Friday, May 5, 2017

Những Giọt Máu Uất Hận

ThiCaYêuNước

Thơ tưởng niệm Quốc Hận 30 tháng 4 qủa thật phong phú, với những vần điệu cay đắng não nề đến những vần điệu hùng hồn, quyết chiến và quyết thắng. Hòa vào những vần điệu đa dạng đó, chúng tôi cũng xin góp thêm một vài vần thơ để chia sẽ mối hận cùng toàn thể dân Việt, được quảng diễn như “Những giọt máu uất hận” với cảm thức “đem tâm tình viết lịch sử”,

Có thể nói, Quốc Hận 30 tháng 4 là một vết hằn trong lịch sử Việt tộc, một vết chém mãi còn tươi máu trong tâm hồn mỗi một con dân đất Việt và trên thi thể mẹ Việt Nam.
Trước hết, đó là những giọt máu tươi còn nhỏ trên đầu súng của những chiến sĩ Quân LựcViệt Nam Cộng Hòa. Họ đã xả thân bảo vệ nền tự do dân chủ và cuộc sống no ấm của miền Nam trong suốt 20 năm trời. Nhưng năm 75, họ đã phải chấp nhận thân phận kẻ chiến bại, buông súng đầu hàng theo lệnh cấp trên, khi tinh thần chiến đấu còn ngút ngàn với lời thề “quyết chiến thắng không hề chiến bại”
Giọt máu tươi còn nhỏ trên đầu súng
Anh buông tay khi đạn đã lên nòng
Mắt nghẹn ngào nhìn tự do rẫy chết
Thôi một kiếp lỗi hẹn với tang bồng
Người chiến sĩ cộng hòa nghẹn ngào nhìn tự do rẫy chết, lỗi hẹn với mộng tang bồng hồ thỉ, thì cấp chỉ huy của họ càng tủi hổ hơn, đau xót hơn trước cảnh nước mất nhà tan, đến nỗi phải tuẫn tiết để bảo toàn danh dự. Hôm nay, những giọt máu trong tim óc các vị anh hùng này còn nhỏ xuống thấm ướt những trang sử đen:
Giọt máu tươi còn đọng trong tim óc
Người anh hùng tuẫn tiết lệ tuôn dòng
Tay ghì siết bóng quê hương lần cuối
Hận mất nước tím đen máu Lạc Hồng
Họ là ai? Là ngũ tướng Nam-Hưng-Hai-Phú-Vỹ, cùng với những vị chỉ huy anh hùng như Hồ Ngọc Cẩn, Nguyễn Văn Long và bao sĩ quan ưu tú, bao nguời lính vô danh, đã tự kết liễu đời mình, mắt mở trừng nhìn quê hương lần cuối. Họ tự kết liễu đời mình vì uất hận trước cái chết vô lý của miền Nam, thành trì tự do dân chủ.
Tự do rẫy chết. Cánh cửa dân chủ khép lại. Dân Việt đành phải lìa bỏ lại quê hương ra đi, xa rời nơi chôn nhau cắt rốn, mồ mả tổ tiên. Họ lao vào biển cả để tìm tự do, với hy vọng chỉ mành, một phần cái sống trong 99 phần cái chết! Nào là biển sóng, nào là gió bão, nào là đói khát! Hãy nhìn hình ảnh người mẹ Việt Nam, trên thuyền vượt biển, đã lấy máu thay sữa nhỏ vào miệng con thơ, với hy vọng con mình sẽ sống, sẽ cặp bến tự do. Nhưng rồi cả mẹ lẫn con cùng chết tức tưởi trong hận thù cộng sản bất nhân. Đến nay, máu còn nhỏ xuống mạn thuyền, nức nở trên những mảnh ván trôi giạt!
Giọt máu tươi còn thấm trên tay mẹ
Nhỏ xuống môi con thay sữa cạn khô
Hồn tức tưởi xác trôi lòng biển cả
Dòng suối thương còn ướt mãi khăn sô
