Friday, April 11, 2025

Lừa đảo xuyên quốc gia – Nguyên nhân và hậu quả!

Bàn Ngang Tán Dọc

Sự kiện: Gần đây nhiều bạn trẻ Việt Nam đã bị lôi cuốn vào các tổ chức tội phạm xuyên quốc gia, vậy đâu là nguyên nhân, và hậu quả là gì?

Kịch Bản:

BC. Chào anh HS và MN. Có một chuyện từ lâu BC thắc mắc muốn bàn với anh chị, đó là những vụ lừa đảo xuyên quốc gia, trong ấy nhiều người VN là nạn nhân trong các vụ lừa đảo ấy. Anh chị có ý kiến gì về chuyện này không?

MN. Chào anh BC và anh HS. Đề tài anh BC nêu ra, theo MN thì liên quan đến nhiều vấn đề khác nhau, thí dụ như nạn buôn người, buôn ma túy, cờ bạc trên mạng, đầu tư dỏm, buôn bán vũ khí.... ôi thôi nhiu thứ lừa đảo lắm. Ý anh BC là muốn nói đến thứ nào cụ thể nhất?

BC- Ý BC là nói đến những vụ tìm việc nhàn hạ mà lãnh lương cao ấy mà.

HS- Chắc anh BC muốn nói đến những vụ mới xẩy ra gần đây tại Campuchia và Myanmar, do nhiều tổ chức lừa đảo xuyên quốc gia. Các tổ chức này dụ dỗ nạn nhân bằng những lời mời công việc hấp dẫn, sau đó ép buộc họ tham gia vào các hoạt động lừa đảo trực tuyến chắc?

BC- Rất chính xác. Cảm ơn anh HS.

MN- Nếu đúng vậy thì MN cũng đã đọc bản tin tại bang Shan ở  Miến Điện (Myanmar).Tháng 12 năm 2024, lực lượng quân đội Wa (UWSA) đã bắt giữ và trục xuất hơn 1,200 công dân Trung Cộng vì bọn này tham gia vào các hoạt động tội phạm lừa đảo qua mạng. Ngay tại Yangon, cảnh sát Myanmar đã bắt giữ 95 người khi đột kích vào một tổ chức lừa đảo trực tuyến. Những người bị bắt gồm công dân Myanmar và nước ngoài. Cảnh sát đã thu giữ nhiều thiết bị như ô tô BMW, máy tính, điện thoại .....

BC- Còn tại Campuchia, tháng 9 năm 2024, Bộ Tài chính Hoa Kỳ đã áp đặt lệnh trừng phạt đối với thương gia Campuchia Ly Yong Phat và các công ty liên quan do việc lạm dụng nhân quyền liên quan đến việc cưỡng bức lao động tại các trung tâm lừa đảo trực tuyến. Còn tại Hàn Quốc: Tháng 11 năm 2024, cảnh sát đã bắt giữ các thành viên của một nhóm lừa đảo hoạt động tại Campuchia. Nhóm này đã lừa đảo 66 người với số tiền lên đến 11,16 tỷ won (khoảng 8 triệu USD) thông qua các vụ lừa đảo đầu tư. Ban đầu hoạt động tại Lào, nhóm này đã chuyển đến Phnom Penh sau khi chính quyền Lào tăng cường trấn áp các hoạt động lừa đảo.

HS- Quả thật đây là  các hoạt động rất quy mô gồm Trung Cộng và các quốc gia dọc sông Mekong, như Myanmar, Thái Lan, Lào, Campuchia và Việt Nam. Theo báo cáo của Liên Hợp Quốc, các hoạt động lừa đảo trực tuyến tại Đông Nam Á đã gây thiệt hại lên đến 37 tỷ USD trong năm 2023. Trong năm 2024, có đến 70,000 tội phạm bị bắt giữ.Các nhóm tội phạm sử dụng kỹ thuật tiên tiến như trí tuệ nhân tạo và deepfake để thực hiện các vụ lừa đảo phức tạp, như lừa đảo tình cảm, đầu tư và tiền điện tử....v.v

MN- Câu hỏi chúng ta muốn biết là tại sao có nhiều người trẻ Việt Nam lại sa vào mạng lưới tội phạm nói trên?

BC- Đúng vậy, nhiều người trẻ Việt Nam  đã trở thành nạn nhân của những lời mời gọi hấp dẫn từ các tổ chức lừa đảo xuyên quốc gia ở Campuchia, Myanmar. Theo BC thì có mấy nguyên nhân sau: Lời mời gọi công việc "ngon ăn" và dễ dàng. Kẻ lừa đảo tuyển người qua Facebook, Zalo, Telegram hoặc các trang tuyển dụng, hứa hẹn lương cao (800–2.000 USD/tháng).Công việc nhẹ nhàng: chỉ ngồi máy tính, đánh máy, chăm sóc khách hàng, livestream bán hàng...Bao ăn ở, vé máy bay, hỗ trợ chi phí đi lại. Những người trẻ chưa có việc ổn định dễ bị hấp dẫn bởi mức lương cao trong khi không đòi hỏi trình độ cao.

