Monday, April 14, 2025

Tin Tức: Thứ Hai 14.04.2025

Tin Tức

Mở đầu chương trình, Ngọc Sương và Hải Vân mời quý thính giả theo dõi phần Tin Tức.

1/ TẬP ĐOÀN SAMSUNG TẠI VN LO LẮNG TRƯỚC MỨC THUẾ CỦA MỸ

Hiện tại Mỹ đã công bố sẽ miễn thuế đối ứng với các loại thiết bị điện tử tiêu dùng quan trọng như smartphone, laptop, ổ cứng và chip. Tuy nhiên, những mặt hàng này có thể bị áp thuế bổ sung trong tương lai, khiến tập đoàn Samsung tại VN đang lo lắng.

Kể từ khi đặt chân tới Việt Nam vào năm 1989, tập đoànNam Hàn này đã chi hàng tỷ Mỹ kim vào việc mở rộng mạng lưới sản xuất toàn cầu.Nhiều tập đoàn khác cũng nhanh chóng nối gót Samsung, đặc biệt từ sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump áp thuế lên hàng hóa Trung Quốc trong nhiệm kỳ đầu tiên.

Chiến lược tiên phong ấy đã giúp Samsung trở thành nhà đầu tư nước ngoài và là nhà xuất cảng lớn nhất tại Việt Nam.Khoảng 60% trong tổng số 220 triệu chiếc điện thoại mà Samsung bán ra mỗi năm trên toàn cầu được sản xuất tại Việt Nam.Phần lớn được xuất sang Mỹ, nơi Samsung là nhà cung cấp điện thoại thông minh lớn thứ hai.

Tuy nhiên, sự phụ thuộc ấy giờ đây đang trở thành con dao hai lưỡi đối với Samsung khi mà Hà Nội đang phải chạy đua để đàm phán với chính quyền Trump nhằm hạ mức thuế suất trừng phạt nặng nề 46%, một mức thuế đang phơi bày điểm yếu trong mô hình tăng trưởng dựa vào xuất cảng của Việt Nam.

Một quan chức Samsung cho biết Việt Nam là nơi sản xuất phần lớn điện thoại thông minh, nhưng các mức thuế quan của Mỹ cao hơn nhiều so với dự đoán, dẫn tới một sự rối loạn nội bộ.

Trong bối cảnh bất ổn, Samsung và các nhà cung cấp của họ đang cân nhắc điều chỉnh sản xuất.  Điều này có thể tính đến việc tăng sản lượng ở Ấn Độ hoặc Nam Hàn. Samsung cũng sản xuất TV, đồ gia dụng và màn hình điện tử tại Việt Nam. Kim ngạch xuất cảng vào năm ngoái của Samsung đạt khoảng 54 tỷ Mỹ kim, tức chiếm khoảng 15% tổng kim ngạch xuất cảng của Việt Nam.

https://www.bbc.com/vietnamese/articles/c77nv67nde2o

2/ QUÂN NGA Ồ ẠT OANH KÍCH VÀO UKRAINE

Vào hôm qua 12/4, quân đội Nga ồ ạt oanh kích vào thành phố Sumy, ở miền đông bắc Ukraine, khiến ít nhất 31 người thiệt mạng, với hơn 80 người bị thương.

Vụ oanh kích diễn ra chỉ hai ngày sau chuyến công du Nga của Steve Witkoff, đặc phái viên của tổng thống Mỹ, tìm giải pháp chấm dứt chiến tranh tại Ukraine. 

Đây là vụ tấn công đẫm máu nhất tại từ nhiều tháng nay tại Ukraine, đặc biệt là kể từ khi Tổng thống Mỹ Donald Trump thúc đẩy việc bình thường hóa nhanh chóng quan hệ với Nga.

Trên các trang mạng, cơ quan cứu nạn Ukraine cho biết nước Nga đã tấn công vào trung tâm thành phố bằng phi đạn, đúng vào lúc người dân đi lại tấp nập trên đường phố.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky lên án vụ tấn công nhắm đúng vào lúc ngày Chủ Nhật Lễ Lá, trước Lễ Phục Sinh, khi mọi người đang đi nhà thờ.Ông nhấn mạnh là chỉ những “kẻ khốn nạn” mới có thể hành động như vậy. Ông Zelensky kêu gọi  châu Âu và Mỹ hãy đáp trả mạnh mẽ hành động này.

Trong khi đó tại một hội nghị cấp cao về ngoại giao ở Thổ Nhĩ Kỳ vào hôm qua 13/4, phát ngôn nhân bộ ngoại giao Nga thông báo với giới báo chí Nga là Moscow đã chia sẻ thông tin tình báo với Mỹ liên quan đến hơn 60 hành vi vi phạm thỏa thuận được cho là do Kiev gây ra.

Ngược lạingoại trưởng Ukraine đã phản đối dữ dội tuyên bố nói trên với lời tố cáo Nga phóng  gần 70 phi đạn, hơn 2 ngàn máy bay không người lái và hơn 6 ngàn trái bom điều khiển vào Ukraine. Ông nhấn mạnh các nạn nhân chủ yếu là dân thường, kể từ khi Nga cho biết đồng ý hạn chế oanh kích.

https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20250413-chi%E1%BA%BFn-tranh-ukraina-sau-cu%E1%BB%99c-khi-ti%E1%BA%BFp-%C4%91%E1%BA%B7c-s%E1%BB%A9c-m%E1%BB%B9-nga-t%E1%BA%A5n-c%C3%B4ng-sumy-h%C6%A1n-30-ng%C6%B0%E1%BB%9Di-ch%E1%BA%BFt

3/ QUỐC TẾ ĐỒNG THUẬN VỀ DỰ THẢO PHÒNG CHỐNG ĐẠI DỊCH

Cộng đồng quốc tế đã tiến được một bước quan trọng trong việc đúc kết hiệp ước cho phép đối phó tốt hơn với các đại dịch toàn cầu trong tương lai.

