Kính thưa quí thính giả, sau đây phóng viên Bảo Trân và Hướng Dương sẽ điểm lại những sự kiện nổi bật tại Việt Nam trong tuần qua
Bảo Trân: Thưa anh Hướng Dương, mở đầu tiết mục VNTQ hôm nay, xin anh trình bày chi tiết về vụ ông Nguyễn Minh Sơn đã không mặn mà gì trong việc kháng án với bản án bỏ túi mà nhà cầm quyền csvn gán ghép cho ông.
Hướng Dương: Thưa chị và quý thính giả, Ông Nguyễn Minh Sơn năm nay đã 60 tuổi, người
vừa bị kết án 6 năm tù giam với cáo buộc “tuyên truyền chống nhà nước” sẽ không
thực hiện quyền kháng cáo vì “không tin vào công lý” VN.
Thông tin trên được bà
Nguyễn Thị Phước, vợ ông Sơn, cho biết sau buổi thăm gặp ông tại trại giam số 1
của công an Hà Nội vào ngày 17/10. Bà Phước cho biết là trong lần gặp gỡ đầu
tiên giữa hai vợ chồng sau khi bị bắt cách đây một năm là ông Sơn khẳng định
không kháng cáo vì các phiên tòa chính trị ở VN không công bằng và bản án đã
định đoạt từ trước.
Ông Sơn là một trong
số rất ít người bất đồng chính kiến không kháng cáo bản án sơ thẩm vì không tin
vào hệ thống tư pháp Việt Nam. Trong số này có nhà báo Phạm Chí Dũng, chủ tịch
hội Nhà báo Độc lập VN, và blogger Nguyễn Lân Thắng của đài Á châu Tự do.
Ông Sơn là người hay
lên tiếng về nhiều vấn đề chính trị và xã hội ở VN. Ông bị bắt vào ngày 28/9
năm ngoái. Đúng một năm sau, trong một phiên chỉ kéo dài vài tiếng đồng hồ, ông
bị kết án 6 năm tù giam.
Theo cáo trạng, ông bị
kết tội về một video trên trang mạng, bên ngoài phiên toà xử nhà báo công dân
Lê Trọng Hùng vào cuối năm 2021. Khi đó ông Sơn trong tình trạng say rượu buông
lời chửi bới đảng cộng sản và lãnh tụ Hồ Chí Minh.
Bảo Trân:
Trong khi đó, thưa anh ông Bùi Tuấn Lâm đã bị bọn cán bộ trại giam từ chối cho
gặp thân nhân kể từ khi sau phiên tòa phúc thẩm của ông, anh có tin thêm gì về
việc này?
Hướng Dương: Thưa chị, Tù nhân lương tâm Bùi Tuấn Lâm, người được mệnh danh là “Thánh
rắc hành”, vẫn chưa gặp được gia đình từ sau phiên phúc thẩm. Tuy nhiên đám
công an thành phố Đà Nẵng không giải thích lý do.
Ông Bùi Tuấn Lâm bị
bắt vào đầu tháng 9 năm ngoái với cáo buộc “tuyên truyền chống nhà nước”. Trong
phiên toà sơ thẩm vào cuối tháng 5 vừa qua, ông bị kết án 5 năm rưởi tù giam và
4 năm quản chế. Đến phiên phúc thẩm ngày 30/8, ông đã bị tuyên y án.
Bà Lê Thanh Lâm, vợ
ông Lâm, cho biết đã hơn một tháng rưỡi kể từ phiên tòa phúc thẩm mà trại tạm
giam Hòa Sơn của công an Đà Nẵng vẫn chưa cho bà và ba cô con gái nhỏ gặp chồng
mình. Vào tháng trước, sau phiên phúc thẩm, bà Lâm lên trại tạm giam để gặp
chồng nhưng bị từ chối với lý do ông Lâm bị kỷ luật.
Bà Lâm rất lo lắng cho
chồng vì không có bất cứ thông tin gì từ ông kể từ lần gặp cuối cùng là cuối
tháng 8 trước phiên phúc thẩm vài ngày. Bà cho biết đã điện thoại và trực tiếp
đến trại tạm giam để chất vấn về việc này nhưng không được trả lời.
Bà Lâm không loại trừ
khả năng chồng mình đã bị chuyển đi thọ án mà phía công an không thông báo cho
gia đình.
Ông Lâm 39 tuổi là một
trong hàng chục nhà đấu tranh cho nhân quyền bị cầm tù với cáo buộc “tuyên
truyền chống nhà nước” trong vài năm qua. Tuy nhiên không có nhiều trường hợp
bị kỷ luật và không cho gia đình thăm gặp như ông Lâm.
Bảo Trân: Còn
về anh Nguyễn Viết Dũng, người vừa mãn án tù 6 năm của mình đã mạnh mẽ tố cáo
anh đã nhiều lần bị đánh đập, bức cung và bị kết án oan… tin này là như thế nào
thưa anh?
