Mở đầu chương trình, Ngọc Sương và Hải Vân mời quý thính giả theo dõi phần Tin Tức.
1/HƠN 300 NGÀN QUÂN TÀU THAM CHIẾN TẠI CUỘC CHIẾN VN
Đây là lần đầu tiên mà bạo quyền VN công nhận là hơn 300 ngàn quân Tàu đã tham gia cuộc chiến VN hơn 50 năm trước đây.
Tờ báo Vietnamnet vào hôm qua 20/4 đã cho đăng tải bài viết với tựa đề “Sự giúp đỡ của Trung Quốc trong kháng chiến chống Mỹ”, trong đó tiết lộ sự can dự của Trung Cộng vào cuộc chiến tranh Việt Nam một cách chi tiết.
Nội dung bài báo tiết lộ là Trung Cộng đã cử 346 chuyên gia cùng 310 ngàn bộ đội sang Việt Nam trong khoảng thời gian từ năm 1965 đến năm 1968. Trong đó có hơn 700binh sĩ tử trận, và hàng ngàn người bị thương. Trong khi đó, tại thời điểm cao nhất, số lính Mỹ hiện diện ở miền nam là hơn 500 ngàn người.
Ở miền bắc, binh sĩ Trung Cộng chủ yếu tham chiến trong vai trò phòng không, rà phá bom mìn và công binh. Ngoài trực tiếp cử lính tham chiến, Trung Cộng còn viện trợ cho miền bắc số hàng hóa khổng lồ.Theo bài báo nói trên thì từ năm 1955 tới năm 1975, Trung Cộng chuyển cho Bắc Việt hơn 1 triệu rưởi tấn hàng hóa.
Bài viết này được đăng tải trong bối cảnh Việt Nam đang rầm rộ chuẩn bị cho lễ kỷ niệm 50 năm kết thúc chiến tranh, trong đó sẽ có màn diễu binh tại Sài Gòn của hàng chục ngàn quân nhân. Thông tin khiến nhiều người chú ý là việc quân đội Trung Cộng được mời tham dự, điều này đặt ra câu hỏi về vai trò của nước này trong chiến tranh Việt Nam.
Bài báo nói trên đã cung cấp câu trả lời một cách rõ ràng.Đảng CSVN vẫn thừa nhận sự giúp đỡ của Trung Cộng đối với miền bắc trong nỗ lực chiến tranh nhưng lại chưa từng thừa nhận việc lính Trung Cộng trực tiếp tham gia chiến đấu.
Ở Việt Nam, chính sách tuyên truyền nhất quán của chế độ vẫn tập trung đề cao vai trò của đảng CSVN trong nỗ lực giải phóng dân tộc, riêng vai trò của Liên Xô và Trung Cộng chỉ dừng lại ở các hỗ trợ hậu cần.
Vai trò của Trung Cộng đối với chiến thắng sau cùng của miền bắc thậm chí đã bị xóa bỏ sau khi Trung Cộng tấn công Việt Nam vào năm 1979. Hai nước đã bình thường hóa quan hệ vào năm 1991tại hội nghị tại Thành Đô của Trung Cộng vào năm 1990.
https://www.rfa.org/vietnamese/trong-nuoc/2025/04/20/linh-trung-quoc-mien-bac-chien-tranh/
2/ CAMPUCHIA VAY TRUNG CỘNG HƠN 1 TỶ MỸ KIM ĐỂ TIẾP TỤC KÊNH ĐÀO PHÙ NAM
Campuchia đã vay mượn 1.2 tỷ Mỹ kim từ Trung Cộng để tiếp tục dự án kênh đào Phù Nam, trong chuyến thăm cấp nhà nước của Chủ tịch Trung Cộng Tập Cận Bình.
Đại sứ Trung Cộng tại Campuchia là Vương Văn Bân đã khẳng định Trung Cộng hoàn toàn thấu hiểu nhu cầu của Campuchia đối với dự án kênh đào Phù Nam, nên sẽ tiếp tục hỗ trợ.
Ông Vương Thông Châu, chủ tịch tập đoàn Xây dựng Giao thông Trung Cộng, cho biết đây là tuyến đường thủy và là công trình hạ tầng giao thông quan trọng tại Campuchia. Sau khi hoàn thành, dự án sẽ giảm đáng kể chi phí vận chuyển tại Campuchia. Theo đó thì các nhà đầu tư Campuchia nắm giữ 51% cổ phần và các nhà đầu tư Trung Cộng nắm giữ 49%.
Dự án kênh đào Phù Nam Techo dài hơn 150 cây số, kéo dài từ con sông Bassac gần Phnom Penh tới tỉnh ven biển Kep, có khả năng tiếp nhận tàu có trọng tải lên đến 3 ngàn tấn. Dự án có phí tổnlà 1.7 tỷ Mỹ kim.
Campuchia kỳ vọng sẽ thu được 88 triệu Mỹ kim mỗi năm từ phí vận chuyển nhờ dự án này. Con số này sẽ tăng lên 570 triệu Mỹ kim mỗi năm vào năm 2050.
