Saturday, May 6, 2017

Thượng tướng Trần Khát Chân

DanhNhânNướcViệt

Trần Khát Chân sinh năm 1370 tại Hà Lãng, huyện Vĩnh Ninh (nay thuộc tỉnh Thanh Hóa). Ông thuộc dòng dõi của Bảo Nghĩa Vương Trần Bình Trọng.
Năm 19 tuổi, đã được triều đình phong tướng cầm đầu đội quân Long Tiệp và được vua nhà Trần trao trọng trách làm Tổng chỉ huy quân đội đi đánh quân Chiêm Thành đang tràn sang cướp phá Đại Việt.
Thời Trần Khát Chân là thời suy vi của triều Trần. Những cuộc chiến tranh khốc liệt, triền miên với các lân bang, đặc biệt với Chiêm Thành, làm cho tiềm lực đất nước bị kiệt quệ. Các vua cuối đời Trần phần lớn đều bất tài và bị quyền thần lấn át, thậm chí còn bị bức tử.

Bấy giờ, Chiêm Thành đang thời hưng thịnh. Vua Chiêm Thành là Chế Bồng Nga nhiều phen đem quân ra cướp phá Đại Việt, đã thiêu rụi kinh thành Thăng Long, buộc vua tôi nhà Trần phải bỏ chạy. Tình thế rất thê thảm, triều đình đã sai hầu hết các tướng lãnh dốc toàn lực lượng chống trả, nhưng không chống nổi quân Chiêm Thành, các tướng đều thua trận.
Năm 1389, quân Chiêm do đích thân Chế Bồng Nga cầm đầu dẫn đại quân tiến sang biên giới. Thượng Hoàng nhà Trần là Trần Nghệ Tông sai Trần Khát Chân cầm quân đi đánh trả. Sử cũ chép rằng:
“Tháng 11 năm Kỷ Tỵ, Thượng Hoàng sai Trần Khát Chân chỉ huy quân Long Tiệp đi đánh giặc. Trần Khát Chân vâng mệnh, lạy tạ rồi ra đi, Thượng Hoàng cũng khóc, lau nước mắt tiễn đưa. Quân ta xuất phát từ sông Lô (tức sông Hồng), mới đến Hoàng Giang đã gặp giặc. Trần Khát Chân quan sát, thấy địa hình nơi đó khó lòng tổ chức đánh trả, bèn lui về giữ sông Hải Triều (tức sông Luộc).
Em trai của Linh Đức (Trần Phế Đế) là Trần Nguyên Diệu muốn báo thù cho Linh Đức (vì Linh Đức bị Hồ Quý Ly xúi giục Thượng Hoàng Trần Nghệ Tông bức tử), liền đem quân đi đầu hàng giặc Chiêm.
Bấy giờ, Chế Bồng Nga cùng với Trần Nguyên Diệu dẫn hơn 100 chiến thuyền đến dò xét cách bài binh bố trận của quân Việt. Chiến thuyền giặc chưa kịp ổn định hàng ngũ, thì có một quân lính của Chế Bồng Nga tên Ba Lậu Kê, chỉ điểm chiến thuyền của vua Chiêm. Trần Khát Chân hạ lệnh cho quân sĩ, nhất tề nhả đạn. Thuyền của Chế Bồng Nga bị nổ tung, Chế Bồng Nga trúng đạn mà chết. Trần Nguyên Diệu vội cắt lấy đầu của Chế Bồng Nga mang về với quân Việt mong được tha tội, nhưng tướng ở quân Long Tiệp là Phạm Nhữ Lặc và viên Đầu Ngũ tên Dương Ngang giết Trần Nguyên Diệu, bêu đầu của Chế Bồng Nga. Thấy thế, quân Chiêm liền bỏ chạy.
Trần Khát Chân sai viên Giám quân là Lê Khắc Khiêm, mang đầu Chế Bồng Nga về hành dinh của Thượng Hoàng ở Bình Than báo tin thắng trận. Thượng Hoàng Trần Nghệ Tông nói: “Ta với Chế Bồng Nga cầm cự nhau đã lâu, nhưng nay mới thấy mặt nhau. Việc này nào có khác gì chuyện Hán Cao Tổ thấy đầu Hạng Võ. Thiên hạ yên rồi”.
Chiến thắng của Trần Khát Chân đã khiến cho quân Chiêm Thành phải ngưng các cuộc tấn công vào Đại Việt.
Sau khi lập được công lớn, Trần Khát Chân được phong làm Long Tiệp Phụng Thần, Nội vệ Thượng tướng quân, tước Vũ Tiết Quan Nội Hầu.
Thời gian sau, thấy Hồ Quý Ly chuyên quyền, âm mưu cướp ngôi của họ Trần. Trần Khát Chân cùng nhiều tướng lãnh và quan lại lập mưu giết Hồ Quý Ly khi Hồ Quý Ly vào dự hội thề tại Đốn Sơn (Thanh Hóa). Nhưng vì sự chần chừ của Trần Khát Chân mà Hồ Quý Ly biết được mưu kế của bá quan văn võ. Và Hồ Quý Ly đã ra tay trước giết Trần Khát Chân cùng với 370 người, sau đó cướp ngôi của nhà Trần vào năm 1400. Trần Khát Chân chết vào năm 1399, mới vừa 29 tuổi.
Để nhớ công lao dẹp quân Chiêm Thành, người dân lập đền thờ ông ở làng Phương Nhai và vùng Kẻ Mơ. Tên ông được đặt cho một con đường và phố tại Hà Nội. Một trường trung học tại huyện Vĩnh Lộc mang tên ông. Đền thờ ông cũng được dân chúng dựng xây tại khu di tích thành nhà Hồ.
Trước những cơn nguy biến của nước Việt đều xuất hiện nhiều anh hùng như Nguyễn Trung Trực, Phạm Hồng Thái, Ngụy Văn Thà… gần đây trong cuộc đấu tranh chống bạo quyền Cộng sản VN có linh mục Nguyễn Văn Lý, tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ, nhạc sĩ Việt Khang, Trần Huỳnh Duy Thức, Đinh Nguyên Kha, luật sư Nguyễn Văn Đài và gần đây nhất là… Huỳnh Thành Phát, Trần Hoàng Phúc. Những việc làm cho đất nước của những anh hùng này sẽ được ghi vào trang sử Việt và tên tuổi họ sẽ sống mãi trong lòng dân tộc giống như đức Trần Bình Trọng và Trần Khát Chân thuở nào.
Hiện nay, bạo quyền Cộng sản Việt Nam đã chối bỏ tinh thần yêu nước này và đã “hèn với giặc, ác với dân”. Hèn vì dâng biển đảo cho Tàu Cộng và ác với dân vì nhẫn tâm đàn áp đẩm máu những người Việt yêu nước biểu tình bày tỏ lập trường chống ngoại xâm.
Trước khí thế đấu tranh của toàn dân hiện nay, một ngày gần đây chế độ Cộng sản sẽ bị sụp đổ như ở Đông Âu, toàn dân Việt sẽ đòi lại tất cả đất đai, biển đảo do tập đoàn Cộng sản VN dâng hiến cho Tàu Cộng./.
Việt Thái

No comments:

Post a Comment