Việc sửa đổi Hiến pháp lẽ ra phải là sự kiện hệ trọng, phản ánh ý chí và quyền lực tối cao của nhân dân. Nhưng dưới chế độ độc quyền toàn trị của Đảng Cộng sản Việt Nam, nó đang trở thành một công cụ phục vụ cải tổ bộ máy theo ý chí của Bộ Chính trị– một cơ quan không có vị trí pháp lý trong Hiến pháp.
Trong chuyên mục BÌNH
LUẬN hôm nay, kính mời quý thính giả theo dõi bài viết “Trò Hề Hiến Pháp” của
tác giả ĐOÀN KHÔI, thành viên Ban Biên Tập Đài Đáp Lời Sông Núi, sẽ do Hướng Dương trình bày sau
đây
Để thực hiện kế hoạch tinh gọn bộ máy hành chánh bằng cách loại bỏ cấp huyện, ngày 28 tháng 2 năm 2025, Bộ Chính Trị Đảng CSVN ban hành Kết Luận 127-KL/TW, chỉ đạo nghiên cứu sửa đổi Hiến Pháp để tổ chức hệ thống hành chánh địa phương chỉ gồm hai cấp xã và tỉnh. Thi hành chỉ thị này, ngày 12 tháng 4, Ban Chấp Hành Trung Ương Đảng Khóa XIII thông qua Nghị quyết 60-NQ/TW ấn định hoàn tất sửa đổi Hiến Pháp trước ngày 30 tháng 6 năm 2025 để ban hành đúng ngày 1 tháng 7. Ba ngày sau, 15 tháng 4, Ủy Ban Thường Vụ Quốc Hội ban hành Nghị Quyết số 76 về việc sắp xếp đơn vị hành chánh và đề nghị sửa đổi một số điều khoản của Hiến Pháo 2013 để Quốc Hội thảo luận hầu kịp hoàn tất trước cuối tháng 6.
Các diễn biến trên, một lần nữa đã cho thấy, mặc dù Điều 69 Hiến pháp 2013 quy định Quốc hội là “cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân”, có quyền lập hiến, lập pháp và giám sát tối cao, nhưng trên thực tế, cơ quan này chỉ là cánh tay nối dài của Đảng, không có thực quyền và không phản ánh đúng bản chất đại diện của mình. Hệ thống “Đảng cử, dân bầu” đã triệt tiêu quyền tự ứng cử của công dân. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam – tổ chức bị Đảng kiểm soát toàn diện – và Hội đồng Bầu cử Quốc gia do các ủy viên Trung ương Đảng nắm giữ, là những bộ lọc chính trị bảo đảm rằng chỉ các ứng viên trung thành với Đảng mới được xuất hiện trên lá phiếu.
Điều đáng nói là đa số đại biểu Quốc hội đều là đảng viên. Số người ngoài đảng ngày càng ít và cũng không thực sự độc lập vì họ phải qua vòng hiệp thương chặt chẽ của hệ thống chính trị. Sự kiểm soát này khiến Quốc hội trở thành một tập hợp thuần nhất về tư tưởng và phục tùng tuyệt đối, thiếu tính đa nguyên cần thiết cho một cơ quan lập pháp đúng nghĩa.
Thực tế còn cho thấy phần lớn các đại biểu Quốc hội không sinh sống tại địa phương nơi họ được bầu làm đại diện. Họ là những người do trung ương cử xuống, thường là cán bộ cao cấp hoặc chính trị gia toàn thời gian, không có liên hệ mật thiết với cử tri địa phương. Mặc dù được giới thiệu là đại diện cho các tỉnh, họ chỉ có mặt hình thức trong kỳ bầu cử, rồi sau đó tiếp tục hoạt động ở trung ương, phục vụ các mục tiêu của bộ máy quyền lực chứ không phải quyền lợi của người dân.
Bên cạnh đó, phần lớn đại biểu trung ương làm việc toàn thời gian và được bố trí vào các vị trí lãnh đạo trong Quốc hội, trong khi đại biểu địa phương chủ yếu làm việc bán thời gian, chỉ tham gia các kỳ họp hai lần mỗi năm. Điều này dẫn đến sự mất cân đối trong quyền lực và ảnh hưởng: người địa phương bị gạt ra bên lề, còn người trung ương nắm quyền định đoạt, nhưng lại không chịu trách nhiệm với cử tri ở nơi họ đại diện.
Các cuộc bầu cử Quốc hội được mô tả là có tính cạnh tranh, nhưng trên thực tế đó là cuộc thi giữa các đảng viên với nhau để tranh giành suất thăng tiến trong hệ thống đảng, chứ không phải để giành lấy lòng dân. Theo nghiên cứu của các học giả quốc tế, nhiều ứng viên chỉ mong giành chiến thắng với tỷ lệ phiếu cao để chứng minh năng lực chính trị trước cấp trên, chứ không nhằm mục tiêu phục vụ cử tri. Khi kết quả bầu cử trở thành thước đo thăng tiến nội bộ, thì bản chất đại diện của Quốc hội đã bị bóp méo.
Thậm chí, có trường hợp ứng viên yêu cầu báo chí sửa tỷ lệ phiếu bầu để không bị “mất mặt” trước đồng nghiệp, cho thấy tính hình thức và hời hợt của cả quá trình. Cử tri trở thành khán giả bị động trong một vở kịch chính trị mà tất cả nhân vật chính đều đã được chọn sẵn.
Khi một cơ quan như Quốc hội – vốn bị chi phối hoàn toàn bởi Đảng – lại được giao quyền sửa đổi Hiến pháp theo chỉ đạo từ Bộ Chính trị, thì Hiến pháp không còn là đạo luật gốc của quốc gia nữa, mà chỉ là bản quy chế nội bộ được soạn lại để thuận tiện cho công tác tổ chức đảng. Người dân không được tham gia góp ý, không có trưng cầu dân ý, không có cơ chế phản biện – tất cả những yếu tố căn bản của một tiến trình lập hiến dân chủ đều bị loại bỏ.
Việc sửa Hiến pháp lần này, do đó, không xuất phát từ yêu cầu của xã hội, cũng không nhằm củng cố nền pháp quyền, mà chỉ để phục vụ việc tinh gọn bộ máy theo chiến lược chính trị của giới lãnh đạo. Đó không phải là cải cách, mà là sự áp đặt. Và một bản Hiến pháp được tạo ra bởi thiểu số, nhằm củng cố quyền lực của chính họ, thì không thể nào có tính chính danh trước toàn dân.
Khi Quốc hội không còn đại diện cho dân, khi quyền ứng cử và lựa chọn của cử tri bị tước đoạt, khi Hiến pháp bị sửa đổi theo mệnh lệnh thay vì đồng thuận xã hội, thì nền dân chủ chỉ còn là vỏ rỗng. Đó là biểu hiện của một thể chế không dựa trên pháp quyền, mà dựa trên quyền lực chính trị độc đoán.
Một nhà nước như thế không thể mong được nhân dân tin tưởng, cũng không thể duy trì sự ổn định bền vững nếu tiếp tục phớt lờ vai trò và quyền làm chủ của người dân./.
No comments:
Post a Comment