Trong chuyên mục Chân Dung Tù Nhân, đài ĐLSN xin gửi đến quý thính giả bài viết về Tù Nhân Lương Tâm Phạm Đoan Trang do Thúc Lân biên soạn qua sự trình bày của Bảo Trân
“Sau này, khi đất nước có dân chủ, bọn chúng mình thích đi đâu thì đi. Về nhà thăm gia đình, đi gặp bạn bè, người thân mà không bị theo dõi, ngăn chặn. “Tôi” với “ông” có thể ngồi đàn hát những ca khúc Miền Nam trước năm 1975 một cách say sưa, thoải mái mà không phải rón rén, nhìn trước ngó sau. Rồi thì trong mắt người đời, Phạm Thanh Nghiên, Phạm Đoan Trang không còn bị coi là “phản động” hay “anh hùng” nữa. Bọn mình thật sự được tự do, ông ạ. Thế là mãn nguyện rồi, thế là vui lắm rồi”.
Đấy là những lời tâm sự một mạc, trần tình của Phạm Đoan Trang với Phạm Thanh Nghiên trong một lần họ ngồi đàn hát với nhau tại nhà của Nghiên ở Vườn rau Lộc Hưng, Sài Gòn. Câu chuyện được Phạm Thanh Nghiên kể lại khi chúng tôi ngỏ ý muốn viết về Phạm Đoan Trang cho chuyên mục Chân Dung Tù Nhân Lương Tâm kỳ này. Phạm Đoan Trang và Phạm Thanh Nghiên có lối xưng hô “ông-tôi” rất đặc biệt, ngộ nghĩnh và thú vị như thế. Chỉ dăm ba câu thủ thỉ của Phạm Đoan Trang, người ta dường như đã hình dung được phần nào cuộc sống của những người hoạt động trong nước, cảm nhận một phần không khí khủng bố, ngột ngạt dưới sự cai trị của chế độ độc tài cộng sản. Ngồi đàn hát với nhau, về thăm nhà, đi gặp gỡ bạn bè…, toàn những điều đơn giản trong cuộc sống thường nhật, mà cũng thành ước mơ ư? Còn gì phi lý hơn thế nữa?
Giống như Phạm Thanh Nghiên, Phạm Đoan Trang sinh ra tại miền Bắc, sau biến
cố tháng 4/1975. Nghĩa là họ không phải chịu trách nhiệm về những bi kịch trong
quá khứ đã xảy ra trên đất nước này. Nhưng họ vẫn đặt lên vai mình trách nhiệm
phải góp phần giải trừ cộng sản, điều mà họ đã nhận ra là con đường duy nhất
đưa đất nước thoát họa diệt vong.
Trang có bằng thạc sĩ về quản trị, Học viện Công nghệ Châu Á và bằng cử nhân chuyên ngành Kinh tế, Đại học Ngoại thương Hà Nội. Nếu an phận, Phạm Đoan Trang hẳn đã có một cuộc sống sung túc, có địa vị trong xã hội với nghề làm báo, hoặc dạy tiếng Anh hay một công việc nào đó xứng tầm với trình độ học vấn của cô. Tuy chưa học qua một trường đào tạo nào về báo chí, nhưng cô là phóng viên, cộng tác viên của nhiều tờ báo trong nước. Năm 2008, Trang là đồng tác giả cuốn sách “Bóng, Tự truyện của một người đồng tính”, kể về những kỳ thị và cả khát vọng bình đẳng đối với người đồng tính.
Phạm Đoan Trang bắt đầu viết về đề tài chính trị trên blog cá nhân từ khoảng
năm 2009, khi cô đang là phóng viên của VietnamNet. Tháng 9/2009 cô bị bắt và
bị tạm giam 9 ngày vì bị cho rằng “có dấu hiệu xâm phạm an ninh quốc gia”, theo
lời phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam. Ngoài Trang, hai blogger khác là
Nguyễn Ngọc Như Quỳnh và Bùi Thanh Hiếu (Người Buôn Gió) cũng bị bắt cùng đợt,
bị tạm giam 9 ngày. Sau khi được trả tự do, Trang nói rằng cô đã bị hiểu lầm là
có liên quan đến vụ in ấn áo thun có ghi các khẩu hiệu phản đối dự án bauxite
và khẳng định chủ quyền Hoàng Sa-Trường Sa. Và rằng cô “hoàn toàn bị sốc” khi
bị bắt giữ.
