Mở đầu chương trình mời quý vị theo dõi phần Tin Tức với Phụng Hoàng & Trường An.
1/ MỘT TÍN ĐỒ TIN LÀNH Ở GIA LAI BỊ KẾT ÁN 8 NĂM TÙ
Bạo quyền tỉnh Gia Lai vào hôm 28/9 đã tuyên
án 8 năm tù đối với ông Rlan Thih, một tín đồ Tin lành, với cáo buộc “phá hoại
chính sách đoàn kết”.
Bản án trên được đưa ra trong phiên tòa chỉ kéo dài vài giờ
vào buổi sáng, nhưng không rõ là ông Rlan Thih có luật sư bào chữa hay không.
Bình luận về bản án của ông Rlan Thih, một nhà đấu tranh
cho tôn giáo cho rằng bạo quyền Hà Nội thường xử dụng cáo buộc “phá hoại chính
sách đoàn kết” theo điều 116 của bộ luật hình sự để trấn áp những người thuộc
các cộng đồng thiểu số ở Tây Nguyên hoặc miền núi phía bắc.
Ông Rlan Thih 43 tuổi, cư trú tại làng Pang, xã Ia Glai,
huyện Chư Sê. Ông bị bắt vào ngày 19/12 năm ngoái. Theo cáo trạng của bạo quyền,
từ năm 2008 đến khi bị bắt, ông Rlan Thih đã nghe theo nhóm FULRO lưu vong ở
nước ngoài, lén lút tuyên truyền cho nhiều người thiểu số ở xã Ia Glai tham gia
một nhóm “Tin lành Đêga” với âm mưu thành lập “Nhà nước riêng của người dân tộc
thiểu số ở Tây nguyên”.
Nếu đúng như vậy thì tội danh của ông Rlan Thih phải là
“hoạt động chống phá nhà nước” chứ không thể là “phá hoại chính sách đoàn kết”.
Ông bị cho là đã lôi kéo một số người tham gia và phân công
các chức danh cho từng người ở cấp làng, với mục đích gây chia rẽ khối đoàn kết
dân tộc. Theo báo chí lề đảng, ông Rlan Thih từng tham gia biểu tình tại Gia
Lai vào năm 2001 và 2004. Theo đó thì đến nay ông vẫn ngoan cố, không từ bỏ
hành vi chống phá đảng và nhà nước, nhưng không nói rõ các hành vi này là gì.
Theo thống kê của các tổ chức nhân quyền trên thế giới, hiện có gần 60 người thiểu số bị cầm tù tại VN với cáo buộc “phá hoại chính sách đoàn kết”, bị kết án từ 4 năm đến 20 năm.
2/ VN CẦN CẢI TỔ GẤP RÚT VỀ NHÂN QUYỀN TRƯỚC KỲ KIỂM ĐỊNH SẮP ĐẾN
Tổ chức Giám sát Nhân quyền (HRW) vào ngày 3/10 kêu gọi bạo
quyền Việt Nam cần khẩn cấp cải tổ quyền con người, trước kỳ kiểm điểm phổ quát
định kỳ tại LHQ lần thứ tư vào năm tới.
Thông cáo của tổ chức này nhấn mạnh đây là cơ hội thúc giục
Việt Nam thay đổi trong lãnh vực nhân quyền. Trong phần trình bày gửi đến LHQ,
tổ chức Giám sát Nhân quyền cảnh báo là đại diện VN sẽ phải đối mặt với biện
pháp rà soát kỹ càng do tình trạng đàn áp sâu rộng đối với giới hoạt động và
không cải cách những luật lệ bị cho là lạm quyền.
Bà Elaine Pearson, giám đốc Á châu của HRW, nhấn mạnh là những
vi phạm về quyền con người của Việt Nam cho thấy mọi lời hứa của Hà Nội đối với
Liên minh Âu châu và những chính phủ khác về vấn đề nhân quyền đều vô nghĩa.
Theo bà thì tình trạng đàn áp có hệ thống của bạo quyền Việt
Nam đối với các quyền dân sự và chính trị lẽ ra phải chịu sự trừng phạt nặng
hơn nữa của các nhà tài trợ quốc tế và các đối tác thương mại.
Theo tổ chức Giám sát Nhân quyền, trong 4 năm qua, bạo
quyền VN đã truy tố ít nhất 139 người theo các điều luật hà khắc.
Cần biết là Hội đồng Nhân quyền LHQ sang năm sẽ tiến hành kỳ kiểm điểm phổ quát định kỳ lần thứ tư đối với Hà Nội. Thành tích nhân quyền của VN bị cho là trở nên tồi tệ đáng kể từ lần kiểm điểm thứ ba vào tháng Giêng năm 2019.
3/ HÀNG NGÀN CÔNG NHÂN VIET GLORY
ĐÌNH CÔNG Ở TỈNH NGHỆ AN
Hàng ngàn công nhân Viet Glory tại tỉnh Nghệ An đã bắt đầu
đình công từ ngày 2/10 đòi tăng lương căn bản và xem xét lại mức khoán sản
phẩm, theo bản tin báo chí lề đảng vào ngày hôm qua 3/10.
Con số công nhân đình công lên đến hơn 5 ngàn người và hầu
hết là tự phát, không thông qua tổ chức “công đoàn” nào. Lý do đình công được
nêu rõ là vì sản lượng mục tiêu của nhà máy đề ra quá cao cần phải điều chỉnh
lại cho phù hợp. Việc họp hành quá nhiều gây ảnh hưởng đến công việc của công
nhân.
