Thursday, April 24, 2025

CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH: LIỆU CÓ PHẢI MỘT CHIẾC BÁNH VẼ NỮA CHO NGƯỜI DÂN?

Bình Luận

Thưa quý thính giả, tất cả người dân không còn xa lạ gì với những tuyên bố, những khẩu hiệu vô cùng tốt đẹp của bọn chóp bu lãnh đạo đất nước. Quá khứ đã cho thấy tất cả những khẩu hiệu này hoàn toàn mang tính cách tuyên truyền chớ chưa bao giờ làm được lợi ích gì cho đất nước. Trong phần bình luận hôm nay, mời quý thính giả theo dõi bài viết của tác giả Thành Sơn, thành viên ban biên tập đài DLSN, với tựa đề “CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH: LIỆU CÓ PHẢI MỘT CHIẾC BÁNH VẼ NỮA CHO NGƯỜI DÂN?”, sẽ do Miên Dương trình bày sau đây

Thành Sơn

Mỗi đời Tổng Bí thư ĐCSVN đều cần đưa ra một khẩu hiệu để hệ thống tuyên truyền có thể tung hô và vẽ nên bức tranh tươi sáng cho nhân dân. Từ giữa năm 2024, khi Tô Lâm lên nắm quyền, ông đã khởi xướng cái gọi là “cuộc cách mạng về thủ tục hành chính và tinh giản bộ máy”. Luận điệu tuyên truyền của Đảng là: “Cải cách thủ tục hành chính là ưu tiên quốc gia nhằm nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, cải thiện môi trường kinh doanh và tạo thuận lợi cho người dân.” 

Có thể nói, cho đến thời điểm này, những phát biểu của ông Lâm tỏ ra mạnh miệng hơn các đời Tổng Bí thư trước. Nhiều nhà quan sát thời sự và kể cả người viết, đều chỉ ra được những dấu hiệu cho thấy ông Lâm chỉ hô hào miệng, không thực tâm muốn cải cách. Tuy nhiên, đặt giả thiết ông này muốn cải cách thật, điều đó cũng khó lòng thực hiện bởi một số nguyên nhân dễ nhìn thấy nhất, khái quát qua vài tiểu để mục dưới đây.

1. Sự thiếu đồng bộ trong hệ thống pháp luật và thể chế 

Một trong những nguyên nhân chính khiến cải cách thủ tục hành chính có nguy cơ thất bại là sự thiếu đồng bộ và thống nhất trong hệ thống pháp luật. Các quy định pháp lý thường chồng chéo, mâu thuẫn hoặc không rõ ràng, gây khó khăn cho cả cơ quan thực thi lẫn người dân, doanh nghiệp. 

Ví dụ nhỏ, chỉ riêng thủ tục đăng ký xe cơ giới, việc “cà” số khung số máy để nhập bản khai hồ sơ phương tiện có nơi yêu cầu một bộ, có nơi đòi hỏi hai bộ. Sự không thống nhất này khiến người dân gặp khó khăn và phí thời gian.

2. Yếu tố con người và văn hóa hành chính lạc hậu 

Con người là yếu tố quyết định sự thành bại của bất kỳ cuộc cải cách nào. Tuy nhiên, tại Việt Nam, năng lực cán bộ hành chính vẫn là một thách thức lớn. Nhiều công chức thiếu chuyên môn, thái độ phục vụ chưa chuyên nghiệp và mang tư duy “ban ơn” khi giải quyết thủ tục cho người dân. 

Hiện tượng nhũng nhiễu, vòi vĩnh, vẫn phổ biến, làm giảm niềm tin của người dân vào hệ thống hành chính. Một người dân từng chia sẻ: “Những hứa hẹn, những khẩu hiệu nghe thật đẹp, báo chí, truyền hình viết thật hay, nhưng thực tế khi ra phường làm thủ tục, chỉ muốn đập bàn vì sự kém cỏi và thái độ bề trên của bọn cán bộ”.

3.Ứng dụng công nghệ chưa hiệu quả 

Chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin được xem là chìa khóa để đơn giản hóa thủ tục hành chính. Tuy nhiên, thực tế cho thấy việc triển khai các cổng dịch vụ công trực tuyến vẫn ì ạch. 

