Wednesday, October 11, 2023

VIỆT NAM SẴN SÀNG TỪ BỎ MÔ HÌNH KINH TẾ THỊ TRƯỜNG ĐỊNH HƯỚNG XÃ HỘI CHỦ NGHĨA?

Bình Luận

Muốn được hưởng quy chế “ kinh tế thị trường” từ Hoa Kỳ, thì CSVN phải nghiêm chỉnh cắt bỏ cái đuôi “định hướng xã hội chủ nghĩa” ra khỏi HP 2013 và công nhận quyền tư hữu tuyệt đối trong hiến pháp.  Mời quý thính giả đài ĐLSN nghe phần Bình Luận của Nguyễn Quốc Khải với tựa đề: “VIỆT NAM SẴN SÀNG TỪ BỎ MÔ HÌNH KINH TẾ THỊ TRƯỜNG ĐỊNH HƯỚNG XÃ HỘI CHỦ NGHĨA? sẽ được Vân Khanh trình bày để kết thúc chương trình phát thanh ĐLSN tối hôm nay.

Nguyễn Quốc Khải 

Trước khi Tổng Thống Joe Biden đến Hà Nội hai ngày, chính quyền Việt Nam đã yêu cầu Hoa Kỳ công nhận Việt Nam là một nền kinh tế thị trường. Bản thông cáo chung kết thúc cuộc viếng thăm đầu tiên của Tổng Thống Biden xác định rằng Hoa Kỳ sẽ xem xét yêu cầu của Việt Nam một cách nhanh chóng nhất có thể, phù hợp với luật pháp Hoa Kỳ. Nhân dịp tham dự Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc tuần vừa qua, Thủ Tướng Phạm Minh Chính cũng đã gặp và nhắc nhở Bà Janet Yellen, Bộ Trưởng Tài Chánh Hoa Kỳ về thỉnh nguyện của Việt Nam. Bộ Trưởng Công Nghệ và Thương Mại của Việt Nam là Ông Nguyễn Hồng Diên cũng gặp Bộ Trưởng Thương Mại Hoa Kỳ Gina Raimondo ở New York để nhắc nhở Hoa Kỳ sớm có quyết định nhanh chóng.

TẠI SAO VIỆT NAM VẪN LÀ MỘT NỀN KINH TẾ PHI THỊ TRƯỜNG?

Qua chương trình “Đổi Mới” phát động vào năm 1986, Việt Nam bắt đầu cải tổ quy mô từ nền kinh tế chỉ huy (centrally-planned economy) qua kinh tế thị trường với định hướng xã hội chủ nghĩa (socialist-oriented market economy), một mô hình tương tự như mô hình kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa ở Trung Quốc, trong đó khu vực nhà nước đóng vai trò quyết định trong chỉ đạo phát triển kinh tế, với mục tiêu lâu dài cuối cùng là phát triển chủ nghĩa xã hội. 

Trước khi cải tổ thị trường bắt đầu, Việt Nam không thể sản xuất đủ gạo để nuôi sống người dân của mình vào thập niên 80. Quốc gia này bị nạn đói đe dọa, ngoại tệ cạn kiệt, phải dựa vào sự hỗ trợ từ Chương Trình Lương Thực Thế Giới của Liên Hiệp Quốc và hỗ trợ tài chính từ Liên Xô và các nước Đông Âu khác. 

Nền kinh tế Việt Nam ngày càng theo định hướng thị trường để hội nhập dần dần vào hệ thống thương mại toàn cầu. Các cải tổ bao gồm tư nhân hóa một phần của doanh nghiệp nhà nước, tự do hóa cơ chế thương mại, và tăng cường công nhận quyền sở hữu tư nhân. Tuy nhiên, những hạn chế về mặt thể chế vẫn tiếp tục cản trở sự phát triển kinh tế bền vững lâu dài.

Gần 40 năm sau khi chương trình Đổi Mới bắt đầu, Việt Nam đã đạt được nhiều tiến bộ và được Heritage Foundation xếp vào nhóm kinh tế có tự do vừa phải, nhưng vẫn bị coi là nền kinh tế phi thị trường vì những giới hạn về tự do kinh tế như vừa nói ở phần trên. Điều này cho phép Bộ Thương Mại Hoa Kỳ tùy nghi dùng luật chống phá giá (Anti-dumping Law) và luật chống bảo trợ (Countervailing Law) áp đặt thuế trên hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam. Vì không thể dùng và tin cậy vào tài liệu và thống kê của Việt Nam, Hoa Kỳ phải sử dụng nước thứ ba như Thái Lan để xác định giá trị thị trường của hàng hóa Việt Nam.

