Sau đây mời quí thính giả theo dõi bản tin tóm lược với Khánh Ngọc & Miên Dương
1/ CÔNG AN TĂNG CƯỜNG KHỦNG BỐ CÁC NHÀ HOẠT ĐỘNG TRƯỚC CHUYẾN THĂM CỦA TẬP CẬN BÌNH
Nhiều nhà hoạt động cho biết họ đã bị công an tự ý xông vào nhà, đặt chốt canh gác hoặc mời lên đồn làm việc trước thềm chuyến thăm Việt Nam của Chủ tịch, Tổng bí thư ĐCS Trung Hoa Tập Cận Bình.
Ông Phạm Văn Trội, cựu Chủ tịch Hội Anh Em Dân Chủ, người từng chịu hai án tù cho hay, công an đã kéo đến đặt chốt canh gác nhà ông từ hôm 11/4, trước chuyến thăm của ông Tập 3 ngày.
Một nhà hoạt động giấu tên vì lý do an ninh ở Sài Gòn cho biết, ông bị công an mời đi “uống cà phê” để nhắc nhở và đe dọa. Ông cũng bị cảnh báo “không được làm gì” vào dịp 30/4, nhân kỷ niệm 50 năm cộng sản chiếm được Miền Nam.
Các cựu TNLT như bà Vũ Thị Kim Hoàng, Phạm Thị Ngọc Hạnh và một số người khác ở Đồng Nai, Sài Gòn, Bình Dương, Vũng Tàu đồng loạt bị an ninh kéo đến nhà với lý do “thăm hỏi”. Một số trường hợp không được sự đồng ý của chủ nhà nhưng công an vẫn xông vào. Nhiều người bị đe dọa, bị ép gỡ các bài đăng trên facebook và phải cam kết không được viết gì về chuyến thăm của Tập Cận Bình cũng như về sự kiện 30/4.
Nhiều người khác ở Hà
Nội xác nhận với ĐLSN về việc họ bị canh gác, hoặc bị cấm ra khỏi nhà nhưng
không muốn nêu danh tính vì lý do an ninh.
2/ BÀ DƯƠNG THỊ LANH RA TÙ
Bà Dương Thị Lanh, thường được biết đến qua danh khoản facebook Ngọc Lan Sài Gòn, đã mãn hạn tù hôm 30/3/2025.
Bà Lanh, sinh năm 1982, bị bắt đầu năm 2019 và bị tòa án tỉnh Đắk-Nông kết án 8 năm tù giam, hai năm quản chế theo điều 117- “Tuyên truyền chống Nhà nước”.
Trước đó, bà từng tham dự cuộc biểu tình chống dự thảo Luật Đặc khu và Luật An ninh mạng vào ngày 11 tháng 6/2018 và bị bắt giữ cùng với 10 người khác khi đang ngồi ở công viên tại Quận 1, Sài Gòn.
Bản Cáo trạng của Viện kiểm sát cáo buộc bà Lanh từ tháng 6/2017 cho đến khi bị bắt, đã lập và sử dụng 21 trang Facebook khác nhau nhằm chống chế độ.
Trong số đó, có 13 danh khoản được bà Lanh dùng để đăng tải, phát tán tổng cộng 380 tài liệu bị cho là “mang nội dung xuyên tạc chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước; vấn đề biên giới và lãnh thổ; vấn đề bảo vệ chủ quyền biển đảo; đường lối ngoại giao”.
Bà Lanh ra tù trước thời hạn gần 2 năm so với bản án đã tuyên. Hiện bà đang bị quản chế tại địa phương, thuộc huyện Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa.
