Monday, May 1, 2017

Cuộc đấu tranh Đồng Tâm, kinh nghiệm cho những cuộc cách mạng từ phía dưới

ĐấtNướcĐứngLên

Đồng Tâm đã tạm yên bình, nó để lại nhiều kinh nghiệm quý giá cần được phân tích kỹ lưỡng.
Xã Đồng Tâm thuộc huyện Mỹ Đức, nằm cách Hà Nội 40 km về phía Tây, thuộc địa bàn tỉnh Hà Tây cũ nay đã sát nhập về Hà Nội. Xã có quy mô khá lớn với hơn 8000 dân, chia làm hai thôn (Thôn Hoành và Thôn Đồng Mít). Quy mô của người dân địa phương tham gia xung đột không lớn khi chỉ dưới 1 vạn người và thấp xa sự kiện Thái Bình những năm 1990, tuy nhiên nó lại đạt được những dấu mốc có tính lịch sử và cần được tìm hiểu kỹ. Có 5 yếu tố cốt lõi đã dẫn tới sự thắng lợi tạm thời của người Đồng Tâm:

1. Có tổ chức: Cuộc đối đầu giữa người Đồng Tâm và lực lượng công an diễn ra một cách bộc phát khi họ hoàn toàn không ngờ tới việc nhóm người đứng đầu (gồm cụ Lê Đình Kình) đã bị lừa dụ ra đồng Sênh và bị bắt. Tuy nhiên người dân địa phương rõ ràng đã tự tổ chức rất tốt được phong trào của mình. Ngay cả khi người đứng đầu là ông Lê Đình Kình bị bắt và sau đó bị giam lỏng tại bệnh viện với chấn thương gãy xương đùi thì người dân địa phương vẫn duy trì được sự phản kháng. Họ phản ứng với số lượng đông và rất kịp thời đối với các vụ bắt bớ. Có thể thấy điều đó khi họ đã bao vây và bắt giữ 38 nhân viên công quyền, trong đó có một trung đội cảnh sát cơ động với đầy đủ trang bị trấn áp. Từ clip ghi lại quá trình người dân địa phương bao vây bắt giữ nhóm cảnh sát cơ động, cho thấy họ có số lượng đông áp đảo và vây bắt rất kịp thời, khi trung đội cảnh sát này còn đang ở nguyên trên xe thùng.
Điều đó cho thấy dân địa phương đã phản ứng rất nhanh và điều đó chỉ có khi có sự tổ chức rất đoàn kết và hiệu quả. Điều đó càng nổi bật hơn khi trong suốt khoảng thời gian cao điểm từ 15/04 – 22/04, người địa phương đã kiểm soát rất gắt gao sự “phòng thủ” tại địa phương, gồm việc canh giữ số công an bị bắt và việc dựng chướng ngại vật kiểm soát sự xâm nhập từ bên ngoài. Chính sự có tổ chức này đã dẫn tới việc chính quyền phải lựa chọn giải pháp thoả hiệp thay vì trấn áp. Bài học xương máu rút ra trong sự kiện này: Nếu có tổ chức và đoàn kết, dù số lượng không quá đông ( dưới 1 vạn người) nhưng người dân vẫn có thể đạt được mục đích đấu tranh và buộc chính quyền thỏa hiệp. Sự có tổ chức của Đồng Tâm là mang tính điển hình và có thể nhân rộng cho mọi cuộc đấu tranh địa phương trên toàn bộ lãnh thổ Việt Nam, khi sự gắn kết của người dân ở cấp độ làng xã có sức đề kháng rất lớn đối với mọi sự thâm nhập từ bên ngoài.
2. Kiểm soát xung đột: Rõ ràng nhờ yếu tố có tổ chức mà người dân Đồng Tâm đã kiểm soát được mức độ xung đột khi đối đầu với chính quyền. Từ những clip được ghi lại và phổ biến trên mạng xã hội, người địa phương đã chống trả lực lượng an ninh bằng một mức độ đủ để đẩy lùi lực lượng trấn áp mà không gây bạo lực nghiêm trọng: Họ dùng gạch đá tấn công và chủ yếu gây áp đảo bằng số đông, thay vì những vũ khí sát thương cao có thể dẫn tới xung đột đẫm máu. Việc họ vây bắt trung đội cảnh sát cơ động cũng diễn ra với sức ép áp đảo từ đám đông chứ không phải bằng hung khí. Trung đội cảnh sát cơ động thực tế đã bị lôi xuống từ xe chở quân bởi những người dân tay không và đám đông áp đảo xung quanh. Trong mọi tình huống, mức độ bạo lực đã được người dân địa phương kiểm soát tối đa. Có thể nói đây là một cuộc biểu tình tập thể bằng gạch đá và sự đoàn kết, thay vì một cuộc đối đầu bạo lực thực sự. Việc kiểm soát mức độ bạo lực ở phạm vi thấp là một trong những lý do chính yếu dẫn tới sự thỏa hiệp giữa chính quyền và người dân, thay vì sự đối đầu đẫm máu.