Áp dụng thuế chống bán phá giá thường rất cao, doanh nghiệp Việt Nam sẽ bị thiệt hại nặng nề, có nguy cơ mất hoàn toàn thị phần tại thị trường này, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển của doanh nghiệp và lợi ích kinh tế quốc gia. Lệ phí luật sư tại Hoa Kỳ lại rất tốn kém để các công ty Việt Nam có thể mướn để biện hộ.

LÀM SAO ĐỂ VIỆT NAM ĐẠT ĐƯỢC QUY CHẾ KINH TẾ THỊ TRƯỜNG?

Việt Nam sẽ tránh được những bất lợi khi phải đối phó với các vụ kiện chống bán phá giá, chống trợ cấp nếu Hoa Kỳ công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường. Trong nhiều trường hợp, hàng xuất khẩu của Việt Nam phải chịu mức thuế chống bán phá giá rất cao.

Khi cứu xét một đơn kiện của một công ty nội địa, Bộ Thương Mại Hoa Kỳ thường phải dựa vào năm tiêu chuẩn sau đây đối với nước xuất khẩu hàng hóa: 

(i) Mức độ dễ dàng mà đồng tiền của nước xuất cảng có thể chuyển đổi thành đồng tiền của các nước khác;

(ii) Mức lương ở nước sở tại được xác định theo cơ chế tự do thương lượng giữa công nhân và chủ nhân;

(iii) Mức độ liên doanh hoặc đầu tư của các công ty nước ngoài được phép ở nước sở tại;

(iv) Mức độ sở hữu hoặc kiểm soát của chính phủ đối với tư liệu sản xuất;

(v) Mức độ kiểm soát của chính phủ đối với việc phân phối nguồn lực và quyết định về giá, sản lượng của doanh nghiệp. 

Trên đây là những điểm chính yếu mà Việt Nam cần phải chú tâm để cải thiện thị trường. Đặc biệt Việt Nam cần phải cho công nhân thành lập công đoàn độc lập thực sự như đã từng cam kết trước khi gia nhập Tổ Chức Thương Mại Thế Giới và tư nhân hóa các doanh nghiệp nhà nước. Kinh tế Việt Nam dựa vào xuất khẩu và đầu tư nước ngoài. Do đó đây là hai lãnh vực cần phải giữ lành mạnh và minh bạch. 

Nhân dịp Tổng Thống Hoa Kỳ viếng thăm Việt Nam, trong cuộc phỏng vấn của VOA, Ông Adam Sitkoff, Giám Đốc Điều Hành Phòng Thương Mại Hoa Kỳ (American Chamber of Commerce) ở Hà Nội đã có những nhận xét dưới đây về chính sách đầu tư nước ngoài và luật lệ của Việt Nam.

“Yếu tố quan trọng nhất tạo nên môi trường đầu tư thuận lợi là môi trường pháp lý công bằng, có thể lường trước được và tinh giản, coi trọng sự đổi mới - không chỉ để thu hút đầu tư mới mà còn để duy trì và phát triển những khoản đầu tư hiện có ở đây”.

Ông Sitkoff nhấn mạnh đặc biệt về việc đơn giản hóa thủ tục hành chính, xin giấy phép lao động cho người nước ngoài vẫn thiếu rõ ràng và còn thay đổi, cải thiện chính sách thuế và pháp lý ổn định và rõ ràng, cũng như nâng cao tính minh bạch ở Việt Nam. 

Việt Nam nên nghiêm chỉnh cứu xét những đề nghị của Phòng Thương Mại Hoa Kỳ vì họ sống và làm việc ngay ở trong nước và giao dịch hàng ngày với hệ thống kinh tế và hành chánh của Việt Nam.

Hoa Kỳ và Việt Nam vừa nâng cấp bang giao lên mức chiến lược toàn diện. Đây là lúc thuận tiện để mở rộng hợp tác kinh tế giữa hai nước qua trao đổi thương mại. Cả hai bên cần phải điều chỉnh để giúp Việt Nam đạt được quy chế kinh tế thị trường đầy đủ, tránh được những hàng rào ngăn cản tự do thương mại.

Chỉ số tự do kinh tế tối thiểu Việt Nam cần phải có là 65. Việt Nam có khoảng 6-18 tháng để tiến thêm 3 điểm nữa để hầu đạt được mục tiêu này. Ngay từ bây giờ, Việt Nam cần phải dứt khoát đoạn tuyệt với mô hình kinh tế thị trường với định hướng xã hội chủ nghĩa. Nếu thực hiện được, đây sẽ là một tiến bộ đáng kể giúp Việt Nam trở thành một nước công nghệ có lợi tức cao nhanh chóng hơn và tăng cường khả năng quốc phòng với ngân sách $2 tỉ mỗi năm và sẽ còn gia tăng để mua võ khí.

No comments:

Post a Comment