Friday, April 4, 2025

Tham vọng tăng trưởng GDP năm 2025 của Việt Nam đã tan thành mây khói

Quan Điểm

Cuộc chiến mậu dịch thế giới đã xảy ra, gây rúng động toàn thế giới sau khi Tổng thống Donald Trump công bố mức thuế toàn cầu lên tất cả hàng hóa nhập vào Hoa Kỳ, đánh dấu sự thay đổi trong trật tự thương mại lớn nhất kể từ sau Đệ nhị Thế chiến.

Sự kiện VN phải chịu mức thuế 46%, khiến cho nhà cầm quyền CSVN hoàn toàn thất vọng với mục tiêu tăng trưởng 8% GDP trong năm 2025.

Mời quý thính giả theo dõi bài quan điểm của LLCQ với tựa đề Tham vọng tăng trưởng GDP năm 2025 của Việt Nam đã tan thành mây khóiqua giọng đọc của Hải Nguyên để chấm dứt chương trình phát thanh tối hôm nay.

Ngày 2/4 vừa qua, Tổng thống Hoa Kỳ, Doald Trump đã công bố kế hoạch áp thuế nhập cảng mới đối với tất cả hàng hóa vào Mỹ, và mức thuế này làm cho 180 quốc gia bị ảnh hưởng về tài chánh. Không chỉ riêng Việt Nam, mà thị trường chứng khoán châu Á đồng loạt giảm điểm, hàng loạt chỉ số trên thị trường chứng khoán Việt Nam bị suy giảm.

Tính tới 10 giờ sáng ngày 3/4, VN-Index giảm gần 4,9%(mất 70 điểm), trong khi HNX- Index giảm gần 3,6%, UPCOM-Index giảm khoảng 3,2%. Chỉ số chứng khoán của Nhật Bản, Nikkei 225 giảm 4% trong phiên giao dịch đầu ngày. Trong khi đó, ASX 200 của Úc cũng bị giảm khoảng 2%.

Ông Mạc Quốc Anh, Phó chủ tịch thường trực Hiệp hội Doanh nghiệp Hà Nội, nói với báo Tuổi Trẻ rằng, mức thuế 46% gần như "chặn cửa" đối với hàng hóa Việt Nam xuất cảng sang Mỹ, đặc biệt như gỗ, thép, dệt may, thủy sản, đồ gia dụng. Nghiêm trọng hơn, mức thuế này khiến Việt Nam bị mất lợi thế cạnh tranh với các đối thủ như Mexico, Ấn Độ, Thái Lan.

Cần nhắc lại, ngày 19/2/2025, Quốc hội Việt Nam phê duyệt việc nâng mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2025 lên ít nhất 8%, cao hơn so với mục tiêu trước đó là 6,5% đến 7%, nhằm tạo nền tảng cho việc tăng trưởng trong giai đoạn 2026-2030. (GDP là Gross Domestic Product, là chỉ sốđo tổng sản lượng hàng hóa được sản xuất ra trong 1 năm).

Bài học từ quá khứ cho thấy rằng, việc xác định mục tiêu là quan trọng, nhưng điều then chốt vẫn là những giải pháp có hiệu quả để biến mục tiêu thành hiện thực. Thực tế, việc tăng trưởng kinh tế của VN trong những năm gần đâymặc dù có nhiều nỗ lực,nhưng GDP của VN năm 2024 chỉ tăng gần 7.1% so với năm 2023 mà thôi! Và nếu xét lại thời gian 10 năm từ năm 2014 đến 2024, GDP trung bình của VN chỉ đạt khoảng 6%, cho thấy nền kinh tế VN thiếu ổn định.

Nhìn lại tình hình phát triển kinh tế VN, nhà nước thường đưa ra những mục tiêu lớn nhưng thường bị thất bại. Điển hình là gần 2 thập niên trước, tại Đại hội X năm 2006, khát vọng đưa VN“cơ bản trở thành nước công nghiệp hiện đại vào năm 2020”, nhưng sau 16 năm nỗ lực, Nghị quyết 29 của Ban chấp hành Trung ương đảng đã thẳng thắn thừa nhận, mục tiêu này không thể hoàn thành, mà còn cảnh báo về những khó khăn, trở ngại với nguy cơ tụt hậu.

Để hiện thực mục tiêu tăng trưởng 8%, nhà nước CSVN đang đưa ra nhiều kế hoạch về kinh doanh như: cải cách thủ tục hành chánh, nhất là khai thông nguồn vốn tư nhân là những ưu tiên hàng đầu. Bên cạnh đó, việc nới lỏng chính sách tiền tệ, tăng cường tín dụng cũng được xem là giải pháp quan trọng, cũng như sẽ bơm thêm 2.5 đến 3 triệu tỷ đồng vào nền kinh tế thông qua ngân hàng, để mở rộng việc kinh doanh sản xuất và thúc đẩy đầu tư.

Tuy nhiên việc nới lỏng tiền tệ cũng sẽ đi kèm với nhiều rủi ro, đặc biệt là nguy cơ lạm phát tăng cao, có thể bị “phi mã”, đe dọa trực tiếp đến sự ổn định của nền kinh tế vĩ mô. Một khi lạm phát vượt khỏi tầm kiểm soát sẽ bào mòn thu nhập thực tế của người dân, gia tăng tình trạng bất bình đẳng, khoét sâu thêm những mâu thuẩn, gây bất ổn trong xã hội, dẫn đến hậu quả nghiêm trọng lâu dài cho đất nước.

Tóm lại, trong khi Hà Nội đặt mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2025 đạt đến 8%, thì với mức thuế mới 46% do Hoa Kỳ áp đặt, Việt Nam không những không duy trì được mức tăng trưởng 6.5% của năm 2024, mà còn bị sụt giảm đáng kể hơn nữa.

Thêm vào đó, những ngành xuất khẩu chủ lực sẽ đối mặt với nguy cơ mất việc làm do cắt giảm sản xuất, làm tăng tỷ lệ thất nghiệp, nhất là tại các khu vực có nhiều nhà máy sản xuất hàng xuất cảng. Sự sụt giảm trong thu nhập từ xuất cảng cũng sẽ gây áp lực lên tỷ giá đồng Việt Nam, dẫn đến tình trạng lạm phát và tăng chi phí sinh hoạt. Đồng thời, việc giảm thặng dư thương mại với Mỹ cũng sẽ tạo ảnh hưởng tiêu cực đến nguồn vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài, tức “Foreign Direct Investment” (FDI), khi các nhà đầu tư lo ngại về sự ổn định và lợi nhuận từ việc sản xuất tại Việt Nam

Trước viễn ảnh đen tối đó, cho dù Thủ tướng CSVN Phạm Minh Chính có bay sang Mỹ đánh golf với Tổng thống Trump để nịnh bợ và xin xỏ, cũng không thể giải quyết được tình trạng “tuộc dốc” của nền kinh tế Việt Nam.

Xin cám ơn quý thính giả đã theo dõi bài quan điểm của chúng tôi.

 

No comments:

Post a Comment