Wednesday, February 21, 2018

Hố chôn tập thể, nghĩa trang 1400 tỉ và những đứa bé đói

Bình Luân

Nếu xét trên chính sách vĩ mô của nhà cầm quyền, ba khái niệm: Hố chôn tập thể; Nghĩa trang (Yên Trung) nghìn tỉ và Những đứa bé đói khổ, rét lạnh nơi miền núi không có gì liên quan với nhau. Bởi chính sách dành cho mỗi lĩnh vực, mỗi mảng đều riêng lẻ. Nhưng xét trên khía cạnh con người, tính nhân bản, nhân văn, nhân đạo và trách nhiệm của nhà cầm quyền, thì ba vấn đề này đều thuộc về lương tri. Sự cân đối, phân bổ hợp lý ở ba lĩnh vực, khía cạnh này sẽ cho thấy mức độ quan tâm, trách nhiệm và lương tri của nhà cầm quyền.
Ở đây, nghĩa trang Yên Trung có được xem là công trình xã hội hay không?
Bởi ngay trong lúc này, có quá nhiều vấn đề xã hội cần được quan tâm đúng mức và đầy đủ, nếu chưa thực hiện được các vấn đề như an ninh, chủ quyền quốc gia, an ninh xã hội, an sinh xã hội… thì tất cả những vấn đề khác nhà nước đều không được trích thuế của dân để thực hiện. Phải dành thuế của dân cho những vấn đề có tính thiết thực cho nhân dân.
Thử đặt những câu hỏi:
Có bao nhiêu đứa bé dân tộc thiểu số ở các tỉnh miền núi được đến trường, cơm đủ ngày ba bữa, có áo ấm để mặc?
Có bao nhiêu hố chôn tập thể gồm cả hai phía Việt Nam Cộng Hòa và Cộng sản Bắc Việt đã thành những hố lãng quên?
Và tất cả những cổng chào, tượng đài, nghĩa trang nghìn tỉ của nhà nước mang lại giá trị gì cho quốc gia, dân tộc?
Nếu cộng thêm các hố chôn tập thể mà quan chức, cán bộ miền Nam bị giết trong chiến tranh, đặc biệt là Tết Mậu Thân và những ngày trước 30 tháng 4 năm 1975, có lẽ con số lên đến cả hàng chục ngàn, hàng trăm ngàn xác người vẫn còn nằm lây lất, rải rác, vất vưởng đâu đó trong lòng đất mẹ.
Lẽ ra, trong nhiều năm nay, nhà cầm quyền, cụ thể là đảng Cộng sản phải có những hành động qui tập, hỗ trợ qui tập cho cả hai phía để thực hiện tinh thần “nghĩa tử là nghĩa tận” và cũng là động thái hòa giải dân tộc để đi đến hòa hợp dân tộc thay vì kêu gọi bằng những văn bản, lời nói suông. Nhưng họ đã không làm vậy!
Bây giờ, xương máu, sự đau khổ của nhân dân vẫn còn đầy rẫy mặt đất, đi đâu cũng gặp cảnh khổ, đi đâu cũng gặp những gia đình mất con, mất anh em chưa tìm thấy xác vì chiến tranh. Vậy mà người Cộng sản lại nghĩ đến chuyện lấy tiền thuế của nhân dân để xây khu nghĩa trang cho cán bộ cao cấp!
Nên nhớ, trong tiền ngân sách nhà nước, cụ thể là tiền thuế của dân, gồm cả sự đóng góp của cả hai phía, không có đồng thuế nào là không nhuốm mồ hôi, nước mắt của dân nghèo, của những bà mẹ liệt sĩ Cộng sản, của những bà mẹ quân nhân Việt Nam Cộng Hòa tử trận và cả những đồng đô-la của người Việt hải ngoại gửi về cho người thân trong nước.
Nói một cách nghiêm túc, ngân sách nhà nước có không dưới 40% là tiền có gốc gác của người “phía bên kia”. Dù có chối bỏ, léo hánh cách gì thì đây cũng là sự thật. Nhưng vấn đề tôi muốn nói ở đây không phải là tiền phía bên này hay bên kia trộn lẫn trong ngân sách nhà nước. Mà vấn đề là một đất nước đang bị tùng xẻo, cây xanh, môi trường, tài nguyên đang kiệt quệ, những khối bê tông cơ quan, nhà quan và tượng đài mọc lên ngày càng quá nhiều, nó hiện hữu như thách thức nỗi khốn cùng, đói khổ và đau khổ của nhân dân.
Trong lúc biển bị nhiễm độc vẫn chưa kịp lành lặn, tiếp tục bị đe dọa bởi Formosa, trong lúc miền Tây Nam bộ đang bị nhiễm mặn trầm trọng, nhân dân đói khổ, trong lúc trẻ em miền núi, nhân dân miền núi vẫn đói khổ, lạc hậu, trong lúc tài nguyên rừng và khoáng sản bị tùng xẻo không thương tiếc, trong lúc vết thương Nam – Bắc chưa kịp lành lặn, trong lúc nợ công cao chất ngất, người dân còng lưng đóng thuế vì nợ công, giá xăng tăng, điện tăng, vật giá leo thang, các bệnh viện không có chỗ nằm, bệnh nhân phải chui gầm giường, nằm hành lang mà chờ điều trị… thì nhà cầm quyền lại quyết định xây dựng thật nhiều tượng đài, cổng chào, ngốn hàng tỉ tỉ đồng, rồi lại nghĩ thêm chuyện xây khu nghĩa trang cao cấp cho cán bộ.
Liệu có khi nào giới cầm quyền suy nghĩ về những gì họ đã làm bấy lâu nay?
Liệu có khi nào họ đặt mình vào nhân dân nghèo khổ để thấy sự vô lý và trơ tráo của họ?
Và liệu có khi nào họ nghĩ đến một chân lý: Tượng đài xây được thì đập được, nghĩa trang xây được thì cào bằng được, cổng chào xây được thì hạ được… Bởi những thứ này không phải là sức mạnh, không phải là trường tồn. Bởi sức mạnh, sự trường tồn của một dân tộc nằm trong tay nhân dân.
Cụ thể, sức mạnh dân tộc nằm trong niềm tin, sự hưởng ứng, đồng thuận và cảm phục của nhân dân. Và sức mạnh của một đảng phái so với sức mạnh của một dân tộc cũng chỉ bằng một bụi cây trong một vườn cây. Liệu cách lựa chọn đạp qua mọi dư luận, đạp qua mọi sự bất bình, bất công để đạt sự thỏa mãn của một đảng phái, một nhóm lợi ích có phải là lựa chọn thông minh?
Và vấn đề cần đặt ra ở đây không phải là sự lựa chọn có thông minh hay không thông minh của đảng cầm quyền, mà là sự công bằng xã hội, sự sòng phẵng, tính minh bạch và tôn trọng nhân dân bắt buộc phải có của nhà lãnh đạo. Họ dù muốn hay không muốn cũng phải thực hiện nguyện vọng của nhân dân và không được phép đạp lên nỗi đau, nỗi khổ của nhân dân mà hưởng lộc! Bởi đất nước đã quá đủ đau khổ, nhân dân đã quá đủ lầm than và hơn bao giờ hết, nhân dân, đất nước cần phát triển, cần tiến bộ, cần tồn tại đúng nghĩa một dân tộc, một quốc gia!
VietTuSaigon

No comments:

Post a Comment