Friday, February 9, 2018

Tưởng niệm 50 năm biến cố Mậu Thân 1968, Phần Cuối

Chuyện Nước Non Mình

Kính thưa quý thính giả, cách đây đúng 50 năm, Cộng Sản Bắc Việt đã vi phạm thỏa thuận ngưng chiến trong 72 tiếng đồng hổ để người dân đón mừng ngày tết cổ truyển dân tộc. Lợi dụng thời gian ngưng chiến Cộng Sản đã mở cuộc tổng công kích vào hấu hết các thành thị ở Miền Nam Việt Nam, gây ra sự thiệt hại rất lớn về người và tài sản cho người dân Miển Nam. Nhưng rồi cuộc tổng công kích đã bị quân lực Việt Nam Cộng Hòa và đổng minh đánh bại. Riêng tại Huế, Cộng Quân đã chiếm giữ nơi đây 26 ngày, trong thời gian ấy, họ đã thảm sát hơn 5000 người, thuộc đủ mọi thành phần, ngoài quân nhân, công chức, còn có vô số dân thường, sinh viên học sinh, tu sĩ, giáo chức, y tá, bác sĩ…. Nhà nước CSVN kẻ gây ra tội ác trong biến cố Tết Mậu Thân năm 1968 vẫn ngoan cố phủ nhận hành vi ghê tởm này.

