Dưới góc nhìn của các kinh tế gia, vấn đề không nằm ở việc ai thắng ai thua cuộc chiến thương mại theo cách truyền thống, mà là ở tác động hệ thống lâu dài và việc định hình lại trật tự thương mại toàn cầu. Tuy nhiên, câu hỏi ví von “Trong Trần Ai, Ai Dễ Thắng Ai?” vẫn là điều đáng được quan tâm. Mời quý thính giả nghe phần bình luận của tác giả Giao Phương Trần, thành viên Ban Biên Tập đài ĐLSN với tựa đề: “Cuộc Chiến Thương Mại Mỹ - Trung: Trong Trần Ai, Ai Dễ Thắng Ai?”qua sự trình bày của Miên Dương để tiếp nối chương trình phát thanh tối hôm nay.
Giao Phương Trần
Về bản chất, cuộc chiến thương mại không chỉ liên quan đến việc thâm thủng mậu dịch hay hành vi trộm cắp sở hữu trí tuệ. Nó phản ánh một cuộc cạnh tranh quyết liệt hơn về quyền lực công nghệ, vị thế kinh tế và ảnh hưởng toàn cầu. Hoa Kỳ – nền kinh tế lớn nhất thế giới và là kiến trúc sư của hệ thống thương mại tự do sau Thế chiến II – đang cố gắng duy trì vị trí thống trị của mình. Trong khi đó, Trung Quốc – với chính sách công nghiệp do nhà nước chỉ huy và tăng trưởng nhanh chóng – đang tìm cách vươn lên thành siêu cường toàn diện.
Các kinh tế gia quốc tế từ lâu đã cảnh báo rằng chiến tranh thương mại thường dẫn đến hậu quả “cùng thua”. Thuế quan sẽ ảnh hưởng đến hiệu quả thị trường, tăng chi phí tiêu dùng và giảm sản lượng kinh tế. Nhưng khi hai siêu cường đối đầu nhau, phép toán không còn chỉ là kinh tế – mà còn là địa chính trị.
Ngay lập tức, chiến tranh thương mại sẽ dẫn đến suy giảm thương mại song phương Mỹ - Trung, làm gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu và tăng chi phí sản xuất. Các mức thuế mới của Mỹ sẽ khiến người tiêu dùng ở Hoa Kỳ tốn thêm khoảng 57 tỷ USD mỗi năm. Các nông dân Mỹ – đặc biệt là người trồng đậu nành – chịu thiệt hại nặng nề do các đòn thuế trả đũa từ Trung Quốc, buộc chính phủ Mỹ phải trợ cấp hàng tỷ đô la.
Trung Quốc cũng không tránh khỏi ảnh hưởngtiêu cực. Xuất khẩu sang Mỹ giảm mạnh trong một số lĩnh vực như điện tử và máy móc, khiến sản xuất công nghiệp sụt giảm. Tuy nhiên, Bắc Kinh đã phản ứng bằng cách tăng chi tiêu công, giảm thuế, cũng như cắt giảm lãi suấtđể giảm nhẹ thiệt hại, đồng thời thúc đẩy thương mại với châu Âu, Đông Nam Á và châu Phi.
Theo lý thuyết “lợi thế so sánh”, một lý thuyết nền tảng của nền kinh tế thị trường tự do, thì ngay cả khi một quốc gia có thể sản xuất tất cả các loại hàng hóa hiệu quả hơn các cuốc gia khác –tức là có lợi thế tuyệt đối, thì việc chuyên môn hóa vào sản phẩm mà họ có lợi thế so sánh –tức là chi phí cơ hội thấp hơn- và trao đổi với các nước khác sẽ giúp tất cả các bên cùng có lợi.
Vì vậy, cuộc chiến “thuế quan” Mỹ-Trung đã đi ngược với lý thuyết căn bản kể trên. Việc chuyển hướng chuỗi cung ứng để né thuế dẫn đến chi phí sản xuất cao hơn và phức tạp hơn – làm giảm hiệu quả phân bổ nguồn lực toàn cầu.