HS. Vì họ thiếu thông tin khả năng nhận diện lừa đảo. Nhiều người không biết về những vụ lừa đảo trước đó, hoặc không ngờ các công việc ở nước ngoài lại nguy hiểm đến vậy. Họ không kiểm tra kỹ nguồn gốc công ty, giấy tờ, điều kiện hợp đồng....Kẻ xấu còn làm giả giấy tờ, website công ty, thậm chí mạo danh công ty thật để tạo cảm giác tin cậy. Rồi tâm lý nôn nóng muốn đổi đời. Đa số nạn nhân là người trẻ từ vùng nông thôn, kinh tế khó khăn, ít cơ hội nghề nghiệp tại quê nhà. Mong muốn "đi làm vài tháng kiếm vốn về mở tiệm", hoặc "giúp gia đình trả nợ" khiến họ dễ bị dụ.

MN- Họ còn bị dẫn dụ qua người quen nữa. Tâm lý "người quen từng đi, mình đi cũng sẽ ổn" khiến họ chủ quan. Nhiều trường hợp bị dụ bởi "người môi giới" là bạn bè, họ hàng hoặc người Việt từng làm trong các tổ chức đó. Những "cò" này được trả tiền hoa hồng (thường rất cao) để dụ dỗ người mới. Một số nạn nhân sau khi bị ép làm lừa đảo cũng bị bắt buộc phải tuyển thêm người để "trả nợ chuộc thân". Khi phát hiện bị lừa thì đã quá muộn. Họ bị tịch thu hộ chiếu, điện thoại, kiểm soát gắt gao, bị dọa nạt, đánh đập nếu không làm theo. Không biết đường trốn hoặc sợ báo cảnh sát vì  đe dọa sẽ bị giết hoặc bán sang nơi khác. Có nhiều người còn cho rằng "Đi làm nước ngoài là nở mày nở mặt", "ở quê không làm gì nên hồn". Một số gia đình còn hỗ trợ tiền để con cái "đi nước ngoài làm việc tốt hơn", không biết rằng con mình có thể bị bán vào bẫy lừa đảo nữa!

BC- Theo BC. Gốc rễ của vấn đề là vì thể chế chính trị của VN và hệ thống giáo dục lạc hậu, khiến nạn thất nghiệp cao, nên giới trẻ dễ dàng bị lừa. Anh chị nghĩ thế nào?

HS- Câu hỏi của anh BC rất hay và thực tế. Quả thật, tình trạng thất nghiệp và thiếu việc làm ổn định là một trong những nguyên nhân sâu xa khiến nhiều người trẻ ở Việt Nam rơi vào bẫy lừa đảo lao động xuyên quốc gia. Tuy ở VN nhà nước bảo tỷ lệ thất nghiệp chỉ có 2.3% đến 2.5% thôi?!

MN- Anh HS ơi. Hơi đâu mà nghe lời tuyên truyền của nhà nước csVN chứ! Thứ nhất là viêc làm không phản ánh đúng khả năng. Làm việc thiếu ổn định, thời vụ, tự do, không hợp đồng, đồng lương chết đói, không đủ sống, không có cơ hội phát triển nghề nghiệp. Làm trái ngành, trái nghề sau khi tốt nghiệp. Chính những điều đó khiến họ cảm thấy như đang “thất nghiệp ẩn” dù vẫn có việc.

HS- Rõ ràng là nếu không có hướng đi rõ ràng từ sớm thì giới trẻ rất dễ rơi vào cảnh mất phương hướng, lệch hướng hoặc sa vào rủi ro, như lừa đảo lao động hay tệ nạn xã hội. Cho nên chương trình giáo dục phổ thông phải giáo dục hướng nghiệp vào các môn như công nghệ, hoạt động trải nghiệm. Học sinh THPT nên chọn môn học định hướng theo năng lực và sở thích, thay vì học đồng loạt như hiện nay. Rồi phải có kế hoạch xây dựng trung tâm hướng nghiệp tại nhiều địa phương như thời VNCH trước kia chứ.

BC- Khốn nỗi ngành giáo dục của VN chưa thoát khỏi định kiến học là để lấy bằng cấp cao để khoe khoang với thiên hạ, còn học nghề là dành cho học sinh học kém mà thôi. Chính cái thể chế chinh trị độc tài và hệ thống giáo dục lạc hậu là nguyên do gây ra thảm nạn như chúng ta thấy hôm nay.

MN- MN hoàn toàn đồng ý với kết luận ấy của anh BC.

No comments:

Post a Comment