Friday, April 18, 2025

“KỶ NGUYÊN VƯƠN MÌNH”: CÁI BÁNH VẼ MỚI CỦA ĐẢNG CSVN

Quan Điểm

Các cơ quan tuyên truyền của Đảng CSVN đang ngày đêm ra rả hô hào khẩu hiệu “Kỷ Nguyên Vươn Mình Của Dân Tộc”.

Mời quý thính giả theo dõi bài Quan điểm của Lực Lượng Cứu Quốc về sự kiện này, tựa đề “KỶ NGUYÊN VƯƠN MÌNH: CÁI BÁNH VẼ MỚI CỦA ĐẢNG CSVN”, sẽ do HẢI NGUYÊN trình bày sau đây

Tổng bí thư Tô Lâm, từ ngày nhậm chức Chủ tịch nước vào tháng 3 năm 2024, đã nhiều lần phát biểu về một điều mà ông gọi là “kỷ nguyên vươn mình của dân tộc”. Cụm từ này thoạt nghe có vẻ trang trọng và đầy hấp dẫn, nhưng khi nhìn vào hiện trạng đất nước một cách tỉnh táo và khách quan, không khó để nhận ra đây chỉ là một khẩu hiệu chính trị mơ hồ, không phản ánh đúng thực tế, và hoàn toàn không có cơ sở để trở thành một tầm nhìn đáng tin cậy.

Một dân tộc chỉ thật sự “vươn mình” khi có quyền tự quyết về vận mệnh của mình. Khi người dân được sống trong một môi trường tôn trọng tự do ngôn luận, được tiếp cận thông tin đa chiều, được tham gia vào tiến trình chính trị một cách bình đẳng và có hiệu quả, đó mới là dấu hiệu của một quốc gia đang vươn lên. Ngược lại, trong một thể chế mà quyền lực tập trung tuyệt đối vào tay một đảng duy nhất, không có bầu cử tự do, báo chí bị kiểm soát chặt chẽ, và mọi ý kiến phản biện đều có nguy cơ bị quy kết là “chống phá”, thì khái niệm “vươn mình” chỉ còn là vỏ rỗng. Việt Nam hiện tại vẫn đang ở trong tình trạng đó, bất chấp những tuyên bố lạc quan từ giới lãnh đạo.

Nếu “vươn mình” được hiểu theo nghĩa phát triển kinh tế, thì cũng cần đặt câu hỏi: ai là người được hưởng thành quả từ sự phát triển đó? Nhiều chỉ số cho thấy khoảng cách giàu nghèo ở Việt Nam đang ngày càng gia tăng. Một tầng lớp thiểu số có đặc quyền chính trị và quan hệ thân hữu đang ngày một giàu có, trong khi đa số người dân lao động vẫn vật lộn với chi phí sinh hoạt, y tế, giáo dục, và nhà ở. Những vụ án tham nhũng với quy mô khổng lồ trong những năm gần đây không chỉ làm thất thoát tài sản quốc gia mà còn phơi bày rõ sự lũng đoạn của một hệ thống mà lợi ích nhóm và quyền lực không được kiểm soát là hai yếu tố thống trị. Một nền kinh tế không gắn với công bằng xã hội không thể là nền tảng cho một “kỷ nguyên vươn mình” chân chính.

Sự mỉa mai càng trở nên rõ rệt hơn khi xem xét người đưa ra tuyên bố này chính là ông Tô Lâm — một nhân vật gắn liền với bộ máy công an, nổi tiếng về việc siết chặt tự do ngôn luận, theo dõi và bắt giữ những tiếng nói độc lập. Việc ông từng trực tiếp đứng đầu lực lượng công an trong các chiến dịch đàn áp những người bất đồng chính kiến đã để lại hình ảnh tiêu cực sâu đậm trong nhận thức của dư luận trong và ngoài nước. Cũng chính ông là người bị chỉ trích nặng nề vì đã há to miệng ngoạm những miến thịt bò dát vàng trong khi người dân chịu cảnh đói nghèo giữa đại dịch. Hình ảnh đó không thể là biểu tượng cho một dân tộc vươn mình, mà chỉ cho thấy sự tách rời giữa giới cầm quyền và người dân.

Tuyên bố về một “vận hội lớn chưa từng có” được lặp lại nhiều lần, nhưng vận hội nào, và dành cho ai, khi bộ máy quyền lực vẫn khép kín, không có sự thay đổi về cơ cấu kiểm soát và phân chia quyền lực, không có một nền tư pháp độc lập? Trong khi thế giới đang bước vào kỷ nguyên của minh bạch hóa, đổi mới công nghệ, dân chủ hóa thông tin và “chuyển đổi xanh” tức triệt để bảo vệ môi trương cùng thích ứng với biến đổi khí hậu, thì Việt Nam vẫn bị cản trở bởi cơ chế tập trung quyền lực, nặng tính đối phó, thiếu tầm nhìn chiến lược mang tính cải cách căn bản. Những vận hội, nếu có, đang bị bỏ lỡ chính bởi những người cầm quyền hiện nay.

Một quốc gia không thể vươn mình khi lòng tin vào công lý và đạo đức công quyền ngày càng xói mòn. Những vụ việc như Việt Á, Vạn Thịnh Phát, hay các đại án kinh tế khác không chỉ gây thiệt hại vật chất mà còn khiến người dân mất niềm tin vào hệ thống. Khi các nhóm lợi ích và tầng lớp đặc quyền thao túng chính sách, trục lợi từ tài sản công, thì khái niệm “phát triển” trở thành một sự mỉa mai cay đắng. Cái gọi là “kỷ nguyên” ấy nếu có, chỉ là kỷ nguyên của những người đang được lợi từ cơ chế hiện hành, chứ không phải của toàn thể dân tộc.

Sự nguy hiểm lớn nhất không nằm ở một khẩu hiệu sai lầm, mà nằm ở việc biến khẩu hiệu đó thành bình phong để trì hoãn cải cách, duy trì hiện trạng, và che đậy thất bại. Khi một chính thể thiếu khả năng tự điều chỉnh, họ sẽ thường xuyên viện đến ngôn từ hoa mỹ để tạo ảo tưởng về sự chuyển động. Nhưng người dân ngày nay không còn là những đối tượng dễ bị dẫn dắt. Sự tỉnh táo, khả năng tiếp cận thông tin và nhu cầu thay đổi của họ đang vượt xa sự tưởng tượng của những người vẫn tin vào quyền lực tuyệt đối.

Một dân tộc chỉ thật sự vươn mình khi con người trong xã hội đó được giải phóng khỏi sợ hãi, được khuyến khích nói thật, làm thật và sống thật. Điều đó không thể đạt được bằng những bài diễn văn hoa mỹ hay khẩu hiệu tuyên truyền, mà chỉ có thể bắt đầu bằng việc cải tổ thực chất hệ thống chính trị, bảo đảm quyền con người, và đặt quyền lực vào đúng vị trí: phục vụ người dân.

Vì vậy, thực tế cho thấy câu khẩu hiệu “kỷ nguyên vươn mình của dân tộc” chỉ là chiếc bánh vẽ mà đảng CSVN đưa ra để xoa dịu cơn đói “tự do – dân chủ - cương thịnh” của dân chúng./.

 

No comments:

Post a Comment