Saturday, April 26, 2025

Tin Tức: Thứ Bảy 26.04.2025

Tin Tức

Mở đầu chương trình, mời quý thính giả theo dõi phần Tin Tức sẽ được Mỹ Linh & Đồng Tâm trình bày sau đây.

1/FACEBOOKER HỒNG THÁI HOÀNG BỊ TRIỆU TẬP

Bà Hoàng Thị Hồng Thái, tức facebooker Hồng Thái Hoàng, hôm 24/4/2025 bị Cơ quan An ninh Điều tra (ANĐT)- Công an Hà Nội triệu tập.

Lý do bà Hoàng bị triệu tập là để làm việc “liên quan đến nguồn tin tội phạm do Phòng An ninh mạng và Phòng chống Tội phạm Công nghệ cao”.

Bà Hồng Thái Hoàng, 45 tuổi, một trong những người phản biện trực tuyến và từng xuống đường biểu tình chống Formosa gây ô nhiễm môi trường năm 2016.

Trước đó chỉ 1 ngày, bà Hoàng bị Cơ quan này ra quyết định “Tạm hoãn xuất cảnh” trong 40 ngày, từ 23/4 đến 03/6/2025. Cơ quan ANĐT đã gửi Quyết định trên đến Cục Quản lý xuất nhập cảnh, bộ Công an và Viện Kiểm sát.

Công an thường lấy lý do có tin báo tội phạm liên quan đến sử dụng công nghệ cao, hoặc từ quần chúng nhân dân để bắt bớ giới bất đồng chính kiến. Điển hình cho hình thức đàn áp này phải kể án tù của các ông Nguyễn Lân Thắng, Lê Dũng Vô-va Bùi Văn Thuận và một số người khác.

2/TRUNG CỘNG CẮM CỜ CHỦ QUYỀN TẠI TRƯỜNG SA TRONG KHI CSVN KỶ NIỆM NGÀY CƯỚP ĐƯỢC MIỀN NAM

Trung cộng vừa đổ bộ lên một bãi cạn tại cụm Thị Tứ thuộc quần đảo Trường Sa và cắm cờ xác định chủ quyền. Sự kiện này trùng với khoảng thời gian ông Tập Cận Bình thăm Hà Nội và giới chóp bu CSVN đang tập trung cho các hoạt động ăn mừng cái mà họ gọi là “chiến thắng 30/4”.

Đảo Thị Tứ là một trong những thực thể nổi tự nhiên có diện tích lớn nhất quần đảo Trường Sa, một phần do Philippines kiểm soát.

Hành động này cho thấy Bắc Kinh đang hướng tới việc thiết lập sự đồn trú thường xuyên tại khu vực này.

Trung cộng thực hiện chính sách bành trướng và không ngừng xác lập chủ quyền không chỉ ở những địa điểm chưa có lực lượng của quốc gia nào thường trực, mà còn tuyên bố chủ quyền ở những quần đảo thuộc chủ quyền của nước khác, trong đó có Việt Nam.

ĐCSVN đã để mất hoặc bán quần đảo Hoàng Sa và một phần Trường Sa cho Trung cộng.

3/ TRUNG CỘNG GỬI QUÂN SANG VIỆT NAM DIỄU BINH NHÂN DỊP 30/4.

Ngày 25/4, máy bay quân sự Xian Y-20 chở 118 quân nhân thuộc Quân Giải phóng Nhân dân Trung Hoa đã hạ cánh xuống sân bay Tân Sơn Nhất (Sài Gòn) để tham gia diễu binh, kỷ niệm 50 năm CSVN chiếm được Miền Nam.

Quân đội Trung Hoa tham dự cuộc diễu binh theo lời mời của đại tướng, Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Phan Văn Giang.

Trung cộng là đồng minh lớn nhất hỗ trợ cả tài lực, vật lực cho Bắc Việt trong cuộc xâm lược VNCH.

Người phát ngôn Bộ ngoại giao CSVN Phạm Thu Hằng hôm 24/4 nói với báo giới “Chúng tôi vui mừng với sự tham dự của quân đội Trung Quốc trong lễ diễu binh diễu hành, thể hiện tình hữu nghị hợp tác ngày càng bền chặt giữa Việt Nam và các nước”.

Việc CSVN mời quân đội Trung cộng tham gia màn phô diễn vũ lực không chỉ là lời tri ân mà còn khẳng định lập trường của Hà Nội trong việc thần phục Bắc Kinh, bất chấp sự phản đối của nhân sĩ, trí thức và người dân Việt Nam trước hành vi xâm lược của quốc gia này trong nhiều năm.

4/ĐỤNG ĐỘ GIỮA QUÂN ĐỘI ẤN ĐỘ VÀ PAKISTAN SAU VỤ TẤN CÔNG Ở KASHMIR

Nhiều cuộc đụng độ giữa quân đội Ấn Độ và Pakistan đã diễn ra dọc theo Đường Kiểm Soát (LOC-Line Of Control) phân chia hai quốc gia, trong lúc Liên Hiệp Quốc kêu gọi sự kiềm chế và cảnh báo về nguy cơ leo thang quân sự tại đây.

Tình hình giữa Ấn Độ và Pakistan trở nên nghiêm trọng sau cuộc tấn công vào thường dân tại thị trấn Pahalgam thuộc khu vực Kashmir thuộc vùng kiểm soát của phía Ấn Độ.

Các nguồn tin quân đội Ấn Độ cho biết vào hôm thứ Sáu rằng phía Pakistan chủ động cuộc khai hỏa. Một quan chức chính phủ ở Kashmir do Pakistan quản lý cũng đã xác rằng quân đội đã trao đổi hỏa lực, nhưng không nói ai là người khởi xướng.

Vào thứ Ba, các nghi phạm phiến quân đã giết chết ít nhất 26 người tại một khu nghỉ mát ở Pahalgam, trong vụ tấn công chết người nhất trong một phần tư thế kỷ tại Kashmir do Ấn Độ quản lý.

Một tuyên bố được phát hành dưới tên của Lực lượng Kháng cự (TRF), được cho là một nhánh của nhóm vũ trang Lashkar-e-Taiba có trụ sở tại Pakistan, đã nhận trách nhiệm về vụ tấn công trên.

Kashmir đã bị chia cắt giữa Ấn Độ và Pakistan kể từ khi giành độc lập vào năm 1947, với cả hai bên đều tuyên bố toàn bộ lãnh thổ này nhưng chỉ quản lý từng phần của nó, dẫn đến những căng thẳng kéo dài từ đó đến nay.

No comments:

Post a Comment