Nhưng đó là Trang của những năm 2009, 2010. Mùa hè năm 2011, Phạm Đoan Trang
đã dám xuống đường, góp mặt trong những cuộc biểu tình chống Tàu. Một bước tiến
trên con đường đấu tranh cho nhân quyền, dân chủ của cô. Năm 2014, Trang là
đồng sáng lập blog “Luật khoa Tạp chí”, một loại hình báo chí độc lập tại Việt
Nam. Phạm Đoan Trang có lẽ là nhân vật bất đồng chính kiến đương thời viết và
phát hành nhiều sách nhất tại quốc nội. Kể từ khi từ giã nền báo chí tuyên
truyền và trở thành một blogger tự do cho tới khi bị bắt, Trang là tác giả của
khoảng 7 cuốn sách và ấn phẩm trong đó nổi tiếng nhất phải kể đến là Cẩm Nang
Nuôi Tù, Chính Trị Bình Dân, Phản Kháng Phi Bạo Lực, Báo Cáo Đồng Tâm…
Không chỉ viết sách, Trang còn tích cực tham gia nhiều hoạt động đường phố
như biểu tình chống Tàu cộng xâm lược, tuần hành bảo vệ cây xanh, tham dự các
phiên xét xử những người bất đồng chính kiến. Phạm Đoan Trang dành mối quan tâm
đặc biệt cho những tù nhân lương tâm và gia đình của họ. Ngoài việc lên tiếng,
viết bài, tham gia vận động cho họ, cô còn tư vấn cho thân nhân các TNLT những
kiến thức cần thiết qua cuốn “Cẩm nang nuôi tù”.
Là một trong những cây bút chỉ trích mạnh mẽ, quyết liệt, Phạm Đoan Trang
đương nhiên phải trả giá cho những điều như thế. Cô nhiều lần bị câu lưu, bị
đánh đập và bị canh giữ tại gia. Tháng 4/2015, Phạm Đoan Trang bị công an cộng
sản bằng nghiệp vụ, giẫm đạp lên chân khiến cô vĩnh viễn mang thương tật trong
một trận đàn áp chống lại cuộc biểu tình ôn hòa bảo vệ cây xanh tại Hà Nội. Lần
thứ 2 Phạm Đoan Trang bị đánh đập tàn nhẫn xảy ra vào đêm 15/8/2018 trong đêm
nhạc của ca sĩ Nguyễn Tín diễn ra tại Sài Gòn. Cô bị bắt đến trụ sở công an
phường 7, quận 3 và bị đánh đập tàn nhẫn. Công an còn thu giữ máy tính, giấy tờ
tùy thân, thẻ ATM và tiền bạc của cô. Sau đó, công an đưa cô lên một chiếc xe
taxi rồi thả cô ở một đoạn đường vắng, vứt lại cho cô 200 ngàn đồng để bắt xe
về nhà. Khi công an vừa đi khỏi, sáu người đàn ông khác xuất hiện trên ba chiếc
xe gắn máy không ngừng đánh đập Phạm Đoan Trang.
Vào năm 2018, sau khi phát hành cuốn Chính Trị Bình Dân, Phạm Đoan Trang bắt
đầu một cuộc sống nay đây mai đó để tránh sự truy lùng của nhà cầm quyền. Trang
phải chấp nhận bỏ lại người mẹ già ở Hà Nội để vào Sài Gòn và cô thường xuyên
phải thay đổi chỗ ở. Dường như càng gặp khó khăn, nguy hiểm, nỗ lực và sự cống
hiến của Phạm Đoan Trang cho công cuộc dân chủ hóa đất nước càng nhiều. Cái tên
Phạm Đoan Trang không chỉ gây ảnh hưởng đối với công luận trong nước mà dành
được sự chú ý, ghi nhận từ các cơ quan nhân quyền quốc tế. Sự ghi nhận ấy thể
hiện một phần qua nhiều giải thưởng quốc tế mà cô được trao tặng:
Giải
Homo Homini của People
in Need năm 2017.