Để tưởng niệm những nạn nhân đã bị giết, và để nhắc nhở cho những thế hệ trẻ VN biết đến tội ác do đảng CSVN gây ra cho người dân. Đài ĐLSN sẽ cho phổ biến một phần những tài liệu về biến cố Tết Mậu Thân năm 1968. Mời quí thính giả đón nghe.
Mở đầu cho loạt tài liệu này, hôm nay mời quí thinh giả nghe tiếp (phần 3) một nhân chứng, bà Nguyễn Thị Thái Hòa kế lại chi tiết việc ông nội, ba người anh và một người bạn của gia đình đã bị sát hại sau đây. Qua giọng đọc của Quê Hương.
Nhân chứng vụ CS sát hại người dân Huế TẾT MẬU THÂN 1968,
Bà Nguyễn Thị Thái Hòa là nhân chứng sống của cuộc tàn sát dân lành một cách dã man chưa từng có trong lịch sử VN của CSBV. Bà chính mắt chứng kiến ông nội và 3 người anh ruột và một người bạn học của anh mình bị sinh viên nằm vùng Hoàng Phủ Ngọc Phan sát hại.
Sau lần đó không đứa nào trong bọn chúng trở lại, kể cả tụi bộ đội. Chắc nhà ông tôi chẳng còn người để mà giết, chẳng còn của cải chi để mà cướp nữa.
Hơn hai mươi ngày, tôi nằm liệt lào trong nhà nội. Bên ngoài súng đạn vẫn tư bề.
Hai vợ chồng bác Hậu không nở bỏ tôi lại một mình, trong lúc bác nghe ngóng và biết đa số dân Phủ cam đã tìm đường chạy thoát được xuống Phú Lương. Bác năn nỉ tôi ráng ăn uống thêm một chút để có sức mà chạy, không lẽ con nằm đây chờ chết? Con không muốn tìm mạ con răng?
Hôm sau nữa tôi theo gia đình bác Hậu tìm đường chạy lên Phú Lương vì nghe nói lính Mỹ, lính mình đã thấy xuất hiện chung quanh đây rồi. Đi xuống ngã cầu Kho Rèn thì cầu đã bị sập, bác theo đoàn người đi hướng khác, tôi đi theo như người mất hồn, họ đi đâu tôi theo đó, tôi không còn nhớ là mình đã đi qua được những nơi đâu. Có điều tôi lấy làm lạ, trên đường chạy giặc, mỗi khi đạn pháo bắn khắp nơi mà người ta cứ gồng gánh nhau mà đi, không ai chịu dừng lại kiếm chỗ tránh đạn, người ta nói với nhau, khi mô mà có mọc chê hay đạn pháo chi đó thì bọn VC chui vô nhà dân để trốn đạn, chúng nó không ra đường để chặn bắt dân lại, vì vậy người ta cứ chạy bất kể, dưới lằn mưa đạn người ta càng chạy đi đông hơn. Ôi những người dân tội nghiệp của xứ Huế thà chết dưới bom đạn còn hơn để bị lọt vô tay quân sát nhân ác độc.
Cuối cùng thì tôi cũng về đến được Phú Lương gặp mạ và ba đứa em trai của tôi. Quá đau khổ, Mạ tôi bị phát điên khi hay tin cái chết của ba người anh và ông nội. Ít lâu sau ba tôi trở về sau một đợt hành quân nào đó của tiểu đoàn 12 Pháo Binh Phú Bài. Thấy mạ tội như vậy, biết không thể trở lại đường Hàm Nghi ông mướn nhà ở tạm tại Phú Lương.
Sau khi Huế được giải thoát. Ba tôi nhờ bà con lối xóm cải táng Văn, ba người anh, và ông nội tôi, tang lễ được cử hành tại nhà thờ Phủ Cam do cha Nguyễn Phùng Tuệ chủ tế. Gia đình anh Văn đồng ý cho anh Văn được nằm lại trong miếng vườn nhà ông nội tôi cùng với ba người anh của tôi.
Ba tôi được giải ngũ khoảng giữa năm 69. Mạ tôi vẫn trong cơn điên loạn không thuyên giảm. Ba tôi quyết định bỏ Huế đem hết gia đình vào Long Khánh sinh sống. Nhà nội giao lại nhờ hai bác Hậu coi chừng. Nhà ở 24 Hàm Nghi (gần dường rầy xe lửa) thì bán cho ai đó tôi không rõ.
Đó là những cái chết oan khiên của những người ruột thịt thân yêu mà tôi phải chứng kiến tận mắt với muôn ngàn đau đớn. Trong bà con thân tộc nội ngoại hai bên của tôi có rất nhiều người bị bắt đi ở nhà thờ Phủ Cam, một số bị bắt ở nhà thờ dòng Chúa Cứu Thế. Số người bị chôn sống, mất tích lên tới 70 người. Tất cả đều là học sinh, sinh viên, thường dân, nông dân, buôn bán ở chợ An Cựu.
Sau Tết Mậu Thân, những người bà con còn lại của tôi quá đau khổ, sợ hãi, họ đã âm thầm bỏ Huế, tản mác khắp nơi, thay tên đổi họ mà sống…
Sau biến cố tháng 4 đen 75, gia đình tôi lại là những nạn nhân của lũ Cộng Sản ác độc, vô luân. Ba tôi và những đứa em trai còn lại cũng đã chết sau mười mấy năm bị đày đọa trong lao tù CS.
Đã 40 năm qua, những vết thương đó vẫn còn tươi rói trong tôi. Nỗi đau mỗi ngày một đầy. Đó là những cái chết oan khiên trong muôn ngàn cái oan khiên của người dân Huế.
Tôi là người con duy nhất trong gia đình còn sống sót sau tết Mậu Thân cũng như sau những ngày mất nước. Nay viết lại những cái chết thương tâm của những người Thân Yêu trong Gia đình tôi với tư cách là một nhân chứng và nạn nhân, để tố cáo tội ác của Cộng Sản, có như thế, oan hồn của ông nội và anh em tôi mới có thể siêu thoát.
Tôi sẵn sàng ra làm nhân chứng trước tòa án quốc tế, cũng như xuất hiện trước các phương tiện truyền thông khi cần thiết.
Tên tuổi ông nội tôi, và của ba người anh bị sát hại năm 1968:
Tên ông nội :
– Nguyễn Tín, 70 tuổi.
Ba người anh:
– Nguyễn Xuân Kính, sinh viên y khoa, sinh năm 1942.
– Nguyễn Xuân Lộc. sinh viên luật, sinh năm 1946
– Nguyễn Thanh Hải, sinh viên Văn Khoa, sinh năm 1949
– Lê Tuấn Văn, sinh viên Văn Khoa, bạn của anh Hải tôi.
Nguyễn thị Thái Hoà

No comments:

Post a Comment