Khi chúng ta xem những video về học sinh mặc đồng phục, quàng khăn đỏ, hút thuốc lá và chửi thề ngay trong khuôn viên trường học, nhiều người sẽ đổ lỗi cho các em, cho nhà trường, hay cho phụ huynh vì thiếu trách nhiệm trong việc dạy dỗ chúng. Nhưng nếu nhìn sâu hơn, chúng ta phải dồn sự giận dữ và trách nhiệm vào một nơi chính xác hơn: Đảng Cộng sản Việt Nam. Trong phần bình luận hôm nay, mời quý thính giả theo dõi bài viết của Thành Sơn, biên tập viên đài DLSN, với tựa đề “DÂN CHỦ HÓA: CON ĐƯỜNG DUY NHẤT CỦA VIỆT NAM”, sẽ do Miên Dương trình bày để kết thúc chương trình phát thanh tối hôm nay
Đem sự lạc hậu để thay thế văn minh
Việt Nam giai đoạn 1939-1945, dù dưới sự cai trị của thực dân Pháp, vẫn phản ánh một xã hội có văn hóa và phép tắc. Mặc dù bị coi là "hủ hóa", lạc hậu, chúng ta vẫn thấy rõ những chuẩn mực nhân văn: các tầng lớp trong xã hội đều biết tôn trọng nhau, từ phú hộ đến thầy đồ, từ nông dân đến quan lại. Dù giàu có, những người phú hào vẫn phải tôn trọng những người trí thức, thể hiện sự phân biệt rõ ràng giữa trên và dưới, giữa thầy và trò.
Đặc biệt, giai đoạn 1954-1975, dưới chế độ Việt Nam Cộng Hòa (VNCH), người dân miền Nam cũng đã thể hiện sự văn minh, phát triển không kém gì các quốc gia phương Tây. Các thành phố lớn như Sài Gòn, Huế hay Đà Nẵng đều có một đời sống đô thị hiện đại, với các trường học, bệnh viện, cơ sở hạ tầng, và các giá trị văn hóa phong phú. Môi trường giáo dục thời VNCH chú trọng vào việc đào tạo nhân tài, khuyến khích tư duy phản biện và sáng tạo, điều này phản ánh rõ trong những nhân vật nổi bật như các nhà văn, nhà báo, học giả.
Nhưng những giá trị đó đã bị tàn phá khi chế độ cộng sản lên nắm quyền sau biến cố 30/4/1975, thay vào đó là một hệ thống giáo dục lạc hậu, tạo ra những con người độc ác và những thế hệ chỉ biết cúi đầu. Nếu chỉ được lấy một ví dụ để minh họa cho sự độc ác và thao túng luật pháp trong hệ thống công quyền, thì câu chuyện án oan Hồ Duy Hải là một trường hợp điển hình. Khó mà tưởng tượng nổi người đứng đầu ngành tòa án Việt Nam- nơi công lý phải được tôn trọng tuyệt đối, lại chỉ đạo cấp dưới mua dao và thớt ngoài chợ để làm vật chứng, hợp thức hóa bản án tử hình đối với một thanh niên vô tội. Quyết tâm thực hiện tội ác đó là một trong những yếu tố “ghi điểm” để ông Chánh án ngày ấy, cũng là một cựu công an, giờ đây chễm trệ trên chiếc ghế Phó Thủ tướng Chính phủ.
Những gì chúng ta đang chứng kiến ngày nay, từ sự thiếu tôn trọng trong
trường học đến sự băng hoại trong các cơ quan công quyền, chính là hệ quả của
việc thay thế các giá trị văn hóa truyền thống bằng một hệ tư tưởng độc đoán,
độc quyền.
Con đường duy nhất: Dân chủ hóa đất nước
Dưới chế độ cộng sản, quyền lực đã tập trung vào tay một nhóm người, và mọi nỗ lực chống lại họ đều bị dập tắt ngay lập tức. Quốc Hội, lẽ ra phải là nơi đại diện cho quyền lợi của người dân, đã trở thành công cụ của đảng cầm quyền, nơi mà mọi quyết định đã được dàn dựng sẵn, không có sự tham gia thực sự của người dân. Hơn 90% đại biểu Quốc Hội hiện nay là đảng viên, và những người ngoài Đảng chỉ đóng vai trò "quân xanh, quân đỏ", không có tiếng nói thực sự.
Thực tế, Quốc Hội Việt Nam đã trở thành một tổ chức hình thức, không có thực quyền, giống như một sân khấu kịch do Đảng dựng lên để bắt người dân "thưởng thức". Đảng Cộng sản đã tự đặt mình lên trên Hiến pháp và pháp luật, ngang nhiên coi mình cao hơn cả Quốc Hội.
Hệ thống truyền thông và giáo dục dưới chế độ này cũng không khá hơn. Truyền thông bị kiểm soát chặt chẽ, các bài viết chỉ được phép đăng tải nếu chúng phục vụ cho lợi ích của Đảng. Bạn tôi, một nữ nhà báo đã bỏ ra nhiều tháng “nằm vùng” để thu thập bằng chứng về việc doanh nghiệp Trung Hoa xả thải ra sông Đồng Nai, đã phải tức tưởi, ngậm ngùi vì bài viết bị cấm đăng mà không một lời giải thích.
Hệ thống giáo dục, thay vì truyền tải những giá trị nhân văn và tinh thần
tự do, chỉ dạy học sinh biết đọc, biết viết, biết đếm, đủ để sản xuất ra của
cải, vật chất làm giàu cho giới lãnh đạo, quan chức cộng sản.
Chúng ta có thể lấy những quốc gia dân chủ làm minh chứng cho thấy sức mạnh
của việc trao quyền cho người dân. Mặc dù các quốc gia này có những bất ổn và
khuyết điểm, nhưng họ vẫn cho phép người dân thay đổi lãnh đạo và cải cách xã
hội thông qua các cuộc bầu cử tự do. Đó là quyền mà người dân cần có, và đó là
con đường duy nhất Việt Nam phải đi để thay đổi vận mệnh đất nước, vận mệnh
từng con dân Việt Nam.
No comments:
Post a Comment