Chính trường Việt Nam đang trở thành tâm điểm chú ý khi đất nước tiến gần đến Đại Hội lần thứ 14 của đảng Cộng sản Việt Nam (CSVN). Câu hỏi quan trọng nhất lúc này là: Ai sẽ thủ đắc vị trí Tổng Bí Thư? Mời quý thính giả nghe phần bình luận của tác giả Giao Phương Trần, thành viên Ban Biên Tập đài ĐLSN với tựa đề: “Tô Lâm, Phạm Minh Chính Và Tương Lai Chính Trị Việt Nam”qua sự trình bày của Nguyên Khải để tiếp nối chương trình phát thanh tối hôm nay.
Giao Phương Trần
Khi Đại hội 14 của đảng Cộng sản Việt Nam (CSVN) đến gần, giới quan sát quốc tế theo dõi sát cuộc đua giành vị trí Tổng Bí thư. Cuộc cạnh tranh chủ yếu giữa TBT Tô Lâm và Thủ tướng Phạm Minh Chính, không chỉ là cuộc đấu đá nội bộ mà còn phản ánh sự đối đầu giữa hai hướng đi khác nhau cho tương lai chính trị Việt Nam: duy trì kiểm soát an ninh nghiêm ngặt, hay mở rộng cải cách kinh tế và hội nhập quốc tế.
Trong cuộc đua này, Tô Lâm và Phạm Minh Chính, mỗi người đại diện cho một phe phái chính trị và một đường lối lãnh đạo khác nhau, và cuộc tranh cử lần này quyết định hướng đi của Việt Nam trong thời gian tới.
Từng là Bộ trưởng Bộ Công an, Tô Lâm kiểm soát một trong những cơ quan quyền lực nhất của Việt Nam. Xuất thân từ ngành an ninh và có nhiều năm hoạt động trong lĩnh vực bảo vệ chính trị, Tô Lâm có ảnh hưởng lớn đối với nội bộ đảng và chính phủ. Bộ Công an đóng vai trò chủ chốt trong việc duy trì sự ổn định chính trị, kiểm soát các phong trào đối lập và thực thi kỷ luật trong đảng.
Nhắc lại dưới thời Nguyễn Phú Trọng, Tô Lâm đã trở thành một trong những người thực thi mạnh mẽ chiến dịch chống tham nhũng, qua cái gọi là “đốt lò”, giúp củng cố vị thế của ông trong nội bộ đảng. Sự trung thành của Lâm đối với chiến dịch này khiến ông trở thành ứng viên hàng đầu nếu đảng CSVN muốn tiếp tục đường lối kiểm soát chặt chẽ nội bộ và duy trì sự độc tôn chính trị.
Dù vậy, Tô Lâm cũng có những điểm yếu. Việc ông xuất hiện trong đoạn video ăn bò bít tết dát vàng tại London năm nào đã gây ra nhiều chỉ trích trong dư luận, làm tổn hại hình ảnh của ông trong mắt công chúng. Ngoài ra, ảnh hưởng của ông trong Bộ Công an đối với vấn đề nhân quyền và kiểm soát đối lập cũng có thể khiến Tây phương lo ngại nếu ông tiếp tục giữ chức Tổng Bí thư.
Ngược lại với Tô Lâm, Thủ tướng Phạm Minh Chính được xem là một nhà lãnh đạo thiên về cải cách và thực dụng. Tuy cũng xuất thân từ ngành an ninh, nhưng sự nghiệp chính trị của Chính lại gắn liền với công tác quản lý kinh tế và hành chính.
Dưới sự lãnh đạo của Phạm Minh Chính, Việt Nam có đạt được một số thành tựu về phục hồi kinh tế, và hội nhập quốc tế. Chínhtừng đã khẳng định mình là một chính khách có khả năng cân bằng quan hệ giữa các cường quốc như Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản và Liên minh Âu châu.
