Tuesday, October 17, 2023

Trung ương 8 bế mạc: Cần đột phá tiếp để đối phó với Trung Quốc

Bình Luận

Liên Minh với Mỹ thì được đối đãi như một đồng minh. Liên Minh với TQ thì bị đối đã như một chư hầu. Hầu như chắc chắn đảng CSVN không hề có dũng khí để thoát khỏi vòng kim cô của CSTQ.

Mời quý thính giả đài ĐLSN nghe phần Bình Luận của Trần Đông A với tựa đề: “Trung ương 8 bế mạc: Cần đột phá tiếp để đối phó với Trung Quốc sẽ được Nguyên Khải trình bày để kết thúc chương trình phát thanh ĐLSN tối hôm nay.

Trần Đông A 

Vừa có bước đột phá xong với Mỹ, ông Trọng và bộ sậu lại phải đối đầu với một thách thức mới. Chủ tịch Tập Cận Bình nhận lời mời thăm Việt Nam nhưng đòi phải “nâng cấp” bang giao Trung – Việt lên “tầm cao mới”.

Ngày 8/10/2023, bế mạc Hội nghị Trung ương 8, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ: “Quy hoạch xong Ban Chấp hành Trung ương (BCHTƯ) mới làm quy hoạch Bộ Chính trị, Ban Bí thư”. Nhưng đồng thời TBT cũng lại nói: “Lấy quy hoạch BCHTƯ Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và các chức danh lãnh đạo chủ chốt của Đảng và Nhà nước làm cơ sở cho công tác nhân sự BCHTƯ Đảng tại Đại hội lần thứ 14”. Vậy chốt lại thì công đoạn nào là khâu cơ sở? Cách lập luận như “gà mắc tóc” này phản ánh “quy hoạch BCHTƯ khóa 14” như một nội dung quan trọng của khóa họp vừa qua đang dang dở.

Sự rối rắm này còn thể hiện ở chỗ, sau Hội nghị, TBT Trọng vẫn không thành công trong việc tái cơ cấu Bộ tứ. Tại khai mạc hôm 6/10, TBT giáo đầu thế này: “Hội nghị lần này xem xét, quyết định nhiều vấn đề trọng đại, phức tạp, nhạy cảm, có ý nghĩa rất quan trọng đối với việc hoàn thành nhiệm vụ chính trị của Ban Chấp hành Trung ương khoá 13 từ nay đến hết nhiệm kỳ”.

 

“Nhiều vấn đề trọng đại, phức tạp, nhạy cảm…” nhưng kết quả cuối cùng chỉ thấy Hội nghị bổ sung được duy nhất Trưởng ban Đối ngoại Lê Hoài Trung vào Ban bí thư. Chuyện này mọi người đã dự báo trước. “Đối ngoại” Đảng lập thành tích “nổi trội” hơn Ngoại giao trong vụ dàn xếp chuyến thăm cấp nhà nước của Tổng thống Mỹ Biden, đặc biệt là cú đột phá vượt cấp quan hệ Việt – Mỹ lên CSP (comprehensively strategic partners) . Còn các việc “phức tạp, nhạy cảm” khác? Ghế Phạm Minh Chính vẫn vững vàng, tuy người tiếp quản vị trí của ông Chính thời Quảng Ninh là Nguyễn Văn Đọc vừa bị đánh te tua. Kế hoạch “trám” hai chỗ trống khác do Nguyễn Xuân Phúc và Phạm Bình Minh để lại cũng không thành công. Đặc biệt việc bỏ phiếu đối với tân Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang vào Bộ Chính trị cũng thất bại! Điều này cho thấy, tuy “credit” của Tổng Trọng ở kỳ họp này có cao hơn các kỳ họp trước (do đột phá trong quan hệ với Mỹ), nhưng riêng về vấn đề nhân sự, không phải ông muốn mà được. Và cũng với cái đà ấy, việc “trục” Tô Lâm khỏi Bộ Công an để cho Phan Đình Trạc “trám” vào đấy, theo dự kiến của TBT, cũng không đạt được.

Vừa có bước đột phá xong với Mỹ, ông Trọng và bộ sậu lại phải đối đầu với một thách thức mới. Chủ tịch Tập Cận Bình nhận lời mời thăm Việt Nam nhưng đòi phải “nâng cấp” bang giao Trung – Việt lên “tầm cao mới”.

Theo truyền thông quốc tế, Trung Quốc đang tìm cách đặt 800 phòng tại các khách sạn sang nhất ở thủ đô Hà Nội, một cách trưng diễn kiểu “thiên hạ đệ nhất đoàn”, phù hợp với chuyến thăm cấp nhà nước của đại quốc.

