Tuesday, April 15, 2025

Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Đang Cúc Cung Phục Vụ Chế Độ

Bình Luận

Cùng với bộ máy cai trị của đảng Cộng sản Việt Nam, Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam cũng đã ban hành kế hoạch “tinh gọn bộ máy tổ chức”.

Trong chuyên mục Bình Luận hôm nay, mời quý thính giả theo dõi bài viết của tác giả ĐOÀN KHÔI, thành viên Ban Biên Tập Đài ĐLSN, tựa đề “Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Đang Cúc Cung Phục Vụ Chế Độ”, sẽ do Hướng Dương trình bày sau đây.

Ngày 5 tháng 1 năm 2025, qua Hội nghị Kỳ 4, khóa 9, Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam ban hành Quyết nghị,trong đó Khoản 11 đề cặp đến nhu cầu tinh gọn bộ máy tổ chức. Thi hành Quyết nghị này, ngày 21/3 vừa qua, Giáo Hội tuyên bố sẽ bỏ cấp huyện để gọi là “phù hợp với quá trình tinh gọn bộ máy của Nhà nướcđang diễn ra”. Sự kiện này không những gây chú ý đối với giới tăng ni, Phật tử, mà cả những người theo các tôn giáo khác.

Trên danh nghĩa, đây là nỗ lực thích ứng với bối cảnh mới, nhằm giảm bớt sự cồng kềnh trong cơ cấu tổ chức và nâng cao hiệu quả hoạt động. Tuy nhiên, khi phân tích thấu đáo hơn, nhiều người đặt ra các nghi vấn về bản chất thực sự, mục tiêu tiềm ẩn cũng như hệ lụy lâu dài của kế hoạch này đối với sinh mệnh đạo Phật tại Việt Nam.

Trước tiên, nội dung kế hoạch nêu rõ việc sáp nhập hoặc giải thể một số Ban, Viện và chuyển giao thẩm quyền về Trung ương Giáo hội. Nhiều cấp Tỉnh hội cũng sẽ được “tái cấu trúc” theo hướng tập trung quyền lực. Điều này làm dấy lên lo ngại về việc triệt tiêu tính đa dạng của Phật giáo Việt Nam, vốn tồn tại dưới nhiều truyền thống, hình thái sinh hoạt và bản sắc địa phương. Khi quyền hành tập trung vào trung ương, tiếng nói của các dòng tu nhỏ, tăng sĩ độc lập hay nhóm Phật tử địa phương dễ bị lu mờ. Một mô hình hành chính hóa quá mức sẽ khiến đạo Phật trở nên hình thức, thiếu sinh khí tâm linh.

Lo ngại thứ hai đến từ tính cách chính trị của kế hoạch. GHPGVN là tổ chức Phật giáo duy nhất được công nhận chính thức tại Việt Nam. Việc siết chặt bộ máy và tập trung quyền lực có thể giúp CSVN dễ kiểm soát và lèo lái sinh hoạt tôn giáo theo ý chí của Đảng. Trong bối cảnh quyền tự do tín ngưỡng bị hạn chế, kế hoạch này rõ ràng là công cụ phục vụ mục tiêu quản lý chặt chẽ hơn, chứ không phải để cải tổ thực sự vì sự phát triển của Phật giáo. Điều này đi ngược với tinh thần tự do và tự chủ vốn là nền tảng trong đạo Phật.

Việc tiến hành kế hoạch tại một số địa phương gần đây đã ghi nhận hiện tượng giải thể hoặc thay đổi nhân sự không minh bạch. Một số tăng sĩ cao niên, có uy tín nhưng không “thuận chiều” đã bị thay thế bằng những người ít kinh nghiệm hoặc có quan hệ với bộ máy cầm quyền. Những sự kiện như vậy khiến không ít người lo ngại rằng đây là hình thức “thanh lọc” nội bộ, loại bỏ các tiếng nói phản biện. Trong tổ chức tôn giáo, uy tín không thể chỉ đến từ quyết định bổ nhiệm hành chính mà phải dựa vào giới hạnh, sự tu tập và lòng tin của cộng đồng Phật tử.

Một câu hỏi khác được đặt ra là liệu kế hoạch này có phù hợp với tinh thần đạo Phật hay không. Đạo Phật vốn nhấn mạnh sự hành trì cá nhân, tu tập nội tâm và giải thoát khổ đau. Tổ chức chỉ là phương tiện, không phải mục tiêu. Việc hành chính hóa đạo Phật đến mức chồng chéo ban bệ, con dấu, nghị quyết dễ khiến Phật giáo trở nên như một cơ quan nhà nước, xa rời đời sống tâm linh và không còn thu hút được quần chúng. Việc tinh gọn theo kiểu tập trung có thể giúp dễ quản lý hơn, nhưng đồng thời cũng có thể khiến các chùa nhỏ, nhóm tu học độc lập hoặc các cộng đồng Phật tử địa phương bị gạt ra ngoài lề.

Không thể không nhắc đến khả năng đây là bước đệm chuẩn bị cho thay đổi nhân sự ở cấp Trung ương trong kỳ Đại hội sắp tới. Khi bộ máy được tinh giản và quyền lực tập trung hơn, việc sắp xếp nhân sự trở nên dễ dàng với những người có ảnh hưởng chính trị. Điều này đã khiến nhiều người lo ngại rằng kế hoạch tinh gọn không nhằm cải cách Giáo hội mà là phương tiện để củng cố quyền lực cho một nhóm nhỏ. Nếu như vậy, sự cải cách sẽ trở nên hình thức, làm giảm lòng tin của quần chúng và khiến đạo Phật tiếp tục xa rời những giá trị nguyên thuỷ của mình.

Tóm lại, một tổ chức – dù là thế tục hay tôn giáo – đều có thể cần đến cải tổ để thích nghi với thời cuộc. Nhưng cải tổ đó phải nhằm phục vụ lý tưởng của tổ chức, chứ không phải là công cụ quyền lực. Tinh gọn không thể đồng nghĩa với việc triệt tiêu dân chủ nội bộ, thu hẹp sự tham gia và loại bỏ những người có quan điểm độc lập. Trong đạo Phật, mọi cải cách phải bắt nguồn từ tâm từ bi và trí tuệ. Nếu không, sự cải cách đó sẽ chỉ là lớp vỏ, che đậy cho những toan tính quyền lực.

Thật ra, việc Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam theo chân đảng CSVN thực hiện cái gọi “kế hoạch tinh gọn bộ máy tổ chức” không phải là một sự kiện mới mẻ, hoặc bất ngờ. Ngay khi được đảng CSVN thành lập vào ngày 7 tháng 11 năm 1981, bản chất công cụ của tổ chức này đã được thể hiện rõ ràng qua cái đuôi “Xã Hội Chủ Nghĩa” được ghép vào các chữ “Đạo Pháp – Dân Tộc” trong phương châm nguyên thủy của các tổ chức Phật Giáo trước năm 1975.

Cho nên, chừng nào mà đảng CSVN còn thống trị đất nước, thì chừng đó các tổ chức tôn giáo thuần thành khó bề tồn tại và hoạt động hiệu quả./.

 

 

No comments:

Post a Comment