Sáng kiến “Cộng đồng chung vận mệnh” của Tập Cận Bình hoàn toàn vô nghĩa đối với dân tộc Việt Nam. Lý do là vì đảng CSVN có cùng vận mệnh với đảng CSTQ, nhưng dân tộc Việt thì chắc chắn sẽ có một tương lai tươi sáng và một nền dân chủ chân chính, đối lập với cả 2 đảng CS gian ác này.
Mời quý thính giả đài ĐLSN nghe phần Bình Luận của Luật sư Lê Quốc Quân với tựa đề: “Việt Nam – Trung Quốc: ‘Cộng đồng chung vận mệnh’?” sẽ được Nguyên Khải trình bày để kết thúc chương trình phát thanh ĐLSN tối hôm nay.
Lê Quốc Quân
Ngày 17/10, chủ tịch nước Võ Văn Thưởng dẫn
đầu đoàn đại biểu cao cấp Việt Nam tham dự Diễn đàn “Vành đai và Con đường” lần
thứ 3 tại Bắc Kinh, Trung Quốc.
Sáng kiến “Vành đai và con đường” là một cấu
thành vật chất có gắn liền với một khái niệm tinh thần rộng lớn là “Cộng đồng
chung vận mệnh – Community of Common Destiny, gọi tắt là CCD”.
Thuật ngữ "Cộng đồng chung vận mệnh”
lần đầu tiên được đề cập bởi Tập Cận Bình vào năm 2012 ngay khi ông được bầu
làm Tổng bí thư và Chủ tịch nước. Kể từ đó nó đã đã trở thành một yếu tố quan
trọng trong đường lối ngoại giao của Trung Quốc.
Khái niệm này cũng đã có trong Hiến pháp
Trung Quốc sửa đổi năm 2018 và thường được xuất hiện trong các bài phát biểu
như một phần của tầm nhìn Trung Quốc về một viễn cảnh thế giới trong tương lai.
Nó trở thành một chủ đề thường xuyên gắn liền với các sáng kiến như Vành đai và
Con đường (BRI), Ngân hàng Đầu tư Cơ sở hạ tầng Châu Á (AIIB) và các đề xuất của
Trung Quốc trên diễn đàn toàn cầu.
Nội dung chính của khái niệm này là “duy
trì tinh thần cởi mở, khoan dung, nơi tất cả các nước to hay nhỏ, mạnh hay yếu,
giàu hay nghèo, đều bình đẳng”. Nó được coi là một sáng kiến nhằm tạo ra một
Trung Quốc là trung tâm của Châu Á để đảo ngược tiến trình phương tây hoá và
thách thức sự chi phối của Mỹ, đặc biệt trong khu vực Châu Á và các nước láng
giềng của Trung Quốc. Cách tiếp cận của Trung Quốc là đi từ tầm thế giới, đến
khu vực (như ASEAN) và sau đó là trực tiếp đến từng quốc gia.
Tuy nhiên theo nhiều chuyên gia về chính
trị quốc tế thì khái niệm này “được ban hành từ trên xuống và còn mập mờ và thiếu
tính cụ thể”. Nó sẽ thực sự khó được chấp nhận vì sự hoài nghi về lòng chân
thành và nỗi lo sợ về bá quyền Trung Quốc đang thường trực trên khắp địa cầu.
Việt Nam là một quốc gia mà CCD nhắm tới.
Trong các cuộc trao đổi gần đây với nhà lãnh đạo Việt Nam, Tập Cận Bình nhiều lần
nhấn mạnh rằng Trung Quốc và Việt Nam là một Cộng đồng chung vận mệnh.