3. Truyền thông: Một yếu tố quan trọng dẫn tới thắng lợi của người Đồng Tâm, là họ đã rất thành công giữ cho mình không bị cô lập. Người Đồng Tâm rõ ràng đã tận dụng rất thành công Internet và mạng xã hội trong việc lan truyền thông tin về những gì đã diễn ra. Những clip về phát biểu của ông Lê Đình Kình về nguồn gốc đất đai ở địa phương, các thông tin được chia sẻ trên mạng về việc bắt giữ lực lượng công an, thậm chí cả vụ biểu tình tập thể bằng gạch đá được ghi hình và chia xẻ, tất cả đều phản ảnh đúng thực trạng diễn ra và khiến dư luận nắm rõ thực trạng vấn đề. Mặt khác, dù kiểm soát gắt gao người lạ đến địa phương trong thời gian xung đột nhưng người Đồng Tâm lại mở cửa với các nhà báo và luật sư, dù rất cảnh giác và giám sát những người này chặt chẽ. Chính vì thế mà dù sóng điện thoại bị cắt và người dân địa phương dù rào làng kháng chiến nhưng họ không hề bị cô lập.
4. Cảnh giác: Đây là một yếu tố rất quan trọng khiến người Đồng Tâm giữ được lực lượng và không tan rã sau khi người đứng đầu bị bắt giữ. Trong suốt thời gian xung đột, người Đồng Tâm không rời địa phương và rào làng kháng chiến. Họ cắt cử người canh gác số cảnh sát và nhân viên công quyền bị bắt giữ với nhiều lớp giám sát (ít nhất 3 vòng giám sát) và giám sát rất chặt những người lạ thâm nhập địa phương. Họ lật đổ hoàn toàn chính quyền cấp xã và số cán bộ địa phương hầu hết đều bỏ trốn. Ngay cả với số người bị công an bắt ngày 15/04 và được thả về cũng bị người địa phương giám sát vì sợ số này có thể bị chính quyền mua chuộc hoặc bắt cộng tác làm nội gián. Đặc biệt, việc chủ tịch TP Hà Nội thất bại trong việc mời đại diện dân Đồng Tâm tới làm việc tại một địa điểm ngoài xã Đồng Tâm cũng cho thấy tính cảnh giác rất cao của người địa phương. Cuối cùng, ông Nguyễn Đức Chung đã buộc phải đến làm việc với người dân ngay tại trung tâm của thôn Hoành, giữa vòng vây đông nghịt của người địa phương. Ngay cả số lượng cán bộ, thực ra là nhân viên an ninh tháp tùng ông Chung cũng buộc phải điều chỉnh theo yêu cầu của người dân. Theo phương án ban đầu, ông Chung đề nghị cho 300 người theo hộ tống. Phương án bị bác bỏ, chính quyền hạ đề nghị xuống 100 người nhưng người dân địa phương vẫn không đồng ý. Cuối cùng chỉ có 50 người được cho phép tháp tùng ông Chung, khiến người dân giữ được quyền chủ động trong mọi tình huống. Có lẽ mảnh giấy viết tay của ông Chung và các cam kết mang tính thắng lợi lịch sử của người Đồng Tâm có nguyên nhân không nhỏ từ sự cảnh giác cao độ của người dân và sức ép từ chênh lệch giữa 8000 dân với 50 nhân viên an ninh tháp tùng vị cựu tướng công an ở trung tâm làng kháng chiến.
5. Luôn kêu gọi đối thoại: Dù rào làng kháng chiến và lật đổ chính quyền địa phương nhưng thông điệp xuyên suốt của người Đồng Tâm là đối thoại. Họ căng biểu ngữ và khẩu hiệu tuyên truyền rõ rằng không chống chính quyền nhưng yêu cầu vụ việc được làm rõ và đề nghị chính quyền cấp cao tham gia giải quyết. Dù bắt giữ nhưng người Đồng Tâm đối xử rất tốt với số cảnh sát cơ động bị giam, cho ăn uống và đối xử tử tế, thay vì bạo lực đánh đập. Khi đàm phán về đoàn tháp tùng ông Nguyễn Đức Chung, đại diện người địa phương thậm chí nhiều lần cam kết dân địa phương sẽ bảo đảm an toàn tuyệt đối cho vị quan chức này khi tới Đồng Tâm. Khẩu hiệu kêu gọi đối thoại xuyên suốt này là một trong những yếu tố quan trọng dẫn tới việc cuối cùng chính quyền đã lựa chọn giải pháp thỏa hiệp thay vì đàn áp.
Năm yếu tố trên là những kinh nghiệm hết sức quý báu.
Sự kiện Đồng Tâm khép lại với thắng lợi mang tính “tạm thời” của người dân, vì mọi vấn đề mới chỉ dừng ở “cam kết” của chính quyền.
Đồng Tâm không đơn lẻ, có quá nhiều vấn đề tương tự và các bất đồng lớn đang tồn tại khắp đất nước Việt Nam. Nếu có hàng trăm hoặc hàng nghìn Đồng Tâm ở khắp các địa phương, rõ ràng đất nước này sẽ khác.
Minh Tử

No comments:

Post a Comment