Sunday, September 27, 2020

Tin Tức: Chủ Nhật 27.09.2020

Tin Tức

Sau đây, mời quý thính giả theo dõi bản Tin tóm lược với Hương Thu và Nguyên Khải

1/NHIỀU NHÀ HOẠT ĐỘNG NHÂN QUYỀN PHẢN ĐỐI ISRAEL BÁN VŨ KHÍ CHO CỘNG SẢN VIỆT NAM

Một nhóm 52 nhà hoạt động nhân quyền Israel đã đệ đơn kiện lên Tòa án quận ở Tel Aviv yêu cầu các hãng sản xuất vũ khí của Israel ngừng bán vũ khí và thiết bị giám sát sang Việt Nam vì chế độ cộng sản ở Hà Nội có thể sử dụng chúng để đàn áp người dân thay vì để bảo vệ đất nước.

Trong một bài viết trên nhật báo HAARETZ, luật sư Eitay Mack, người đại diện pháp lý cho 52 nhà hoạt động nhân quyền Israel nói rằng “Người dân Việt Nam cần được bảo vệ khỏi sự tàn ác của chế độ đảng cộng sản, thay vì trở thành mục tiêu của những vũ khí và công nghệ giám sát mà các nước như Israel bán cho chế độ này.”

Israel gia tăng việc bán vũ khí cho Việt Nam bất chấp những vi phạm nhân quyền nghiêm trọng của Hà Nội. Việt Nam hiện là một trong những khách hàng lớn nhất trên thế giới mua vũ khí và thiết bị giám sát của Israel.

Thay vì sử dụng để đối phó với ngoại bang, chế độ cộng sản Việt Nam sử dụng những vũ khí và hệ thống giám sát đó để trấn áp dân chúng.

2/  THƯỢNG NGHỊ SĨ HOA KỲ GIỚI THIỆU DỰ LUẬT GHI NHẬN ĐÓNG GÓP CỦA NGƯỜI H’MÔNG TRONG CHIẾN TRANH VIỆT NAM

Bà Tammy Baldwin, thượng nghị sĩ và cũng là một thành viên của Ủy ban Phân bổ Ngân sách của Thượng viện Hoa Kỳ, vừa giới thiệu Dự luật công nhận di sản của các cộng đồng người tị nạn và người nhập cư từ Đông Nam Á như người H’mông và người Thượng vì những đóng góp, hỗ trợ và bảo vệ của họ đối với quân đội Hoa kỳ trong Chiến tranh Việt Nam.

Trong thông cáo báo chí vào thứ Năm, ngày 24.09, bà Baldwin nói Hoa Kỳ mang ơn cộng đồng người tị nạn và nhập cư từ Việt Nam, Lào và Campuchia vì sự phục vụ và hy sinh của họ trong chiến ở Đông Nam Á.

Thông cáo nói thêm rằng nhiều cộng đồng người H’mông, người Chăm, Campuchia, Iu-Miên, Khmu, Lào, Thượng và người Việt đã chiến đấu và hy sinh cùng binh sĩ Hoa Kỳ trong cuộc chiến ở Đông Nam Á vào những năm 1960 và 1970, bị thương vong cao nhưng thường rất ít hoặc không được công nhận.

3/  GIẢNG VIÊN ĐẠI HỌC TÔN ĐỨC THẮNG BỊ BẮT SAU KHI TỐ CÁO BÍ THƯ TỈNH UỶ ĐẮK LẮK ĐẠO VĂN LUẬN ÁN TIẾN SĨ

Tuần qua, nhà cầm quyền cộng sản tỉnh Đắk Lắk đã khởi tố và bắt tạm giam hai giảng viên của Đại học Tôn Đức Thắng về cáo buộc “vu khống, bôi nhọ danh dự người khác.” Hai giảng viên này là tiến sĩ Phạm Đình Quý  và tiến sĩ Tuấn.

Hai ông Quý và Tuấn chính là 2 người đã viết đơn tố cáo đương kim bí thư tỉnh uỷ tỉnh Đắk Lắk Bùi Văn Cường sử dụng luận án tiến sĩ của người khác, 70% chép và sửa lại làm luận án tiến sĩ của mình. Nhờ có bằng tiến sĩ này mà ông Cường đã leo lên chức chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam trước khi được điều chuyển về Đắk Lắk.

Việc bắt giữ hai ông Quý và Tuấn là một phần trong mâu thuẫn giữa Đại học Tôn Đức Thắng và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam trong thời gian gần đây. Sau khi ban giám hiệu trường từ chối chia 30% lợi nhuận cho phía liên đoàn thì phía liên đoàn đã tìm mọi cách trừng phạt ban lãnh đạo trường. Ông Hiệu trưởng Lê Vinh Danh, người được cho là kiến trúc sư cho các thành công của trường, bị đình chỉ mọi chức vụ. 

Đại học Tôn Đức Thắng hoàn toàn tự chủ về tài chính dù là đại học công, và dưới quyền giám sát của Tổng Liên Đoàn LĐVN

 4/BIỂU TÌNH TRONG CƠ QUAN LẬP PHÁP CỦA HONGKONG PHẢN ĐỐI CÁC VỤ BẮT GIỮ CỦA TRUNG CỘNG

Vào thứ Sáu ngày 25.09, các chính trị gia ủng hộ dân chủ Hongkong tổ chức một cuộc biểu tình ngắn tại cơ quan lập pháp của thành phố để kêu gọi trả tự do cho 12 nhà hoạt động bị nhà cầm quyền Trung Cộng bắt giữ trên biển vào tháng trước, khi họ cố gắng chạy trốn sang Đài Loan bằng thuyền.

Khoảng một chục thành viên đối lập của cơ quan lập pháp thành phố bao vây ông Chánh văn phòng Matthew Cheung trước một cuộc họp về việc giảm thiểu hậu quả kinh tế của đại dịch virus Vũ Hán, yêu cầu ông gặp gia đình của những người bị giam giữ và cố gắng đưa họ trở lại.

Chính phủ Hongkong cho biết họ không thể can thiệp cho 12 người này, và những người bị bắt phải đối mặt với các thủ tục pháp lý ở Trung Cộng trước khi có thể về nhà.  Bộ Ngoại giao Trung Cộng gọi họ là “những kẻ ly khai.”

5/  HOA KỲ TRUY NÃ TIN TẶC TRUNG CỘNG

Bộ Tư pháp Hoa Kỳ mới đây cho biết đã bắt 2 nghi phạm người Malaysia và phát lệnh truy nã 5 hacker khác là công dân Trung Quốc. Nhóm hackers này đã từng tấn công các trang mạng của hơn 100 công ty ở Mỹ và một số quốc gia khác, bao gồm Việt Nam và Ấn Độ.

Hai người Malaysia bị bắt ngày 14/9 theo yêu cầu của Mỹ với cáo buộc thông đồng với các hacker Trung Quốc để thu lợi từ việc tấn công các công ty video game của Mỹ.  

Tại một buổi họp báo công bố cáo trạng, Nhân viên FBI James Dawson nói: “Các hoạt động tội phạm kiếm tiền này diễn ra với sự đồng tình ngầm của chính phủ Trung Quốc.Theo cáo buộc, nhóm hacker này sống ở Trung Quốc, làm việc cho một công ty có tên Chengdu 404.

Nhóm này cũng bị Mỹ cáo buộc tấn công các tài khoản của các nhà hoạt động đòi dân chủ ở Hong Kong.

No comments:

Post a Comment