Việt Nam chưa công khai đề cập đến khái niệm
“Cộng đồng chung vận mệnh với Trung Quốc” mà chỉ đề cập đến quan niệm “xây dựng
cộng đồng chung vận mệnh nhân loại” của Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Lần đề cập “gần” nhất với khái niệm này là
“Việt Nam đánh giá cao Cộng đồng chung vận mệnh nhân loại do Trung Quốc đưa ra”
nằm trong Thông cáo báo chí chung Việt Nam- Trung Quốc nhân chuyến thăm của thủ
tướng Phạm Minh Chính vào tháng 6 năm nay.
Tuy nhiên, gần đây báo chí Việt Nam đưa đậm
hàng tít về việc Trung Quốc ký kế hoạch hành động xây dựng “Cộng đồng chung vận
mệnh với Campuchia” nhân dịp Thủ tướng Hun Manet đi thăm Trung Quốc vào giữa
tháng 9 vừa qua.
Chúng ta sẽ không khỏi giật mình khi nhìn
thấy thấp thoáng đâu đó khái niệm Cộng đồng chung vận mệnh mà Trung Quốc đang cổ
suý so với “Khối thịnh vượng chung Đại Đông Á – Greater East Asia Co-prosperity
Sphere” của Nhật bản đề xướng vào cuối thập niên 1930s.
Nhìn vào nội dung của của Khối thịnh vượng
Chung Đại Đông Á do Tokyo đề xướng bao gồm các niềm tin cốt lõi như: Ổn định
lâu dài, Láng giềng hữu nghị, Công lý Quốc tế, Phát triển văn hoá, Kết nối kinh
tế, Thúc đẩy hoà bình thế giới… ta thấy dường như đang quay trở trong các văn bản
về một Cộng đồng chung vận mệnh mà Trung Quốc đang tìm mọi cách thực hiện.
Nếu như hơn 80 năm trước, Chính quyền Nhật
bản mong muốn thiết lập một“Trật tự thế giới mới” nhằm cạnh tranh với các quốc
gia phương tây thì bây giờ Trung Quốc cũng không dấu diếm ý đồ về cộng đồng mà
Trung Hoa sẽ dẫn dắt để không lệ thuộc vào chủ nghĩa tư bản và sự thống trị của
Phương Tây, mà cụ thể ở đây là Hoa Kỳ.
Nhưng thực chất của học thuyết Đại Đông Á
trong quá khứ là để kích động sự hận thù của nhân dân Châu Á đối với Phương Tây
bằng các luận điệu như “láng giềng”,“tương quan”, “máu đỏ da vàng”… để mưu đồ đặt
Châu Á dưới ách thống trị của mình. Bây giờ Trung Quốc đã đặt nó trong một bối
cảnh rộng lớn hơn, mang tính dung nạp hơn bằng một ngôn ngữ uyển chuyển hơn, đối
với toàn nhân loại.
Tuy nhiên, khi nhìn thấy những biểu hiện dịch
chuyển quan trọng và ngôn từ của Cộng đồng Chung Vận Mệnh nhân loại đang dần dần
được đưa vào đối với những nước láng giềng, chúng ta không thể không lo ngại về
một chủ nghĩa bành trướng đang dần được thể hiện để trói buộc các nước láng giềng
vào giá trị Trung Hoa.
Nằm ngay cạnh một Trung Quốc đang trỗi dậy,
Việt Nam càng phải tỉnh táo hơn bao giờ hết. Đảng cộng sản VN có thể tự coi
mình là “đỉnh cao trí tuệ” nhưng không thể đại diện đất nước trong lúc cần ra
những quyết định lớn.
Chỉ có mở rộng không gian dân sự, thúc đẩy
dân chủ, thành tâm lắng nghe ý kiến từ nhân dân, đặt tổ quốc lên trên hết, mới
ra được những quyết định đúng để giữ vững được đất nước. Mà trước hết là bằng mọi
cách tỉnh táo lánh xa khái niệm “Cộng đồng chung vận mệnh với Trung Quốc” trong
chuyến đi sắp tới, nếu có, của Tập Cận Bình.
No comments:
Post a Comment