Mở đầu chương trình, Vân Hà & Miên Dương mời quý thính giả theo dõi chi tiết các tin hôm nay.
1/ MỘT CÔNG TY PHÁP BÁN NHU LIỆU GIÁM SÁT CHO VN
Một công ty Pháp đã bán các nhu liệu điện toán chuyên về giám sát các nhà
đối lập cho bạo quyền VN, theo kết quả điều tra của mạng lưới Điều tra Âu châu.
Kết quả điều tra được nhiều cơ quan truyền thông quốc tế, trong đó có tờ
báo mạng Pháp Mediapart, công bố vào ngày 5/10 vừa qua. Theo các nguồn tin
trên, tập đoàn Pháp có tên là Nexa đã bán nhu liệu gián điệp Predator, có khả
năng truy cập điện thoại di động, cho 3 nước chuyên chế là Ai Cập, Việt Nam và
Madagascar.
Predator là sản phẩm do nhóm Intellaxa sản xuất. Nhóm này
gồm nhiều cựu nhân viên tình báo Do Thái, chủ yếu cư trú tại Âu châu, và từng
bị Mỹ ban hành nhiều biện pháp trừng phạt vào tháng 7 năm nay.
Ngoài nhu liệu Predator, tập đoàn Nexa còn cung cấp nhiều phương tiện gián điệp
khác, trong đó có hệ thống theo dõi hàng loạt trên Internet, cho nhiều chế độ
độc tài như Qatar, Congo, Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất và
Pakistan.
Nhóm điều tra lên án các cơ quan tình báo Pháp là “không thể không biết rằng
những chế độ phi tự do mua thiết bị tối tân đó để theo dõi, trấn áp, đôi khi là
cầm tù hoặc sát hại các nhà đối lập chính trị, nhà báo và các nhà đấu tranh cho
nhân quyền”.
Từng bị cáo buộc bán thiết bị theo dõi mạng cho chế độ của tổng thống Ai Cập Al Sissi để theo truy bắt các nhà đối lập, công ty Nexa cùng với bốn người lãnh đạo đã bị truy tố vào tháng 11 năm 2021. Nhưng đến tháng 12 năm 2022, giới tư pháp đã bãi bỏ những cáo buộc này, giúp các bên liên quan tránh được nguy cơ ra tòa.
2/ BỘ CÔNG AN VN THỪA NHẬN NHIỀU
TỘI PHẠM ĐÃ BỎ TRỐN RA HẢI NGOẠI
Bộ công an VN đã lên tiếng thừa nhận là nhiều người phạm
tội đặc biệt nghiêm trọng đã tìm cách bỏ trốn đến các quốc gia ở Âu châu để
"né tránh" tử hình.
Lời thừa nhận nói trên của bộ công an được đưa ra khi bộ tư
pháp VN công bố hồ sơ thẩm định dự luật dẫn độ. Từ ngày 7/10, bộ công an đưa ra
đề nghị theo bước tiến của các quốc gia khác là lập ra đạo luật dẫn độ để thuận
lợi bắt giữ các tội phạm đang truy nã.
Theo đó thì Liên Hiệp Quốc cũng đã thông qua luật mẫu về
dẫn độ vào năm 2004 để làm cơ sở cho các quốc gia tham khảo. Khối ASEAN cũng đã
thành lập hiệp định tương trợ tư pháp về hình sự và đang soạn thảo hiệp ước về
dẫn độ.
Trong tờ trình gửi bộ tư pháp, bộ công an cho hay pháp luật
Việt Nam hiện có quy định hình phạt tử hình và không hạn chế việc dẫn độ đối
với người có thể bị kết án tử hình.
Tuy nhiên, một số hiệp định về dẫn độ giữa Việt Nam và các
nước có quy định chỉ xem xét yêu cầu dẫn độ nếu Việt Nam cam kết không áp dụng
án tử hình. Vì vậy, nếu không có cam kết về vấn đề này, việc dẫn độ sẽ bị từ
chối.
Bộ công an cho biết đã tiếp nhận 38 yêu cầu dẫn độ do cơ quan có thẩm quyền của phía nước ngoài gửi đến, đồng thời đã chuyển 68 hồ sơ yêu cầu dẫn độ đến nước ngoài. Trong số những trường hợp trốn truy nã ở nước ngoài đang được bạo quyền VN quan tâm là bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn, cựu chủ tịch công ty AIC.
3/ GIAO TRANH GIỮA DO THÁI VÀ
HAMAS KHIẾN HÀNG TRĂM NGƯỜI CHẾT
Một ngày sau cuộc tấn công bất ngờ của
quân Hamas vào lãnh thổ Do Thái, quân đội Do Thái vào hôm qua 8/10 tiếp tục
truy lùng những kẻ xâm nhập ở phía nam, nhưng cùng lúc phải chống trả lực lượng
Hamas ở phía bắc, giáp biên giới với Lebanon. Tính đến hôm qua, hơn 500 người
thiệt mạng ở hai phía và hàng ngàn người bị thương.
