Mở đầu chương trình, mời quý thính giả theo dõi phần Tin Tức sẽ được Minh Nguyệt & Đồng Tâm trình bày sau đây.
1) TỔ CHỨC PHÓNG VIÊN KHÔNG BIÊN GIỚI YÊU CẦU VIỆT NAM TRẢ TỪ DO CHO NHÀ BÁO PHẠM ĐOAN TRANG
Tổ chức Phóng viên
Không Biên Giới (RFS) vào hôm qua 6/10 một lần nữa hối thúc nhà cầm quyền CSVN
trả tự do cho bà Phạm Đoan Trang đúng 3 năm ngày nhà báo này bị bắt.
Bà Trang bị bắt ngày
6/10 năm 2020 tại Sài Gòn. Năm 2021, bà bị kết án 9 năm tù giam với cáo buộc
“Tuyên truyền chống nhà nước”. Bà Trang là đồng sáng lập Luật Khoa Tạp Chí và
là người điều hành Nhà xuất Bản Tự Do trước khi bị bắt. Phạm Đoan Trang cũng là
tác giả của một số cuốn sách không được nhà nước cấp phép xuất bản như “Cẩm
nang nuôi tù”, “Chính trị bình dân”, “Từ trên mạng xuống đường” v.v…
Trong thông cáo yêu cẩu trả tự do cho bà Trang, ông Cesdric Alvani, Giám đốc Văn phòng Châu Á- Thái Bình Dương của RSF nêu rõ: “Nhà báo Phạm Đoan Trang, người can đảm liều mạng sống của mình để đưa thông tin đến cho công chúng, xứng đáng được vinh danh như một anh hùng thay vì bị áp chế bởi chế độ cầm quyền Việt Nam. Chúng tôi kêu gọi cộng đồng quốc tế tăng cường áp lực đối với chế độ này nhằm trả tự do cho bà Phạm Đoan Trang cùng tất cả những nhà báo và những nhà bảo vệ quyền tự do báo chí đang bị giam cầm ở Việt Nam.”
2) CỰU TNLT NGUYỄN VIẾT DŨNG TỐ BỊ TRA TẤN
TRƯỚC KHI BỊ BẮT VÀ TRONG KHI Ở TÙ
Cựu TNLT Nguyễn Viết
Dũng, còn gọi là Dũng Phi Hổ, người vừa mãn hạn tù cuối tháng 9 cho biết anh bị
đánh đập dã man trước khi bị bắt và bị tra tấn, ngược đãi trong suốt thời gian
ở tù.
Anh Nguyễn Viết Dũng
kể lại sự kiện kinh hoàng xảy ra vào năm 2016, trước khi bị bắt khoảng ba
tháng, đã hai lần bị công an Thành Hồ và công an Nghệ An đánh đập, tra tấn dã
man. Sự tàn ác của công an cộng sản đối với anh thời điểm đó đã khiến dư luận
phẫn nộ.
Nguyễn Viết Dũng bị
bắt ngày 27/9/2017 và bị kết án 7 năm tù giam, 5 năm quản chế trong phiên sơ
thẩm diễn ra ngày 12/4/2018. Phiên phúc thẩm ngày 15/8 cùng năm đã tuyên án anh
6 năm tù giam, giảm một năm so với phiên sơ thẩm.
Trong thời gian bị tam
giam, Nguyễn Viết Dũng liên tục bị công an điều tra đánh đập, ép cung, bức cung
và mớm cung. Tại nhà tù Nam Hà, anh bị biệt giam trong buồng kỷ luật suốt hai
năm, trong đó có 10 ngày bị cùm chân chỉ vì phản đối việc cưỡng bức lao động.
Sức khỏe của TNLT này giảm sút nghiêm trọng và mang nhiều căn bệnh sau thời
gian bị biệt giam. Ngoài ra, bác sĩ chẩn đoán sai bệnh, dẫn đến điều trị và
uống sai thuốc nên không những bệnh cũ không thuyên giảm còn mắc thêm bệnh mới.