Tuy nhiên, có một số yêu cầu của ông Tập gây khó cho ông Trọng. Thứ nhất là lần này, Trung Quốc sẽ yêu cầu Việt Nam khẳng định dứt khoát, cụm từ “cộng đồng có chung vận mệnh” (community of shared destiny/ CSD) phải được ghi rõ vào Tuyên bố chung. Đây là thành tố quan trọng trong “tư tưởng Tập Cận Bình về chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc thời đại mới”, đồng thời, theo quan niệm của Bắc Kinh, CSD sẽ là “sự nâng cấp” bang giao Trung – Việt, và nó sẽ cao hơn CSP với Mỹ.

Trước nay, Việt Nam thận trọng khi đưa cụm từ này vào các văn kiện và thường dùng các uyển ngữ khác nhau để tránh “dây thòng lọng” này. Thứ hai là Trung Quốc sẽ yêu cầu Việt Nam phải tái khẳng định việc tham gia vào đại chiến lược “Vành đai con đường” (BRI). Đấy là chưa nói tới hàng loạt các yêu cầu “khó nuốt” khác mà các nhóm văn kiện giữa hai bên sẽ phải vật vã từ nay cho đến khi tân-cựu Ngoại trưởng Vương Nghị sang Hà Nội vào giữa tháng này để “chốt” mọi văn bản sẽ ký.

 

Yêu cầu “nhạy cảm” khác là khả năng Trung Quốc sẽ đòi Hà Nội phải hưởng ứng các “sáng kiến thế kỷ” mà ông Tập từng PR tại các diễn đàn quốc tế. Đó là GSI, GDI, GCI (Sáng kiến về An ninh, Phát triển và Văn minh toàn cầu).

Đòi hỏi nâng “tầm cao mới” này đối với bang giao Trung – Việt cắc cớ ở chỗ, tất cả những thứ ấy đều là trụ cột của “Trật tự Trung Hoa”, một kiểu bá quyền mới trên bộ khung cũ của bang giao giữa thiên triều và thuộc quốc. Hơn nữa, Trung Quốc không hề dấu diếm, với Trật tự này, Bắc Kinh quyết tâm loại Mỹ ra khỏi Thái Bình Dương, trước hết là đẩy ra khỏi Biển Đông.

Trong khi đó, Việt Nam vừa trở thành “đối tác mới nổi” của thế giới dân chủ trong không gian Ấn Thái Bình Dương tự do và rộng mở (FOIP). Cùng với Mỹ, các nước khác là Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc… đều có quy chế “đối tác chiến lược toàn diện” (CSP) với Hà Nội. Liệu “ngoại giao cây tre” sẽ còn hữu hiệu?

Đã có phân tích thấu đáo cho thấy, Hà Nội cần đột phá tiếp, nếu không, thành tích ngoại giao khó khăn lắm vừa đạt được dễ bị vô hiệu hóa. Bởi vì, cổ nhân nói không sai, hãy cho tôi biết anh chơi với ai, tôi sẽ nói anh là người thế nào. “Tre pheo” gì mặc lòng, cũng không che giấu được thực chất quan hệ. 

Đánh giá tình hình quốc tế, cũng như quốc nội của kỳ họp lần này tuy nằm rải rác ở từng nội dung, nhưng khi tổng kết Hội nghị, TBT Nguyễn Phú Trọng khẳng định, thế giới hiện đang có nhiều biến động nhanh chóng, phức tạp, khó lường, chưa từng có tiền lệ; trong nước thì gặp nhiều khó khăn, thách thức bất thường, phức tạp hơn nhiều so với dự báo. Ngày 8/10 hôm nay, theo trang mạng VnExpress, năm tới, Chính phủ dự kiến phải đi vay hơn 676.000 tỷ đồng, tương đương khoảng 27,5 tỷ USD, để bù đắp bội chi, trả nợ gốc và vay về cho vay lại.

Trong khó khăn ấy, càng phải thấy CSP Việt – Mỹ sẽ là cơ hội mang lại thế trung lập và tự cường cho đất nước. Việt Nam tự cường sẽ có lợi cho bản thân mà cũng đồng thời có lợi cho Mỹ và các đối tác. CSP Việt – Mỹ lần này là đòi hỏi tất yếu và khách quan, không thể có chuyện “tuồng – kịch” ở đây. Nếu vị thế bết bát, Đảng sẽ mất tính chính danh, quốc gia sẽ không hội đủ tiềm lực làm ăn với các đối tác, đặc biệt là để đối trọng với Trung Quốc. “Noel một năm chỉ đến một lần…”

No comments:

Post a Comment