Những người đình công đề nghị các máy chấm công cần được
kiểm tra lại, và trong trường hợp không có dữ liệu chấm công phải xem xét bổ
sung, không được ghi cảnh báo.
Công nhân đề nghị tưởng thưởng lương tháng 13 theo thời
gian làm việc thực tế, không được khấu trừ theo thời gian nghỉ phép, tăng mức
phụ cấp độc hại nặng nhọc. Riêng nữ công nhân mang thai tháng thứ 7 trở lên
được về sớm một tiếng đồng hồ.
Cần biết là vào đầu tháng 2 năm ngoái, khoảng năm ngàn công
nhân Viet Glory cũng tiến hành đình công và sau một tuần yêu cầu tăng lương căn
bản, tăng phụ cấp thâm niên và một số kiến nghị khác đã được đáp ứng.
Công ty Viet Glory do Đài Loan đầu tư tại xã Diễn Trường, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An, được thành lập vào tháng 11 năm 2019. Nhà máy chuyên sản xuất giày da xuất cảng hiện có hơn 5 ngàn công nhân
4/ INDONESIA CUNG CẤP VŨ KHÍ CHO TẬP ĐOÀN QUÂN PHIỆT MIẾN ĐIỆN
Vào hôm qua 3/10, các nhóm nhân quyền kêu gọi chính phủ
Indonesia mở cuộc điều tra các vụ bán vũ khí bị tình nghi là của các công ty
nhà nước Indonesia cung cấp cho tập đoàn quân phiệt Miến Điện.
Cần biết là Indonesia cố gắng thúc đẩy hòa giải kể từ cuộc
đảo chánh quân sự năm 2021 khiến cho xung đột đang lan rộng tại Miến Điện.
Theo Feri Amsari, cố vấn pháp lý cho các nhóm dân sự, đã
nộp đơn khiếu nại lên ủy ban nhân quyền Indonesia, với cáo buộc là 3 công ty
nhà nước, chuyên sản xuất vũ khí, đã bán thiết bị cho tập đoàn quân phiệt Miến
kể từ sau cuộc đảo chính.
Trong đơn khiếu nại, nhóm này cáo buộc là nhà sản xuất PT
Pindad, hãng đóng tàu PT PAL và công ty hàng không vũ trụ PT Dirgantara
Indonesia đã cung cấp thiết bị cho Miến Điện, thông qua một công ty Miến Điện
có tên là True North. Tuy nhiên cả 3 công ty bị cáo buộc đều im lặng hay phủ
nhận điều này.
Riêng công ty True North chưa trả lời bình luận nhưng theo hồ
sơ công ty không ghi ngày tháng cho thấy 3 nhà sản xuất vũ khí Indonesia là
“đối tác chiến lược”. Công ty này đã đặt mua nhiều vũ khí từ các công ty trên,
bao gồm súng lục, súng trường tấn công và xe chiến đấu.
Báo cáo viên đặc biệt của LHQ về Miến Điện vào tháng 5 cho
biết là tập đoàn quân phiệt Miến Điện đã nhập cảng một lượng vũ khí trị giá ít
nhất 1 tỷ Mỹ kim và các vật liệu liên quan kể từ cuộc đảo chánh. Phần lớn là
đến từ Nga, Trung Cộng, Singapore, Thái Lan và Ấn Độ.
5/ CHỦ TỊCH HẠ VIỆN MỸ BỊ ĐỀ NGHỊ BẤT TÍN NHIỆM
Sau khi thông qua vào phút chót luật cung cấp ngân sách tạm
thời cho chính phủ liên bang Hoa Kỳ, ông Kevin McCarthy, chủ tịch hạ viện thuộc
đảng Cộng hòa, đang có nguy cơ bị phế truất.
Vào ngày 2/10 vừa qua, một dân biểu đảng Cộng hòa đã đề nghị
bỏ phiếu bất tín nhiệm ông Kevin McCathy. Đây là thủ tục rất hiếm khi xảy ra
tại quốc hội Hoa Kỳ và sẽ làm dấy lên những xáo động mới trên chính trường.
Ông
Matt Gaetz, dân biểu tiểu bang Florida, lên tiếng cảnh báo là nếu ông Kevin
McCarthy phải cần đến những lá phiếu của đảng Dân chủ để tránh tình trạng “đóng
cửa hành chính”, ông sẽ đề nghị bất tín nhiệm. Vào tối 2/10, ông đã nộp đơn yêu
cầu toàn thể hạ viện cho ý kiến về việc có duy trì vị trí chủ tịch hạ viện hay
không.
Cần
biết là vào tháng Giêng năm nay, để được bầu làm chủ tịch hạ viện sau 15 vòng
bỏ phiếu, ông Kevin McCarthy đã chấp nhận nhượng bộ, theo đó chỉ cần một thành
viên của phe đa số là đủ để có thể đề nghị bỏ phiếu bất tín nhiệm.
Điều
mà ông Matt Gaetz chỉ trích ông McCarthy là về thỏa thuận bí mật với Tổng thống
Joe Biden để tiếp tục viện trợ quân sự cho Ukraine. Cho dù ông Biden đã đích
thân công khai nhắc đến thỏa thuận này vào hôm Chủ nhật 1/10, ông McCarthy vẫn
từ chối xác nhận.
Nhiều dân biểu Cộng hòa tỏ ý sẵn sàng bỏ phiếu bất tín nhiệm ông McCathy. Chắc chắn số này đủ đông để đương sự muốn giữ được chức sẽ phải cần đến sự hỗ trợ của phe Dân chủ.
No comments:
Post a Comment