Kính thưa quý thính giả,
Một nhân vật được xem là “phù thủy điện ảnh” trong 2 thập niên 1960 và 1970, là gốc đại thụ của nền điện ảnh VN, là người đã ghi đậm dấu ấn trong lòng khán giả bởi hàng trăm cuốn phim với nhiều thể loại khác nhau. Ông là đạo diễn của những bộ phim vang bóng một thời, điễn hình như bộ phim Nàng đã đoạt giải Tượng Vàng ở Đại hội Điện ảnh Á châu lần thứ 17 tại Đài Loan vào năm 1971.
Trong chuyên mục Danh nhân nước Việt tuần này, chúng tôi xin gửi đến quý thính giả bài “Đạo diễn Lê Mộng Hoàng” của Việt Thái qua giọng đọc của Minh Nguyệt để chấm dứt chương trình phát thanh tối nay
Đó là nhạc chủ đề trong phim Vĩnh biệt tình hè của đạo diễn Lê Mộng Hoàng, do nhạc sĩ Huyền Anh sáng tác, ca sĩ Nguyễn Chánh Tín trình bày trong băng nhạc Shotguns 35.
***
Lê Mộng Hoàng sinh ngày 1/6/1929 tại Phú Xuân, Huế, trong một gia đình Nho giáo. Thân phụ tên Lê Viết Mưu, thân mẫu là Hồ Thị Ngô. Thuở nhỏ, nhờ có năng khiếu về nhạc kịch, Lê Mộng Hoàng được Đài phát thanh Huế mời cộng tác trong chương trình thiếu nhi.
Ông được sang Pháp du học ở Trường Quốc gia Âm nhạc Paris, sau khi tốt nghiệp, ông ở lại Pháp tiếp tục học lấy bằng Cao học Điện ảnh.
-Năm 1957 về Việt Nam, ông được giao thực hiện phim Bụi đời dựa vào tác phẩm Những hòn sỏi của nhà văn Võ Đình Cường, nói về kiếp sống những trẻ mồ côi trên hè phố Sài Gòn.
Sau đó, ông thực hiện nhiều cuốn phim về tâm lý xã hội, truyền thuyết, tình cảm, lịch sử, dã sử chiến tranh. Trong đó, có những phim tiêu biểu như Xin đừng bỏ em, Nàng, Chiều kỷ niệm, Mãnh lực đồng tiền, Con gái chị Hằng .v.v.
Tác phẩm mà ông tâm đắc nhất là cuốn phim Nàng, với diễn viên chính là Thẩm Thúy Hằng và Trần Quang. Bộ phim đoạt giải Tượng Vàng tại Đại hội Điện ảnh Á Châu ở Đài Loan lần thứ 17 vào năm 1971.
Ông tiếp tục đạo diễn nhiều bộ phim như Vụ án tình, Chiều kỷ niệm, Mãnh lực đồng tiền, Con gái chị Hằng, Gánh hàng hoa, Ly rượu mừng, Xin đừng bỏ em, Vĩnh biệt mùa hè, Năm vua hề về làng .v.v.
Bộ phim nổi tiếng và gây xôn xao dư luận thời bấy giờ là Mãnh lực đồng tiền (năm 1971) với giàn diễn viên: Thanh Nga, Bích Thuận, Hùng Cường, Mai Lệ Huyền, Tám Vân, Lý Quốc Mậu.v.v. Phim có nội dung phê phán, đả kích những kẻ nhẫn tâm chà đạp lên thuần phong mỹ tục và luân thường đạo lý, nhằm thỏa mãn dục vọng thấp hèn, chạy theo sự cám dỗ của vật chất. Phim được tiếng vang trong dư luận trước lối sống hiện sinh ở miền Nam thời bấy giờ.
Và cuốn phim Vĩnh biệt tình hè đã được giới sinh viên, học sinh Sài Gòn nhiệt liệt hoan nghênh. Trong phim, ca sĩ Nguyễn Chánh Tín đóng vai chàng sinh viên nghèo, đem lòng yêu cô tiểu thư nhà giàu (vai của nữ ca sĩ Băng Châu). Với gương mặt xinh đẹp, vóc dáng thon thả của Băng Châu và vẻ thư sinh đẹp trai của Chánh Tín, đã làm nên cặp đôi đẹp nhất trên màn ảnh, được giới trẻ mến mộ. Từ đó, tên tuổi Nguyễn Chánh Tín vụt sáng, trở thành một ngôi sao màn bạc. Và cũng nhờ chất giọng đặc biệt phù hợp của Nguyễn Chánh Tín, nhạc phẩm Vĩnh biệt tình hè đã trở thành bất tử trong lòng khán giả từ năm 1971.
Ngoài ra, trong khoảng thời gian này, ông còn làm cố vấn cho các đoàn làm phim trong và ngoài nước, giảng dạy và viết sách về âm nhạc cùng điện ảnh.
Ông càng nổi tiếng hơn, khi thực hiện nhiều cuốn phim ăn khách ở thập niên 1990, như phim: Tráng sĩ Bồ Đề, Ngôi nhà oan khốc, Thăng Long đệ nhất kiếm, Tóc gió thôi bay…
Lê Mộng Hoàng từng được vinh danh là “đạo diễn mát tay”, khi ông phát hiện các tài năng và ''nhào nặn'' họ trở thành các ngôi sao điện ảnh, sau khi đóng các bộ phim ăn khách của ông. Những nghệ sĩ tên tuổi như: Thẩm Thúy Hằng, La Thoại Tân, Thanh Lan, Trần Quang, Phương Hồng Ngọc và các thế hệ diễn viên ở thập niên 90 như: Lý Hùng, Lê Tuấn Anh, Việt Trinh, Diễm Hương, Y Phụng, Mộng Vân, Giáng My… đều nổi tiếng từ phim ông dàn dựng, nên tất cả đều dành tình cảm yêu quý ông mãi đến ngày hôm nay.
-Ngày 23/2/2017, đạo diễn Lê Mộng Hoàng từ trần, hưởng thọ 88 tuổi. Linh cửu ông được quàn tại chùa Vĩnh Nghiêm, được người nhà và thân hửu, cùng nhiều nghệ sĩ tiễn đưa đến nghĩa trang Củ Chi an táng vào sáng ngày 28/2.
*****
Với công lao và tài năng sáng tạo phục vụ nghành điện ảnh, đạo diễn Lê Mộng Hoàng đóng góp nhiều công sức xuyên suốt từ năm 1957 đến 1995 để cho ra đời hàng trăm bộ phim, nên ông được giới mộ điệu vinh danh là “phù thủy điện ảnh”.
Cho dù ông đã về cõi vĩnh hằng, nhưng tánh bình dị, thật thà chất phát của ông vẫn còn ghi đậm dấu ấn trong lòng mọi người. Tên tuổi của ông đã gắn liền với những bộ phim nổi tiếng ở thời kỳ đầu của nền điện ảnh Việt Nam.
Kính chào vĩnh biệt Lê Mộng Hoàng, một đạo diễn tài hoa của đất nước.
No comments:
Post a Comment