Giải thưởng Nhân Quyền Việt Nam 2018 của Mạng
Lưới Nhân Quyền Việt Nam.
Giải thưởng Tự do Báo chí 2019, hạng mục Tầm ảnh hưởng của Phóng
viên không biên giới
Giải
Martin Ennals 2022 dành cho những nhà bảo vệ nhân quyền, tháng 1/2022.
Gải thưởng "Phụ nữ can
đảm quốc tế" của Bộ Ngoại giao Mỹ vào giữa tháng
3 năm 2022.
Giải Tự do Báo chí Quốc tế 2022 của CPJ (Ủy ban Bảo vệ các nhà báo).
Tất nhiên, cần nói thêm rằng, giải thưởng không phải điều quan trọng nhất để
đánh giá sự đóng góp của một cá nhân cho những nỗ lực đấu tranh cho nhân quyền.
Ngoài Phạm Đoan Trang, còn có những người khác cũng xứng đáng không kém. Trong
đó có cả những người chấp nhận hy sinh trong thầm lặng, không ai biết tên tuổi
để ghi nhận, ca tụng, song sự góp phần của họ cho sự đổi thay đất nước, đáng
quý biết bao.
Không chỉ là những tác phẩm, tài viết lách, nhắc đến Phạm Đoan Trang, người
ta nhớ đến hình ảnh quen thuộc của cô với cây đàn guitar. Một hình ảnh lãng
mạn, dung dị và đầy thu hút. Tuy bị thương tật, sức khỏe kém nhưng Trang có thể
chơi đàn nhiều giờ đồng hồ mà không chán. Một tâm hồn đẹp đẽ như thế, chỉ có
thể khiến người ta rung động, mến phục.
Phạm Đoan Trang bị bắt ngày 6/10/2020 tại Sài Gòn. Cô bị di lý về Hà Nội và
bị tạm giam 14 tháng trong nhà tù Hỏa Lò trước khi bị đem ra xét xử. Ngày
14/12/2021, cô bị tuyên 9 năm tù giam với cáo buộc “Tuyên truyền chống nhà nước
CHXHCN Việt Nam”. Tám tháng sau, vào ngày 25/8/2022, tòa án phúc thẩm đã tuyên
y án 9 năm tù giam đối với Phạm Đoan Trang. Việc kéo dài thời hạn tận 8 tháng
từ phiên sơ thẩm đến phiên phúc thẩm không chỉ là sự vi phạm nhân quyền nghiêm
trọng mà còn vi phạm luật tố tụng hình sự của luật pháp hiện hành.
Kết thúc bài viết, xin trích một phần trong lời nói cuối cùng của Phạm Đoan
Trang tại phiên sơ thẩm, để thấy được trí tuệ, cốt cách và sự kiên cường của
nhà báo, nữ chiến sĩ dân chủ này:
“Ngày hôm nay, các anh, chị kết án tôi, có thể bỏ tù tôi nhiều năm nhưng
không sao cả bởi vì như nhân vật Nguyễn Trãi trong vở kịch “Bí mật vườn Lệ Chi”
đã nói: “Con thú có thể cắn chết con người nhưng vẫn là con thú. Con người mang
trong mình lẽ phải có thể bị sát hại vì lẽ phải, nhưng bảo vệ lẽ phải mãi mãi
vẫn là thiên chức của con người”.
“Những bản án càng dài thì càng chứng tỏ bản chất độc tài, phi dân chủ,
phản dân chủ của Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Các anh, các chị
có thể bỏ tù tôi và hả hê đắc thắng vì đã xóa bỏ được một cái gai trong mắt các
anh chị nhiều năm nay, nhưng mãi mãi các anh chị không xóa bỏ được tiếng xấu,
độc tài, phi dân chủ, phản dân chủ. Vì con thú mãi mãi là con thú, nó không bao
giờ có thể trở thành người được”.
No comments:
Post a Comment