Trong khi đó thủ tướng Do Thái yêu cầu
người dân sống gần vùng Gaza có 24 giờ để di tản. Thủ tướng Do Thái khẳng định
giai đoạn 1 là chiến dịch truy lùng những kẻ xâm nhập lãnh thổ sắp hoàn tất,
đồng thời cảnh báo người dân Do Thái trước nguy cơ phải đối diện với một cuộc chiến lâu dài và đầy
khó khăn. Quân đội Do
Thái thông báo sẽ cho di tản trong vòng 24 giờ đối với tất cả những người dân
nào định cư gần vùng lãnh thổ với Palestine.
Các chiến dịch quân sự vẫn tiếp diễn tại 8 vùng xung quanh
dải Gaza. Thông tin này cũng được lữ đoàn Al Kassam, một nhánh võ trang của phe
Hamas, cho biết giao tranh đang diễn ra tại ít nhất 7 khu vực. Dải Gaza đang hứng
những trận mưa bom trả đũa từ quân đội Do Thái.
Trong khi đó ở phía bắc, phe Hezbollah đã mở màn chiến sự
tấn công bằng pháo binh nhắm vào 3 căn cứ kiên cố của Do Thái trên vùng núi
Hermon và các trang trại ở Chebaa. Trong thông cáo, phe Hezbollah khẳng định là
cuộc tấn công
này nhằm giải phóng các vùng lãnh thổ do Do Thái chiếm đóng và thể hiện tình
đoàn kết với cuộc kháng chiến của người Palestine.
Cần biết là vào sáng sớm thứ Bảy 7/10, người dân Do Thái
thức dậy trong bàng hoàng dưới tiếng còi báo động và những tiếng nổ khai hỏa
vang rền từ hệ thống phòng không Vòm Sắt. Phe Hamas đã bất ngờ mở chiến dịch
tấn công quy mô lớn, thâm nhập vào lãnh thổ Do Thái dưới sự yểm trợ của hàng
ngàn quả rốc-kết.
Tính đến hiện tại, giao tranh giữa các bên đã làm cho hơn
500 người thiệt mạng, trong đó phía Palestine là hơn 300 người, và gần 3 ngàn
người khác bị thương từ cả hai phía.
Đáng chú ý là trong cuộc tấn công bất ngờ “chưa từng có” như lời thừa nhận của thủ tướng Do Thái, phe Hamas và nhánh Jihad Hồi giáo, một nhóm vũ trang người Palestine khác, đã bắt giữ ít nhất 30 con tin Do Thái.
4/ ĐỘNG ĐẤT Ở A PHÚ HÃN, HƠN 2 NGÀN NGƯỜI THIỆT MẠNG
Nhà cầm quyền Taliban vào hôm qua 8/10 cho hay là hơn 2400 người
đã thiệt mạng trong trận động đất kinh hoàng nhất trong nhiều năm tại A Phú Hãn,
quốc gia nhiều núi non và thường xuyên xảy ra động đất.
Cơ quan Địa chất Hoa Kỳ cho biết trận động đất vào hôm thứ
Bảy 7/10 ở miền tây A Phú Hãn, cách thành phố Herat 35 cây số về hướng tây bắc,
có cường độ 6.3 độ Richter. Đây là một trong những trận động đất nguy hiểm nhất
thế giới trong năm nay. Trước đó vào tháng Hai, các trận động đất mạnh ở Thổ Nhĩ
Kỳ và Syria khiến khoảng 50 ngàn người thiệt mạng.
Số người chết đã tăng lên hơn 2400 người, và có hơn 9 ngàn
người bị thương. Ngoài ra hàng ngàn căn nhà đã bị hư hỏng hay bị sập hoàn toàn.
Trong một thông điệp của nhà cầm quyền Taliban gửi tới giới
truyền thông cho biết thực phẩm, nước uống, thuốc men, quần áo và lều trại là
những thứ cần thiết khẩn cấp để cứu trợ.
Được bao bọc bởi những ngọn núi, A Phú Hãn từng xảy ra các
trận động đất mạnh, với nhiều trận động đất ở khu vực Hindu Kush hiểm trở giáp
biên giới Pakistan.
Số người chết thường tăng lên khi có thông tin từ những
vùng xa xôi hơn của một quốc gia nơi hàng thập niên chiến tranh đã khiến cơ sở
hạ tầng rơi vào tình trạng hỗn loạn và các hoạt động cứu trợ khó tổ chức và
thực hiện.
Hệ thống chăm sóc sức khỏe của A Phú Hãn, phụ thuộc gần như hoàn toàn vào viện trợ nước ngoài, đã phải đối mặt với sự cắt giảm đến tê liệt trong hai năm qua kể từ khi phe Taliban tiếp quản chính phủ.
No comments:
Post a Comment