Hệ thống công nghệ thông tin thường xuyên gặp lỗi, thiếu ổn định hoặc không thân thiện với người dùng. Ví dụ, thủ tục đăng ký tạm trú qua cổng thông tin điện tử vẫn yêu cầu người dân ra phường làm tờ khai CT01, sau đó lại bị bỏ đi. Sự bất cập này khiến người dân mất niềm tin vào cải cách. Trình độ công nghệ ở nông thôn và thành phố là rất khác. Nhưng cán bộ lại đòi hỏi nông dân phải giỏi đánh máy, phải biết dùng các ứng dụng trên máy tính và điện thoại thông minh, những thứ vốn xa lạ với họ.

4. Thiếu sự tham gia và giám sát của người dân

Một nguyên nhân quan trọng khác là sự thiếu tham gia của người dân và doanh nghiệp trong quá trình cải cách. Các chính sách cải cách Thủ tục hành chính (TTHC) thường được xây dựng từ góc nhìn của cơ quan nhà nước, ít lắng nghe ý kiến từ những người dân, tức thành phần trực tiếp chịu ảnh hưởng. Điều này dẫn đến việc các thủ tục có vẻ được đơn giản hóa trên giấy tờ, nhưng không thực sự giải quyết được nhu cầu thực tế.

Đồng thời, cơ chế giám sát và phản hồi từ người dân còn yếu. Bất kỳ người dân nào lên mạng phản đối cách rườm rà về TTHC đều có nguy cơ bị công an mời lên “làm việc”. Thậm chí có thể bị phạt tiền, nặng hơn là đi tù. Ngay khi đọc câu khẩu hiệu cuộc cải cách, yếu tố “thuận lợi cho người dân” cũng chỉ được xếp sau cùng các yếu tố khác như nhà nước và doanh nghiệp.

5.Kháng cự từ lợi ích nhóm

Hệ thống hành chính công ở Việt Nam dưới thời cộng sản đã sinh ra một mạng lưới lợi ích chằng chịt khổng lồ. Cảnh sát giao thông thì có mạng lưới tiếp thị sữa, có “cò mồi” cà số khung số máy. Tư pháp - hộ tịch thì có mạng lưới các cửa hàng photocopy, đánh máy. Toà án thì có hệ thống “chạy án” được trải dài từ giới luật sư cho đến các cơ quan tố tụng như công an, kiểm sát viên. Có thể nói mọi bộ ngành, mọi ban bệ dưới thời cộng sản đều xây dựng cho mình những mạng lưới riêng để móc túi người dân. Các mạng lưới của các bộ, ban, ngành lại liên kết với nhau hầu đục khoét tài nguyên quốc gia và bóc lột dân chúng. Nhưng đứng trên hết, vẫn là quyền hành của ngành công an, nơi ông Tô Lâm từng làm thống soái. Để leo được lên chức Tổng Bí thư, ông Lâm đã phải rời bỏ chức Bộ trưởng, nhưng ông vẫn là người “buông rèm nhiếp chính” bộ máy đàn áp khổng lồ này.

Kết luận 

Cải cách thủ tục hành chính ở Việt Nam là một nhiệm vụ cấp bách nhưng đầy thách thức. Nếu Tô Lâm thực sự muốn cải cách, ông cần xây dựng một hệ thống nhân sự mà ở đó, cán bộ phải lo sợ bị sa thải nếu không làm tốt nhiệm vụ. Liệu các nhóm lợi ích, đàn em của Tô Lâm có chấp nhận hy sinh miếng mồi béo bổ để thực hiện cái gọi là “cải cách” hay không?

Và cải cách chỉ có thể thực hiện được khi người dân được mở miệng, được đóng góp ý kiến. Họ phải được tự do suy nghĩ bởi chỉ có tự do mới kích thích sự sáng tạo. Nhưng nếu để người dân tự do, liệu đảng cộng sản có còn khả năng để độc quyền cai trị?

Vậy nên, dù muốn hay không vẫn phải thẳng thẳn nói rằng, cái gọi là cải cách mà ông Tô Lâm đang rêu rao, chỉ là bánh vẽ.

Sài Gòn 22/4/2025

Thành Sơn.

No comments:

Post a Comment