Phía sau các đòn thuế quan là một cuộc chiến quan trọng hơn – cuộc chiến công nghệ. Mỹ đã đưa hàng loạt công ty công nghệ lớn của Trung Quốc như Huawei, ZTE vào danh sách đen, cấm xuất khẩu chip bán dẫn tiên tiến và kêu gọi đồng minh không sử dụng hạ tầng 5G của Trung Quốc. Trung Quốc đáp lại bằng chiến lược được gọi là “lưu thông kép” – một mặt, giảm phụ thuộc vào công nghệ nước ngoài, mặt khác đẩy mạnh đổi mới trong nước.
Các
kinh tế gia chuyên về đổi mới cảnh báo rằng việc “tách rời công nghệ” này sẽ có
tác hạilớn trong dài hạn. Hoa Kỳ
có nguy cơ mất thị trường tiêu dùng khổng lồ cho sản phẩm công nghệ, trong khi
Trung Quốc gặp khó khăn trong việc tiếp cận công nghệ lõi để phát triển các
lĩnh vực như AI, robot và sinh học.
Một yếu tố then chốt để đánh giá “chiến thắng” là việc mỗi bên huy động được sự ủng hộ từ các đồng minh. Hoa Kỳ đã khởi xướng các sáng kiến như Khung Kinh Tế Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (IPEF), đồng thời phối hợp với EU và G7 để đối phó với các hành vi kinh tế của Trung Quốc. Trong khi đó, Trung Quốc mở rộng sáng kiến Vành Đai Và Con Đường, và tham gia các hiệp định như RCEP – không có sự góp mặt của Hoa Kỳ.
Dưới góc nhìn của các kinh tế gia, sự phân cực này có nguy cơ dẫn đến sự tan rã của hệ thống thương mại toàn cầu, vốn được xây dựng trên nền tảng đa phương. Việc hình thành các khối thương mại đối đầu nhau sẽ làm giảm hiệu quả toàn cầu và khiến các quốc gia đang phát triển phải chọn phe.
Tuy nhiên, một số quốc gia – đặc biệt là ở Đông Nam Á – đang hưởng lợi từ sự dịch chuyển sản xuất ra khỏi Trung Quốc. Nếu “chiến thắng” được định nghĩa là khả năng thích nghi, duy trì ổn định và định hình tương lai thương mại toàn cầu, thì cả Mỹ và Trung Quốc đều có điểm mạnh và điểm yếu.
Hoa Kỳ sở hữu những lợi thế vượt trội: đồng Mỹ kim là đồng tiền dự trữ quốc tế, thị trường tài chính sâu rộng, hệ thống đại học hàng đầu, và vị trí thống trị trong các chuỗi cung ứng công nghệ cao. Tuy nhiên, sự phân cực trong chính trị nội bộ, cùng với chủ trương hướng nộicó thể làm suy yếu vai trò toàn cầu của Mỹ.
Trung Quốc, dưới sự cai trị độc tôn của đảng Cộng Sản nên có một hệ thống chính trị ổn định, khả năng huy động nguồn lực nhanh chóng, và thị trường nội địa khổng lồ. Nhưng nước này cũng phải đối mặt với nhiều thách thức: dân sốlãohóa, rủi ro nợ xấu, kiểm soát quá mức khu vực tư nhân, và phản ứng tiêu cực từ cộng đồng quốc tế về mô hình phát triển bị cưỡng chế, áp đặt.
Tóm lại, cho đến nay, cuộc đối đầu Mỹ-Trung về thuế quan lẫn địa chính trị vẫn còn quá sớm để biết nước nào sẽ là “bên thắng cuộc”. Tuy nhiên, quá khứ đã cho thấy, tranh chấp về thương mại và ảnh hưởng chính trị không chỉ dừng ở đó mà còn dễ dàng dẫn đến chiến tranh. Đây rõ ràng là một hiểm họa cho toàn thể nhân loại.
No comments:
Post a Comment