, nội dung bác bỏ các yêu sách về chủ quyền của Trung Cộng tại Biển Đông. Đồng thời, ba nước cũng khẳng định quyền tự do hàng hải và hàng không trên vùng biển này.

Anh, Pháp và Đức là 3 nước mới nhất từ bỏ lập trường trung lập về các tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông trong nhiều năm qua. Trước đó, Phi Luật Tân, Úc, Hoa Kỳ, Mã Lai và Nam Dương đã gửi công hàm phản đối chủ quyền “đường lưỡi bò” mà Trung Cộng áp đặt ở Biển Đông.

Ngoài ra, trong công hàm nói trên, ba nước Anh – Pháp – Đức cũng phản đối việc Trung Cộng tuyên bố chủ quyền toàn bộ quần đảo Hoàng Sa.

TIẾNG SÚNG VẪN NỔ Ở BIÊN GIỚI ẤN – HOA DÙ HAI BÊN CHUẨN BỊ ĐÀM PHÁN

Các binh sĩ Ấn Độ và Trung Cộng vẫn tiếp tục nổ súng cảnh cáo vào nhau, chỉ vài ngày trước khi ngoại trưởng hai nước mở cuộc đàm phán vào tuần trước.

Truyền thông Ấn Độ cho biết là kể từ cuối tháng 8, đã có 3 vụ nổ súng ở biên giới phía tây dãy Hy Mã Lạp Sơn, nơi mà hai nước đang tập trung đông đảo binh lực để chuẩn bị giao chiến. Tuy nhiên, một quan chức Ấn cho biết chỉ là những tràng bắn chỉ thiên cảnh cáo khi có binh sĩ muốn bước qua ranh giới.

Nghiêm trọng nhất trong số 3 vụ nổ súng là vụ ở phía bắc hồ Pangong Tso, với hàng trăm phát đạn được hai bên bắn lên trời mà không rõ lý do.

Vài ngày trước đó, một tờ báo Nga tiết lộ là Trung Cộng đã đưa thêm 10 ngàn binh sĩ đến khu vực Ladakh trên cao nguyên Tây Tạng, giáp biên giới với Ấn Độ, nơi xảy ra một vụ giao chiến vào cuối tháng 7 khiến 20 binh sĩ Ấn Độ tử trận.

No comments:

Post a Comment