Bi đát nhất là nạn hải tặc. Người vượt biển là những miếng mồi ngon của bọn thảo khấu cuồng dâm, chuyên môn hãm hiếp, cướp của giết người! Bên cạnh những xác chết của mẹ yêu mất máu và con thơ khát sữa, còn có những cô gái tuổi thanh xuân cũng chết dở sống dở khi thân xác nhũn mềm trong tay hải tặc chỉ biết thỏa mãn thú tính man rợ. Hôm nay những giọt máu oan khiên còn thấm ướt linh hồn người trinh nữ xấu số:
Giọt máu tươi trên môi em mặn chát
Hận đời hận người dã thú cuồng dâm
Thân nhũn mềm xa linh hồn rướm máu
Tình mẹ tình cha ngọt lịm môi thâm
Người ra đi chết trên biển cả, người ở lại cũng chết trong ngục tù. Những trại tù dị sử đã được cộng sản dựng lên để hủy diệt tinh hoa miền Nam, sĩ quan, công chức, cán bộ, đã đem hết tâm huyết bảo vệ tự do, dân chủ. Đã 42 n ăm, nay máu vẫn còn đọng trên những thân xác tù nhân khô héo, vùi lấp giữa chốn rừng hoang:
Giọt máu tươi trên vai gầy buốt nhức
Bao tinh hoa vùi giập chốn lao tù
Xác rã rời níu hồn anh sắt thép
Lấy máu xương nguyện nuôi chí phục thù
Không phải chỉ có những trại tù lao động khổ sai khắp miền rừng núi, mà toàn cõi Việt Nam cũng là nhà tù lớn, nhốt toàn dân Việt trong nghèo đói khốn cùng, mất tự do dân chủ và nhân quyền nhân phẩm. Đó chính là sự đọa đày trên chính quê hương mình!
Hẳn nhiên, thuyền nhân bỏ nước ra đi, lao vào biển cả, chỉ vì muốn chạy thoát nhà tù cộng sản. Một số người may mắn đến được bến bờ tự do, nhưng bao người đã bị vùi lấp dưới lòng biển cả!. Tại vùng đất tự do, người Việt tị nạn lại cảm thấy gót chân nhỏ máu với những tủi nhục mất nước, với niềm đau của thân phận lưu vong lạc loài nơi đất khách quê người.
Giọt máu tươi bám gót chân lạc mẹ
Đất khách quê người chim nhỏ lạc đàn
Hận lưu vong mãi còn nguyên vết chém.
Hẹn ngày về xây đắp mộng da vàng
Giấc mộng da vàng còn đó. Tiếng gọi non sông còn vang vọng như thể tiếng quốc kêu suốt canh trường “Năm canh máu chảy đêm hè vắng, sáu khắc hồn tan bóng nguyệt mờ” của Nguyễn Khuyến, như Hịch Tướng Sĩ củaTrần Hưng Đạo xoáy vào tim óc người Việt tha hương, thúc đẩy người đi tìm đường về cứu nguy Tổ Quốc:
Giọt máu tươi thắm ngọn cờ dân chủ
Hồn dân Nam cao ngất nghễu Trường Sơn
Hịch Tướng Sĩ còn vang lời sát thát
Siết tay nhau thề trút sạch căm hờn
Trải bao oan khiên, dân Việt vẫn kiên cường, nuôi chí quang phục qu ê hương, hy vọng một ngày về vinh quang, một ngày mai tươi sáng, khi máu nở thành hoa, khi nước Đông Hải rửa sạch vết thù, khi trúc Nam Sơn ghi hết tội bọn con hoang bất hiếu với cha mẹ, bọn Việt gian phản bội tổ tiên:
Giọt máu tươi tô hồng nước Đông Hải
Hòa nét mực tím ngàn trúc Nam Sơn
Máu thành hoa nở trong mùa đại loạn
Biển dậy sóng sử mướt xanh cội nguồn
Máu dân Việt đã chảy lênh láng. Nhưng khi máu nở thành hoa, thì dòng sinh mệnh dân Việt lại tuôn tràn sức sống với sữa ngọt Âu Cơ. Ngày ấy đã gần kề…
NQS, MN và HS tạm biệt quí thinh giả, xin gặp lại trong TCYN lấn tới.
Ngô Quốc Sĩ

No comments:

Post a Comment