Một trong những thành công lớn nhất của Phạm Minh Chính là khả năng thu hút đầu tư nước ngoài và duy trì phần nào sự ổn định kinh tế, giúp Việt Nam trở thành một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh trong khu vực Đông Nam Á. Ngoài ra, ông cũng thúc đẩy các chính sách cải cách hành chính và tăng cường quan hệ đối tác với các nước phát triển.
Tuy nhiên, việc Chính theo đuổi đường lối cải cách cũng có thể gặp phải sự phản đối từ phe bảo thủ trong đảng, những người ưu tiên kiểm soát chính trị hơn là mở cửa kinh tế. Ngoài ra, để có được chiếc ghế Tổng Bí thư, Chính cần phải giành đủ sự ủng hộ trong Bộ Chính trị, nơi có nhiều nhân vật có xu hướng bảo thủ như Tô Lâm.
Cuộc đua giữa Tô Lâm và Phạm Minh Chính phản ánh sự chia rẽ sâu đậm trong nội bộ đảng về định hướng tương lai của đất nước. Lịch sử cho thấy, quá trình chuyển giao quyền lực trong đảng CSVN luôn được dàn xếp một cách chặt chẽ nhằm bảo đảm sự đoàn kết và tính liên tục của nhà cầm quyền.
Sự lựa chọn giữa hai ứng viên này sẽ quyết định Việt Nam sẽ đi theo hướng nào: tiếp tục chính sách kiểm soát chặt chẽ như dưới thời Nguyễn Phú Trọng hay mở rộng cải cách kinh tế để nâng cao vị thế đất nước trên trường quốc tế.
Đối với phương Tây và giới đầu tư quốc tế, một Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Tô Lâm có thể trở nên bảo thủ hơn về chính trị, cứng rắn hơn về quản lý xã hội và kém hấp dẫn hơn về kinh tế.
Ngược lại, Phạm Minh Chính được giới quan sát quốc tế đánh giá là một lãnh đạo có tư duy thực dụng và linh hoạt hơn về mặt kinh tế. Mặc dù vẫn là một chính trị gia trung thành với đảng, Phạm Minh Chính đã thể hiện khả năng cân bằng giữa ổn định chính trị và phát triển kinh tế, điều mà các nhà đầu tư và cộng đồng quốc tế coi là tín hiệu tích cực.
Có thể khẳng định, cuộc đua giữa Tô Lâm và Phạm Minh Chính không chỉ là chuyện nội bộ đảng CSVN mà nó còn là phép thử cho mô hình quản trị của Việt Nam trong tương lai.
Tưởng cũng nên nói đến một nhân vật thứ ba khác cũng không kém phần quan trọng trong cuộc đua tranh giành chiếc ghế TBT, đó là Chủ tịch nước Lương Cường, thuộc phe quân đội. Tuy bề thế không so được với Tô Lâm và Phạm Minh Chính, nhưng đừng quên, trong quá khứ đã xảy ra kịch bản Nông Đức Mạnh lên nắm chức TBT khi Lê Khả Phiêu không trụ lại được thêm một nhiệm kỳ nữa. Cụ thể, nếu Bộ chính trị không giải quyết những thách thức về hai nhân vật Tô Lâm và Phạm Minh Chính và mong muốn có một góc nhìn khác, thì điều này có thể mở ra một cơ hội cho Lương Cường.
Dù ai lên nắm quyền, tương lai của Việt Nam vẫn sẽ chẳng thay đổi gì. Có chăng là một sự cân bằng giữa ổn định chính trị và phát triển kinh tế, nhưng mức độ linh hoạt và hướng đi cụ thể sẽ phụ thuộc vào người chiến thắng trong cuộc đua này. Chỉ có người dân là đứng ngoài sự tranh chấp của đảng vì khát vọng tự do, dân chủ và nhân quyền, những món ăn tinh thần“xa xỉ” này không có trong thực đơn của đảng CSVN.
No comments:
Post a Comment