Hướng Dương: Thưa chị, Tù nhân lương tâm Nguyễn Viết Dũng, người vừa mãn án 6 năm tù
với cáo buộc “tuyên truyền chống nhà nước”, cho biết ông sẽ tiếp tục “hành
trình đi tìm công lý” vì ông “bị bức cung, tra tấn và kết án oan ức”.
Ông Dũng, người có bút
danh Dũng Phi Hổ, chia xẻ về bản án tù mà ông vừa trải qua. Theo cá nhân ông,
những gì mà ông viết trong mấy năm qua ở trại giam Nam Hà đều khẳng định là ông
bị đối xử bất công, bị tra tấn và bức cung.
Ông Dũng kể lại nội vụ
bị bắt cóc tại nhà ăn gần giáo xứ Song Ngọc, đưa về công an tỉnh để bị ép buộc
ký vào biên bản. Tại trại tạm giam này thì ông bị đánh đập, bị ra tấn và bị bức
cung, nhưng ông đều giữ im lặng, không trả lời bất cứ câu hỏi nào.
Khi được hỏi về nguyên
nhân ông bị bắt và bị kết án, ông Dũng cho biết là họ hỏi về việc thành lập
đảng Cộng hòa, về vấn đề lá cờ vàng ba sọc đỏ và về những bài viết liên quan
đến lãnh tụ HCM.
Ông Dũng cho biết là
đã gửi nhiều đơn khiếu nại gửi đến chánh án tòa tối cao nhưng các lá đơn này
đều rơi vào im lặng. Về đánh giá các trại tù CSVN, ông cho biết tất cả đều rất
tồi tệ.
Cần biết là vào tháng
4 năm 2018, ông Dũng bị tuyên 7 năm tù sau đó giảm xuống còn 6 năm
tù tại phiên phúc thẩm vào năm 2018. Vào đầu năm 2015, ông Nguyễn
Viết Dũng thành lập đảng Cộng hòa và hội Những người Yêu mến Quân lực VNCH.
Bảo Trân: Thưa
anh, về tử tù Nguyễn Văn Chưởng, chúng tôi có tin là chính Liên Hiệp Quốc đã
chính thức lên tiếng kêu gọi bạo quyền VN ngưng thì hành án, xin anh nói thêm về
việc này
Hướng Dương: Thưa chị, đó là ba báo cáo viên đặc biệt của Liên Hiệp Quốc đã
gửi một bức thư tới nhà cầm quyền Việt Nam để bày tỏ quan ngại về nguy cơ tử tù
Nguyễn Văn Chưởng có thể bị hành quyết và kêu gọi ngưng ngay bản án đang gây
nhiều tranh cãi.
Bức thư được công bố
vào tuần qua, hai tháng sau khi các báo cáo viên đặc biệt gửi tới đảng cộng sản
Việt Nam. Thư được gửi ở thời điểm sau một tuần kể từ khi gia đình ông Chưởng
bất ngờ nhận được thông báo từ nhà cầm quyền về việc hành quyết ông Chưởng sau
hơn 16 năm bị giam giữ.
Trong bức thư đề ngày
10/8, các báo cáo viên cho biết họ nhận được thông tin liên quan đến tử tù
Chưởng 40 tuổi bị kết án tử hình, bất chấp những cáo buộc đáng tin cậy về việc
tra tấn và vi phạm quyền được xét xử công bằng.
Ông Chưởng bị kết án
tử hình vào tháng 7 năm 2007 sau khi bị kết tội sát hại một thiếu tá công an.
Trong suốt quá trình xét xử và 16 năm bị giam giữ, ông Chưởng luôn khẳng định
mình không giết người và cho biết là mình bị tra tấn để buộc phải nhận tội.
Trong thư các báo cáo
viên cho biết là trong số các bằng chứng được xử dụng để kết tội ông Chưởng là
lời thú tội của ông bị cho là đã được lấy thông qua ép buộc. Thông tin nhận
được cho thấy sự tàn bạo của công an, với các chi tiết cách nghi phạm bị còng
tay, đánh đập và đe dọa cho đến khi họ thú nhận tội.
Trong các bức thư bí
mật gửi cho gia đình từ trại giam, ông Chưởng cũng nói rằng ông bị điều tra
viên đánh đập “đến không thở được” và bị ép phải viết lời nhận tội mà sau đó
ông đã rút lại. Gia đình ông Chưởng cho biết ông ở Hải Dương, cách Hải Phòng,
nơi xảy ra vụ án, 40 cây số tại thời điểm người thiếu tá công an bị giết hại.
Các báo cáo viên LHQ
yêu cầu Việt Nam trả lời trong vòng 60 ngày kể từ ngày nhận được thư, nếu không
họ sẽ công khai bức thư. Họ nói rằng vấn đề này là một trong những mối quan tâm
của công chúng và công chúng nên được biết về việc này cũng như những ý nghĩa
nhân quyền trong đó.
Hàng chục các nước
thành viên khối liên minh châu Âu cũng đã kêu gọi nhà nước Việt Nam dừng thi
hành án ông Chưởng nhưng chính phủ ở Hà Nội chưa công khai bất kỳ phản hồi hay
tuyên bố nào liên quan đến việc này.
No comments:
Post a Comment