Cứ mỗi độ 30 tháng 4 thì giấc mơ “hòa giải dân tộc” lại được không ít người Việt nhắc nhở, mong chờ.
Để biết thực chất của giấc mơ này, trong chuyên mục Bình Luận hôm nay, kính mời quý thính giả cùng theo dõi bài “Hòa Giải Dân Tộc Không Thể Có Được Trong Chế Độ Độc Tài Toàn Trị” của tác giả THẾ VŨ, thành viên Ban Biên Tập Đài ĐLSN, sẽ do Vân Khanh trình bày sau đây.
Hơn nửa thế kỷ đã trôi qua kể từ ngày 30 tháng 4 năm 1975, khi quân Cộng sản Bắc Việt chiếm trọn miền Nam, chấm dứt thể chế Việt Nam Cộng Hòa và khai sinh một nước Việt Nam thống nhất dưới chế độ toàn trị. Tuy nhiên, sự thống nhất về địa lý không đi kèm với hòa giải dân tộc. Đến hôm nay, vết hằn của cuộc nội chiến, của chia rẽ ý thức hệ và của các chính sách trả thù vẫn còn sâu đậm, khiến người Việt trong và ngoài nước chưa bao giờ thực sự là một cộng đồng hòa hợp.
So với Hoa Kỳ sau nội chiến Nam – Bắc thế kỷ 19 hay Nam Phi sau khi chấm dứt chế độ “phân biệt chủng tộc” –Apartheid- vào cuối thế kỷ 20, Việt Nam rõ ràng không đạt được bất kỳ tiến trình hòa giải nào ngoài câu nói của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt “30 tháng 4, triệu người vui, triệu người buồn”.
Tại sao lại có sự khác biệt như vậy? Để trả lời câu hỏi này, hãy thử nhìn lại các diễn biến xẩy ra tại Hoa Kỳ và tại Nam Phi, và so sánh chúng với những gì đã diễn ra tại Việt Nam sau đảng CSVN thống trị toàn bộ đất nước.
Tại Hoa Kỳ, sau cuộc nội chiến đẫm máu kết thúc năm 1865, Tổng thống Abraham Lincoln – người lãnh đạo phe chiến thắng – không tìm cách tiêu diệt bên thua trận, mà kêu gọi đoàn kết dân tộc, với phương châm “không ác ý, chỉ thiện chí.” Dù tiến trình tái thiết gặp nhiều trở ngại, chính quyền liên bang không triệt tiêu văn hóa và danh dự của người miền Nam. Các cựu chiến binh và sĩ quan miền Nam được tái hòa nhập, lịch sử của họ trở thành một phần ký ức chung. Tại Nam Phi, khi chế độ phân biệt chủng tộc sụp đổ vào đầu thập niên 1990, Nelson Mandela không kêu gọi trả thù mà cùng Tổng Giám mục Desmond Tutu thành lập “Ủy ban Sự thật và Hòa giải”. Họ chọn công khai sự thật, thừa nhận lỗi lầm, từ đó xây dựng lòng tin giữa các cộng đồng từng đối địch. Cả hai quốc gia đều dựa trên niềm tin rằng hòa giải không thể đến từ áp đặt hay quên lãng, mà là kết quả của đối thoại, tha thứ và chấp nhận sự khác biệt.
Ngược lại, tại Việt Nam sau 1975, nhà cầm quyền cộng sản không hề có thiện chí hòa giải mà áp dụng chính sách “đào tận gốc, trốc tận rễ” đối với chính quyền cũ. Hàng trăm ngàn quân dân miền Nam bị đưa vào trại tù được mệnh danh là “trại cải tạo”, không án, không luật. Đồng thời, tài sản của họ bị tịch thu, gia đình bị đày đi “kinh tế mới”, con cái bị phân biệt trong giáo dục và nghề nghiệp. Sách vở, văn hóa và lịch sử của Việt Nam Cộng Hòa bị xóa bỏ; ký ức của một nửa đất nước bị gạt ra ngoài lề quốc sử. Miền Nam – từng là một phần của quốc gia với chính thể, quân đội và văn hóa riêng – đã không được đối xử như người anh em sau nội chiến, mà như một “vùng tội lỗi” cần phải cải tạo, tẩy rửa và kiểm soát hoàn toàn.
Chính sách đó không chỉ triệt tiêu cơ hội hòa giải, mà còn khoét sâu chia rẽ giữa người Việt trong và ngoài nước. Hàng triệu người vượt biên đã trở thành cộng đồng tị nạn hải ngoại, mang theo nỗi đau bị mất quê hương và danh dự. Họ bị nhà nước gọi là “phản động”, là “thế lực thù địch” dù nhiều người trong số họ mong muốn góp phần xây dựng lại đất nước. Trong nước, mọi nỗ lực tưởng niệm hay phục hồi danh dự cho quân dân Việt Nam Cộng Hòa đều bị ngăn chặn. Sự im lặng bị áp đặt, còn sự thật bị bóp méo. Không có đối thoại, không có sự thừa nhận, cũng không có cơ chế để nhìn lại lịch sử một cách công bằng – đó là điều khiến hòa giải mãi là điều xa vời.
Khác với Mỹ hay Nam Phi, Việt Nam không có nền dân chủ để tạo không gian cho các tiếng nói đối lập tồn tại. Đảng Cộng sản giữ độc quyền chính trị và kiểm soát toàn bộ hệ thống giáo dục, truyền thông, tư pháp. Họ không có động cơ để thừa nhận sai lầm trong quá khứ vì điều đó có thể làm lung lay tính chính danh hiện tại. Ngược lại, họ tiếp tục nuôi dưỡng một lịch sử một chiều, tô hồng chiến thắng và bôi đen kẻ thua trận, nhằm củng cố quyền lực và kiểm soát tư tưởng. Trong bối cảnh đó, mọi nỗ lực cá nhân hay cộng đồng hướng đến hòa giải đều bị bóp nghẹt.
Hòa giải không thể đến từ sự im lặng hay nhân nhượng mang tính hình thức. Nó đòi hỏi sự can đảm đối diện với sự thật, thừa nhận nỗi đau của tất cả các bên, và quan trọng hơn hết là chấm dứt các chính sách phân biệt đối xử và tuyên truyền hận thù. Cho đến nay, giới lãnh đạo cộng sản chưa từng thể hiện điều đó – không phải vì họ không hiểu giá trị của hòa giải, mà vì họ sợ hãi hệ quả chính trị của sự thật. Khi quyền lực được xây trên dối trá và chia rẽ, thì hòa giải trở thành mối đe dọa chứ không phải cơ hội.
Nếu không có một sự chuyển hóa lớn về thể chế hoặc một sự thức tỉnh sâu rộng trong lòng dân tộc, vết thương chia rẽ giữa người Việt sẽ tiếp tục âm ỉ. Chiến tranh có thể đã lùi xa, nhưng bóng tối của hận thù và bất công vẫn bao phủ hiện tại. Hòa giải dân tộc, vì thế, vẫn chỉ là giấc mơ chưa thể thành hình./.
No comments:
Post a Comment