Theo đồng chủ tịch của cơ quan phụ trách thương thuyết về hiệp ước, đại sứ Pháp về y tế, Anne-Claire Amprou, thông báo vào hôm 12/4 là các quốc gia thành viên của Tổ chức Y tế Thế giới đã đạt được một thỏa thuận về nguyên tắc.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron ngay lập tức ca ngợi đây là một quyết định hệ trọng. Với thỏa thuận này, thế giới sẽ có thể phản ứng nhanh hơn, hiệu quả hơn, đoàn kết hơn và vững vàng hơn trước các đại dịch.

Văn bản này được cộng đồng quốc tế thông qua về nguyên tắc trong bối cảnh cơ chế đa phương và hệ thống y tế thế giới đang lâm vào tình trạng khủng hoảng nghiêm trọng, đặc biệt do việc Tổng thống Donald Trump quyết định cắt giảm mạnh đóng góp tài chính của Mỹ và tuyên bố Mỹ có thể rút khỏi tổ chức này.

Theo tổng giám đốc Tedros Ghebreyesus, kể từ ngày thứ Ba 15/4, các quốc gia thành viên sẽ nối lại các thương thuyết về văn bản cuối cùng của hiệp ước, và phải được toàn thể các thành viên của Đại hội đồng Y tế Thế giới phê chuẩn vào tháng 5.

Một trong các điểm chủ yếu gây bất đồng hiện nay là việc chuyển giao công nghệ sản xuất các sản phẩm y tế liên quan đến các đại dịch. Trong đại dịch Vũ Hán trước đây, nhiều quốc gia nghèo nhất đã lên án các nước phát triển độc quyền vaccin và các phương tiện xét nghiệm.

Trong khi đó, nhiều quốc gia có ngành công nghiệp dược phẩm là chủ lực của nền kinh tế, cho đến nay vẫn phản đối nghĩa vụ chuyển giao công nghệ, với lý do đòi hỏi này là vô lý.

Cần biết là vào tháng 12 năm 2021, đại dịch Vũ Hán nổ ra khiến hàng triệu người chết và làm điêu đứng kinh tế toàn cầu.Các quốc gia thành viên của tổ chức y tế đã quyết định cần phải có một hiệp ước phòng chống đại dịch toàn cầu.

https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20250413-c%E1%BB%99ng-%C4%91%E1%BB%93ng-qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF-%C4%91%E1%BB%93ng-thu%E1%BA%ADn-v%E1%BB%81-nguy%C3%AAn-t%E1%BA%AFc-d%E1%BB%B1-th%E1%BA%A3o-hi%E1%BB%87p-%C6%B0%E1%BB%9Bc-ph%C3%B2ng-ch%E1%BB%91ng-%C4%91%E1%BA%A1i-d%E1%BB%8Bch-to%C3%A0n-c%E1%BA%A7u

4/ UKRAINE MUỐN KẾT THÚC CUỘC XUNG ĐỘT VỚI NGA TRONG NĂM NAY

Ngoại trưởng Ukraine Andrii Sybiha vào ngày 12/4 khẳng định nước này đang tìm kiếm hòa bình và muốn kết thúc xung đột với Nga trong năm nay.

Ông Sybiha cho rằng việc đạt được hòa bình lâu dài với Nga sẽ định hình cấu trúc an ninh trong tương lai của Âu châu, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì khả năng Ukraine gia nhập khối NATO trong chương trình nghị sự quốc tế.

Cùng ngày, trả lời phóng viên báo chí, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho rằng cuộc đàm phán chấm dứt xung đột Ukraine có thể diễn ra tốt đẹp, nhưng các bên cần bắt đầu hành động thay vì nói suông.

Chính quyền Donald Trump gần đây nỗ lực thúc đẩy đàm phán hòa bình cho cuộc xung đột  Ukraine, và hiện gây sức ép lên phía Nga. Theo đó tổng thống Mỹ ngày 12/4 ký sắc lệnh hành pháp gia hạn thêm một năm với gói trừng phạt Nga, vốn được áp đặt từ thời người tiền nhiệm Joe Biden.

Trong khi đó Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov vào ngày 12/4 lên tiếng khen ngợi Tổng thống Trump đã thấu hiểu về xung đột tại Ukraine, đồng thời nhấn mạnh cách duy nhất để giải quyết tình hình chiến sự hiện tại là loại bỏ nguyên nhân gốc rễ của vấn đề. Theo lời ông Lavrov, việc khối phương Tây muốn kéo Ukraine gia nhập khối NATO là một trong những nguyên nhân gốc rễ gây xung đột.

Vào ngày 12/4, Thủ tướng tương lai của Đức Friedrich Merz ủng hộ con đường gia nhập khối NATOcủa Ukraine. Tuy nhiên ông Merz nhấn mạnh chỉ khi nào Ukraine chấm dứt xung đột với Nga thì Ukraine mới có thể gia nhập các tổ chức trên. Trước đó, chính phủ Đức đã thông qua gói viện trợ quân sự mới trị giá hơn 3 tỷ Mỹ kim cho Ukraine.

https://thanhnien.vn/ukraine-muon-ket-thuc-xung-dot-trong-nam-2025-185250413214305149.htm

No comments:

Post a Comment