Mở đầu chương trình, mời quý thính giả theo dõi phần Tin Tức sẽ được Hoàng Ân & Miên Dương trình bày sau đây.
1/ VN LÊN KẾ HOẠCH KHAI THÁC MỎ ĐẤT HIẾM LỚN NHẤT NƯỚC
VN đang lên kế hoạch đấu giá việc khai thác
mỏ đất hiếm lớn nhất nước trong bối cảnh các nước Tây phương nỗ lực giảm bớt sự
thống trị của Trung Cộng trong vấn đề này.
Mỏ đất này có tên là Đông Pao, với diện tích hơn 130 mẫu ở
tỉnh Lai Châu và được xem là mỏ lớn nhất VN. Cuộc đấu giá sẽ do công ty Đất
hiếm VN và công ty Blackstone Minerals đảm nhận.
Đất hiếm là loại khoáng sản đặc biệt dành cho việc sản xuất
các sản phẩm kỹ thuật cao như các chất xúc tác, nam châm, hợp kim, chất phát
quang… để chế tạo điện thoại di động, các vi mạch điện tử và thiết bị cho xe
điện.
Việc khai thác hiệu quả mỏ Đông Pao sẽ đưa Việt Nam trở
thành nhóm sản xuất đất hiếm hàng đầu. Tuy nhiên việc tinh chế đất hiếm rất
phức tạp và Trung Cộng đang kiểm soát nhiều kỹ thuật chế biến loại khoảng sản
này.
Theo cơ quan khảo sát địa chất Hoa Kỳ, Việt Nam có trữ
lượng đất hiếm lớn thứ hai trên thế giới với 22 triệu tấn. Trung Cộng có trữ
lượng đất hiếm lớn nhất với 44 triệu tấn, đứng thứ ba là Brazil với 21 triệu
tấn.
Tuy nhiên phần lớn đất hiếm ở Việt Nam vẫn chưa được khai thác, đầu tư không được khuyến khích vì giá thấp do Trung Cộng ấn định và do nước này gần như độc quyền trên thị trường toàn cầu.
2/ THANH TRA ÂU CHÂU SANG VN ĐỂ CHỐNG NẠN ĐÁNH CÁ LẬU
Phái đoàn thanh tra của Uỷ ban Âu châu sẽ sang VN để làm
việc với một số địa phương về việc chống đánh cá bất hợp pháp, không báo cáo và
không theo quy định (gọi tắt là IUU) từ ngày 10 đến ngày 15/10.
Phái đoàn thanh tra Âu châu sẽ kiểm tra tình hình khai thác
và chế biến thuỷ sản tại tỉnh Bà Rịa. Đây là lần thứ 4 mà đoàn thanh tra đến
tỉnh này, nhằm ghi nhận sự nỗ lực của tỉnh này đối với việc khai thác bất hợp
pháp của ngư dân.
Ngoài việc kiểm soát tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài,
phái đoàn cũng sẽ kiểm tra việc thực hiện các quy định về lắp đặt thiết bị
giám sát hành trình, công tác quản lý vận hành và xử lý dữ liệu tàu cá bị mất
kết nối và ra ngoài vùng biển Việt Nam.
Phái đoàn cũng sẽ làm việc với một vài công ty có lô hàng
xuất đi Âu châu, để kiểm tra hồ sơ, quy trình xác nhận, chứng nhận nguyên
liệu hải sản được khai thác tại vùng biển Việt Nam và nguyên liệu nhập cảng.
Nhà cầm quyền tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cho biết là tỉnh này sẽ cung cấp các bằng
chứng thực tiễn, kết quả triển khai các khuyến nghị của Ủy ban Âu châu nhằm
giúp cho việc xem xét tháo gỡ cảnh báo “thẻ vàng” cho ngành thủy sản Việt Nam.
Cần biết là Việt Nam bị Ủy ban Âu châu đã phạt “thẻ vàng” vào tháng 10 năm 2017
và cảnh báo có thể sẽ cấm nhập thủy sản từ Việt Nam nếu Hà Nội không “làm nhiều
hơn” để giải quyết tình trạng đánh cá bất hợp pháp ở vùng biển các nước láng
giềng.
No comments:
Post a Comment