3/ MỸ NHẮM VÀO KHO CHỨA DẦU CỦA TRUNG QUỐC TRONG LOẠT TRỪNG PHẠT MỚI LIÊN QUAN ĐẾN IRAN
Mỹ vừa áp đặt lệnh trừng phạt lên một kho chứa dầu tại
Trung Quốc do Công ty Guangsha Zhoushan Energy Group vận hành, vì liên quan đến
dầu mỏ từ Iran. Kho này nằm trên đảo Huangzeshan và kết nối với một nhà máy lọc
dầu độc lập qua đường ống ngầm dưới biển. Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết đây là bằng
chứng cho thấy các nhà máy lọc dầu Trung Quốc tiếp tục mua và sử dụng dầu thô của
Iran. Tuy nhiên, các công ty theo dõi tàu dầu cho biết nhà máy này đã ngừng mua
dầu từ Iran.
Hành động này diễn ra trước thềm cuộc đàm phán trực tiếp giữa Mỹ và Iran tại
Oman vào thứ Bảy, trong bối cảnh Tổng thống Trump cảnh báo Iran sẽ gặp “nguy hiểm
lớn” nếu đàm phán thất bại. Trung Quốc và Iran đã phát triển hệ thống giao dịch
tránh sử dụng đồng Mỹ Kim để né lệnh trừng phạt Mỹ. Đại sứ quán Trung Quốc chưa
phản hồi, nhưng trước đó từng chỉ trích các lệnh trừng phạt đơn phương của Mỹ
là "bất hợp pháp và vô lý." Đây là một phần trong chiến dịch
"gây áp lực tối đa" của Mỹ nhằm ngăn Iran phát triển vũ khí hạt nhân.
4/ ĐỐI MẶT VỚI THUẾ QUAN TỪ TRUMP, VIỆT NAM XEM XÉT TRẤN ÁP MỘT SỐ HOẠT ĐỘNG THƯƠNG MẠI VỚI TRUNG QUỐC
Để tránh các mức thuế cao từ Hoa Kỳ, Việt Nam sẵn sàng siết chặt việc Trung Quốc vận chuyển hàng hóa đến Mỹ qua lãnh thổ Việt Nam và sẽ tăng cường kiểm soát xuất khẩu các mặt hàng nhạy cảm sang Trung Quốc. Đề xuất này xuất hiện khi các quan chức cấp cao của Mỹ, bao gồm cố vấn thương mại Tòa Bạch Ốc Peter Navarro, bày tỏ lo ngại về việc hàng hóa Trung Quốc được gắn nhãn "Made in Vietnam" để hưởng thuế suất thấp hơn khi vào thị trường Mỹ.Việt Nam trong vài tuần qua đã đưa ra nhiều "lời mời hấp dẫn" nhằm thuyết phục chính quyền của Tổng thống Trump có cái nhìn nhẹ nhàng hơn về thặng dư thương mại lớn với Mỹ.
Nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam đã tổ chức một cuộc họp khẩn vào ngày 3/4 – chỉ vài giờ sau khi ông Trump công bố mức thuế – để thảo luận về các cáo buộc liên quan đến hành vi chuyển tải bất hợp pháp và vi phạm sở hữu trí tuệ. Tại cuộc họp, Bộ Công Thương và Hải quan được yêu cầu siết chặt kiểm soát và lên kế hoạch trong vòng hai tuần để giải quyết vấn đề.
Nhiều nguồn tin của Hoa Kỳ có dữ liệu cho thấy xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ tăng tương ứng với lượng nhập khẩu từ Trung Quốc. Nhiều sản phẩm dán nhãn "Made in Vietnam" nhưng sử dụng linh kiện từ Trung Quốc, hoặc do các công ty Trung Quốc sản xuất tại Việt Nam. Ông Navarro tuyên bố hôm 6/4 rằng "Trung Quốc sử dụng Việt Nam để chuyển tải và né thuế". Một nguồn tin cho biết một số tàu chở hàng Trung Quốc chỉ cập cảng Việt Nam trong thời gian ngắn để lấy giấy chứng nhận xuất xứ trước khi rời đi.
No comments:
Post a Comment