Việt Nam cũng đã nhiều lần lên tiếng về việc xây dựng kênh đào này, đề nghị Campuchia chia xẻ thông tin đánh giá tác động môi trường của dự án nhưng dường như Phnom Penh vẫn chưa cung cấp đầy đủ, với tuyên bố đây là vấn đề nội bộ của nước này.
https://www.bbc.com/vietnamese/articles/c93gwwjq70zo
3/ TỔNG THỐNG UKRAINE CÁO BUỘC NGA VI PHẠM LỆNH NGƯNG BẮN
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky vào hôm 19/4 đã cáo buộc Nga vi phạm lệnh ngừng bắn do chính Tổng thống Vladimir Putin ban hành nhân dịp lễ Phục sinh.
Cần biết là ông Putin đã ra lệnh ngừng bắn trong vòng 30 tiếng, từ chiều ngày 19/4 cho đến rạng sáng 21/4. Tuy nhiên các cuộc oanh kích của Nga vẫn tiếp diễn, cụ thể là cuộc tấn công bằng drone nhắm vào khu vực Kherson ở miền nam Ukraine.
Ngoại trưởng Ukraine khẳng định là những tuyên bố của ông Vladimir Putin về lệnh ngừng bắn không đáng tin cậy và Ukraine sẽ đánh giá tình hình dựa trên hành động, chứ không dựa trên lời nói. Phát biểu này cho thấy chính quyền Ukraine rất nghi ngờ về sự chân thành của quân Nga khi tuyên bố ngừng bắn.
Bằng cách ban hành một lệnh ngừng bắn bất ngờ nhân dịp lễ Phục sinh, ông Vladimir Putin một lần nữa thể hiện thái độ luôn khiến người khác bất ngờ. Mặc dù theo ông Putin, lệnh ngừng bắn này được đưa ra vì lý do nhân đạo, nhưng xét đến tầm quan trọng của giáo hội trong cơ cấu quyền lực Nga, có thể thấy đây là một tín hiệu mạnh gửi tới người dân.
Nhưng quan trọng hơn, tổng thống Nga đang đáp lại những chỉ trích từ Hoa Kỳ và Âu châu, cáo buộc Vladimir Putin đang tìm cách câu giờ trước khi thực hiện lệnh ngừng bắn 30 ngày mà Ukraine và Hoa Kỳ đã đồng ý.
https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20250420-tt-ukraina-cao-buoc-nga-vi-pham-lenh-ngung-ban-nhan-dip-le-phuc-sinh
4/ DÂN NAM HÀN CÀNG BÀI TRUNG CỘNG SAU KHI TỔNG THỐNG BỊ PHẾ TRUẤT
Tại Nam Hàn, tư tưởng bài Trung Cộng ngày càng gia tăng trong nhóm ủng hộ tổng thống bị phế truất Yoon Suk Yeol. Những người ủng hộ cựu tổng thống tổ chức các cuộc biểu tình bạo lực tại các khu phố Trung Cộng ở thủ đô Seoul, yêu cầu người Hoa quay trở về Trung Cộng.
Làn sóng này được thúc đẩy bởi các thành viên của đảng Bảo thủ, với lời cáo buộc Bắc Kinh là nguyên nhân gây ra cuộc khủng hoảng chính trị dẫn đến việc tổng thống Yoon bị phế truất.
“Những người Trung Hoa và người theo cộng sản, hãy cút đi” là khẩu hiệu mà người ủng hộ tổng thống bị phế truất Yoon Suk Yeol hô vang trên các con phố của khu vực Jayang ở thủ đô Seoul, nổi tiếng với nhiều nhà hàng Trung Cộng.
Cuộc biểu tình do hàng ngàn sinh viên ủng hộ ông Yoon, được coi là nhóm cực đoan nhất trong thành phần ủng hộ ông. Họ đến để quấy rối các chủ nhà hàng Trung Cộng vào buổi tối và đã xô xát với một một chủ nhà hàng khiến người này phải nhập viện. Sau biến cố này, cộng đồng người Hoa đang lo ngại về tình trạng bạo lực leo thang từ phía người biểu tình.
Kể từ tháng 12 năm ngoái, các quan chức cấp cao của đảng Bảo thủ và những người ủng hộ cựu tổng thống đã cáo buộc Trung Cộng là chủ mưu gây ra những rối loạn dẫn đến việc ông Yoon bị phế truất. Thuyết âm mưu này được lan truyền rộng rãi và nay đã trở thành hiện thực với những hành động bạo lực nhắm vào cộng đồng người Hoa.
Tòa đại sứ Trung Cộng tại Seoul đang lo ngại về sự gia tăng tư tưởng thù địch đối với người Hoa tại Nam Hàn và khuyến cáo công dân hãy tránh xa các cuộc biểu tình. Vào tháng 2 vừa qua, một người ủng hộ tổng thống Yoon đã tìm cách xâm nhập vào tòa đại sứ Trung Cộng tại Seoul.
Trong khi đó cảnh sát Nam Hàn thông báo sẽ tăng cường lực lượng bảo đảm an ninh ở những khu phố Hoa kiều có nguy cơ bị hành hung.
No comments:
Post a Comment