Việc CSVN mời quân đội Trung Cộng, Campuchia và Lào tham dự cuộc diễn binh nhân dịp kỷ niệm ngày 30 tháng 4 năm nay đã tạo ra một làn sóng phẫn nộ trong lòng nhiều người dân Việt Nam trong và ngoài nước. Quyết định này không chỉ gây tổn thương sâu đậm đến ký ức lịch sử và tinh thần dân tộc mà còn cho thấy sự xem thường ý chí của nhân dân cũng như chủ quyền và danh dự quốc gia.
Mời quý thính giả theo dõi bài QUAN ĐIỂM của Lực Lượng Cứu Quốc, về sự kiện này, tựa đề “Quyết Định Xuẩn Động Của Cộng Sản Việt Nam” qua giọng đọc của HẢI NGUYÊN để kết thúc chương trinh phát thanh hôm nay.
Ngày 30 tháng 4 là một mốc thời gian đầy tranh cãi. Đối với một số người, đó là ngày “thống nhất đất nước”; nhưng đối với hàng triệu người Việt khác, đặc biệt là những người từng sống tại miền Nam trước năm 1975, đó là ngày đau buồn vì một nền Cộng Hòa bị xóa bỏ, ngày chấm dứt tự do, ngày bắt đầu của làn sóng vượt biển, của các trại cải tạo, và của một thời kỳ đen tối về nhân quyền. Việc tổ chức diễn binh trong ngày này vốn đã mang tính khiêu khích và phân hóa sâu đậm, nhưng việc mời quân đội các quốc gia láng giềng—trong đó có Trung Cộng, một kẻ thù truyền kiếp và hiện vẫn đang chiếm đóng Hoàng Sa, đe dọa Trường Sa—là một quyết định xuẩn động, không thể chấp nhận.
Quân đội Trung Cộng từng gây ra vô số tổn thất cho Việt Nam, không chỉ trong cuộc chiến biên giới năm 1979 mà còn qua các hành vi bành trướng trên biển Đông, đâm chìm tàu cá, giết hại ngư dân, và xây dựng các căn cứ quân sự trái phép trên vùng lãnh thổ thuộc chủ quyền Việt Nam. Hành động mời quân đội Trung Cộng diễn binh trên đất Việt, trong một dịp được gọi là “chiến thắng của dân tộc”, chẳng khác nào sỉ nhục chính những người lính Việt Nam đã ngã xuống để bảo vệ tổ quốc trước họng súng Trung Cộng. Điều này không chỉ là sự phản bội đối với xương máu của đồng bào mà còn là một thông điệp sai lầm gửi đến thế giới về vị thế và danh dự của Việt Nam.
Campuchia và Lào, dù có chung đường biên giới và quan hệ hữu nghị với Việt Nam, vẫn không thể là ngoại lệ trong hoàn cảnh này. Nhà cầm quyền Campuchia hiện nay vốn chịu ảnh hưởng sâu đậm từ Bắc Kinh, và từng có nhiều tuyên bố gây hấn về vấn đề biên giới. Mặt khác, việc Lào phụ thuộc vào Trung Cộng về kinh tế và hạ tầng cũng khiến vai trò của quân đội Lào trong cuộc diễn binh này mang tính biểu tượng cho ảnh hưởng của Bắc Kinh hơn là cho tinh thần láng giềng hữu nghị. Việc mời các nước này tham gia một sự kiện mang đậm dấu ấn lịch sử dân tộc của Việt Nam chỉ làm gia tăng nghi ngờ về sự lệ thuộc của chính quyền Hà Nội đối với Trung Cộng và khối ảnh hưởng do Bắc Kinh dẫn đầu.
Ngoài ra, mời các đoàn quân ngoại bang diễn binh trên đất nước trong một ngày tưởng niệm chiến tranh còn cho thấy một sự lệch lạc nghiêm trọng trong cách hiểu và thể hiện lòng yêu nước. Một nhà nước vững mạnh và có chính nghĩa không cần phải dựa vào sự hiện diện của quân đội nước ngoài để thể hiện uy quyền. Trái lại, điều đó chỉ cho thấy sự yếu kém về tính chính danh và một nỗi lo sợ ngầm trước sự nổi dậy của lòng dân. Trong khi đó, dân chúng Việt Nam ngày càng mất lòng tin vào bộ máy cai trị, và hành động phô trương lực lượng quân đội nước ngoài này có thể sẽ phản tác dụng, làm bùng lên ngọn lửa phản kháng trong lòng dân tộc.
Thái độ cam chịu hoặc thậm chí tiếp tay cho sự hiện diện quân sự của Trung Cộng, Campuchia, và Lào trong dịp 30 tháng 4 năm nay là biểu hiện rõ rệt của một sự đầu hàng chính trị. Nó cho thấy rằng nhà cầm quyền không còn xem trọng yếu tố độc lập dân tộc, không còn nhạy cảm với những mất mát, đau thương trong lịch sử dân tộc, mà chỉ chú trọng vào việc duy trì quyền lực bằng bất cứ giá nào, kể cả cái giá phải trả là danh dự quốc gia và lòng dân.
Không những thế, hành vi này còn vi phạm tinh thần hòa giải dân tộc. Nếu nhà cầm quyền thực sự muốn hóa giải hận thù, hàn gắn chia rẽ sau cuộc nội chiến, thì trước hết phải tôn trọng sự thật lịch sử, công nhận những mất mát của cả hai phía và xây dựng niềm tin từ sự chân thành. Nhưng khi chọn cách tổ chức diễn binh với quân đội ngoại bang, đặc biệt là quân đội của nước từng và đang xâm phạm lãnh thổ Việt Nam, thì đó không phải là hòa giải mà là khiêu khích và làm sâu thêm hố chia rẽ trong lòng dân tộc.
Những người yêu nước chân chính không thể nào im lặng trước hành động này. Đây không còn là vấn đề quan điểm chính trị hay ý thức hệ, mà là vấn đề sống còn của tinh thần dân tộc. Trong bối cảnh Việt Nam đang đối diện với nhiều thách thức cả trong và ngoài nước, điều cần thiết là sự đoàn kết thật sự từ lòng dân, chứ không phải là những màn phô diễn bề ngoài rỗng tuếch và lệ thuộc. Danh dự dân tộc không thể đánh đổi bằng vài nghi thức ngoại giao giả tạo, càng không thể bị chôn vùi bởi những toan tính chính trị thiển cận.
Một chính quyền khôn ngoan là chính quyền biết lắng nghe dân, biết gác lại những tuyên truyền chiến thắng để tập trung vào xây dựng một tương lai chung cho toàn dân tộc. Nhưng nếu vẫn tiếp tục hành xử như thể đất nước là tài sản riêng của một đảng, của một nhóm người có đặc quyền, và tiếp tục xem nhẹ cảm xúc của dân tộc, thì sớm hay muộn cũng sẽ phải đối mặt với cơn thịnh nộ của toàn dân./.
No comments:
Post a Comment