Saturday, September 12, 2020

Tin Tức: Thứ Bảy 12.09.2020

Tin Tức

Mở đầu chương trình, mời quý thính giả theo dõi phần Tin Tức  sẽ được Hoàng Ân & Đồng Tâm trình bày sau đây.

VIỆT NAM VÀ TRUNG QUỐC ĐÀM PHÁN PHÂN ĐỊNH VÙNG BIỂN NGOÀI CỬA VỊNH BẮC BỘ

Vào thứ Tư ngày 09.09, Việt Nam và Trung Quốc đã đàm phán trực tuyến vòng 13 Nhóm công tác về vùng biển ngoài cửa Vịnh Bắc bộ và vòng 10 Nhóm công tác trao đổi về hợp tác cùng phát triển trên biển Việt Nam-Trung Quốc. 

Từ cuối năm 2000, Hà Nội và Bắc Kinh đã ký kết Hiệp định về phân định lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa trong Vịnh Bắc bộ, và Hiệp định về Hợp tác Nghề cá Vịnh Bắc bộ. Với việc ký kết này, nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam đã nhượng bộ quá nhiều diện tích biển cho Trung Quốc. 

Hiệp định về Hợp tác Nghề cá Vịnh Bắc bộ đã chính thức hết hiệu lực vào ngày 30/6/2020.

HƠN 24.000 DOANH NGHIỆP  CHỜ GIẢI THỂ VÌ ĐẠI DỊCH VŨ HÁN

Việt Nam hiện có hơn 24.000 doanh nghiệp ngừng hoạt động, đang chờ làm thủ tục giải thể và phần lớn trong số này bị ảnh hưởng bởi đại dịch Vũ Hán.

Trên thực tế, gần 34.300 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng hơn 70% so với cùng kỳ năm 2019. Số doanh nghiệp đang chờ làm thủ tục giải thể là 24.400, giảm khoảng 6%. Số doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể trong 8 tháng qua là 10.400.

Trong 8 tháng năm 2020, Việt Nam còn có 30.600 doanh nghiệp không hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký, tăng 39,3% so với cùng kỳ năm 2019. Tuy nhiên, có 88.700 doanh nghiệp mới đăng ký thành lập, với tổng số gần 695.000 công nhân, giảm 2% về số lượng doanh nghiệp và 16,5% về số lượng lao động so với năm 2019.

CỘNG SẢN VIỆT NAM MUA HỆ THỐNG GIÁM SÁT CỦA ISRAEL ĐỂ TRANG BỊ CHO TÀU TUẦN DUYÊN

Nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam vừa chọn công ty Controp của Israel làm nhà cung cấp hệ thống giám sát cho các tàu mới của lực lượng tuần cảnh duyên hải.

Controp là nhà sản xuất chuyên về hệ thống giám sát và điện quang. Công ty này đã trở thành nhà cung cấp nhiều nhất cho Việt Nam trong vài năm qua khi Hà Nội bắt đầu đầu tư vào việc nâng cấp vũ khí, thiết bị cho quân đội khi căng thẳng trong khu vực Biển Đông đang ngày càng gia tăng.

Hợp đồng mới nhất của Việt Nam và Controp là hệ thống giám sát iSea-25HD, phiên bản đơn giản hơn của các bộ iSea30 và iSea50. Sẽ có 12 tàu tuần duyên được trang bị hệ thống mới, trong đó có 7 tàu do nhà máy đóng tàu Hồng Hà tại Việt Nam đóng và số tàu còn lại được nhà máy L&T đóng tại Ấn Độ.

Theo Viện nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI), kể từ khi Việt Nam thực hiện chính sách hiện đại hoá quân đội, Israel đang trở thành nhà cung cấp vũ khí lớn thứ hai cho quân đội Việt Nam, chỉ sau Nga. Quan hệ hợp tác quốc phòng song phương không chỉ đơn thuần là mua bán vũ khí, mà còn phát triển các chương trình hợp tác quân sự, nhất là chuyển giao công nghệ sản xuất vũ khí hiện đại.

WASHINGTON KHỞI ĐỘNG QUAN HỆ ĐỐI TÁC MEKONG-HOA KỲ

Vào thứ Sáu ngày 11/9, Thứ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ, ông Stephen Biegun và Ngoại trưởng Việt Nam, ông Phạm Bình Minh đồng chủ tọa Hội nghị Bộ trưởng Đối tác Mekong-Hoa Kỳ (MUSP) lần đầu tiên, với mục tiêu nâng tầm Sáng kiến Hạ nguồn Mekong (LMI) để ứng phó với các tác động từ thượng nguồn do Trung Cộng gây ra.

Quan hệ Đối tác MUSP bao gồm 6 thành viên là Hoa Kỳ, Thái Lan, Campuchia, Lào, Myanmar và Việt Nam.  

Theo thông cáo của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, MUSP khẳng định cam kết của Washington đối với tương lai của LMI “như một phần của tầm nhìn chung cho một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và cởi mở.” Hoa Kỳ hợp tác với ASEAN để tìm ra các giải pháp cho những thách thức đang nổi lên thông qua Quan hệ đối tác Mekong-Hoa Kỳ.

Hội nghị cũng bàn các cách thức để giảm thiểu tác động của đại dịch Vũ Hán và bảo đảm phục hồi kinh tế. Cuộc họp cũng sẽ tập trung vào các lĩnh vực hợp tác trong khuôn khổ MUSP, bao gồm kết nối kinh tế, quản lý nước bền vững, năng lượng và tài nguyên thiên nhiên, quản lý nguồn nhân lực và an ninh phi truyền thống ở tiểu vùng sông Mekong.

CDC HOA KỲ MỞ VĂN PHÒNG KHU VỰC ĐÔNG NAM Á TẠI HÀ NỘI

Trung tâm Dự phòng và Kiểm soát Bệnh tật Hoa Kỳ (CDC) lên kế hoạch mở văn phòng khu vực Đông Nam Á tại Hà Nội nhằm điều phối nỗ lực chung trong việc đối phó với đại dịch Vũ Hán.

Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ công bố kế hoạch này khi diễn ra cuộc họp trực tuyến giữa Ngoại trưởng Mike Pompeo và những người đồng cấp từ các quốc gia thuộc ASEAN hôm thứ Năm ngày 10.09.

Bộ Ngoại giao còn cho biết CDC đang làm việc với Thái Lan và Việt Nam bằng cách tài trợ cho các hệ thống giám sát dựa trên sự kiện theo dõi đại dịch Vũ Hán.

CDC là cơ quan đầu não của Hoa Kỳ trong công cuộc đối phó với đại dịch. CDC có một số văn phòng trên khắp thế giới, chủ yếu là ở các nước đang phát triển như Ấn Độ, Indonesia. Ngoài ra, CDC cũng có một văn phòng tại Trung Quốc.

CDC đã hoạt động ở Việt Nam từ năm 1998, hiện có văn phòng tại Hà Nội và Sài Gòn, với tổng cộng 64 nhân viên.

Hoa Kỳ tăng cường khả năng giám sát y tế tại Đông Nam Á của CDC trong lúc Washington sắp rút ra khỏi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), một cơ quan mà Tổng thống Donald Trump gọi là “con rối của Trung Cộng.”

No comments:

Post a Comment