Nguyễn Viết Dũng sinh
năm 1986 và đã trải qua hai lần tù. Anh bị bắt lần đầu vào năm 2015 và bị kết
án 1 năm tù giam vì biểu tình bảo vệ cây xanh tại Hà Nội. Trước khi tham gia
các hoạt động nhân quyền, anh là một trong những học sinh, sinh viên học giỏi
nổi tiếng của tỉnh Nghệ An.
3) NGHỆ AN: KỶ LUẬT CHỦ
TỊCH UBND HUYỆN; ĐỀ NGHỊ XỬ LÝ NGUYÊN GIÁM ĐỐC SỞ TÀI NGUYÊN VÀ MÔI TRƯỜNG
Vào ngày hôm
qua, 6/10, truyền thông lề đảng loan tin về kết luận của Ủy ban Kiểm tra tỉnh
Nghệ An thi hành kỷ luật đối với Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Nghĩa Đàn và đề
nghị xử lý theo thẩm quyền nguyên giám đốc sở Tài nguyên Môi trường.
Ông Võ Tiến
Sĩ, chủ tịch UBNN huyện Nghĩa Đàn bị thi hành kỷ luật bằng cái gọi là “khiển
trách” với lý do đã để một số cán bộ thuộc thẩm quyền quản lý suy thoái về tư
tưởng chính trị, đạo đức lối sống, vi phạm các quy định trong công tác quản lý
nhà nước về đất đai.
Ủy ban Kiểm
tra Tỉnh ủy Nghệ An cũng đã đề nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nghệ An xem xét, xử
lý theo thẩm quyền với ông Võ Duy Việt, nguyên Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi
trường theo kết luận của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nghệ An.
UBKT cho rằng
với chức trách là Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, ông Võ
Duy Việt phải chịu trách nhiệm của người đứng đầu về những khuyết điểm, vi phạm
của Sở trong công tác quản lý khoáng sản và việc chấp hành chủ trương của Đảng,
pháp luật của Nhà nước về quy hoạch, cấp phép, khai thác khoáng sản giai đoạn
2017 - 2020.
4)
ÍT NHẤT 52 NGƯỜI TỬ VONG TRONG VỤ KHÔNG KÍCH VÀO LÀNG HROZA, UKRAINE
Cho đến hôm qua, thứ Sáu 6/10 số tử vong trong vụ
không kích vào làng Hroza thuộc miền Đông Bắc Ukraine đã lên đến 52 người.
Trong khi đó lực lượng cứu trợ vẫn đang tìm thêm nạn nhân trong các đống đổ
nát.
Kyiv gọi đây là một trong những cuộc tấn công
chết chóc nhất của Moscow nhằm vào dân thường kể từ khi tiến hành xâm lược.
Thống đốc khu vực cho biết nạn nhân mới nhất
qua đời trong đêm qua tại bệnh viện, sau khi xảy ra vụ tấn công trong đó một hỏa
tiễn lao vào một quán cà phê và một cửa hàng tạp hóa hôm 5/10 đúng lúc người
dân tập trung để tưởng nhớ một người lính Ukraine đã hy sinh.
Lực lượng cứu trợ vẫn đang làm việc tại hiện trường, ở đó, người ta tìm thấy các thi thể và các bộ phận cơ thể nằm lẫn lộn trong đống gạch, gỗ vụn và kim loại cong queo.
Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres
mạnh mẽ lên án vụ không kích này, một phát ngôn viên của LHQ cho hay hôm 5/10,
đồng thời lưu ý rằng “các cuộc tấn công nhằm vào dân thường và cơ sở hạ tầng
dân sự là điều bị cấm theo luật nhân đạo quốc tế”.
Hôm 6/10, Cao ủy Nhân quyền LHQ (OHCHR) điều
một nhóm đến hiện trường để điều tra vụ tấn công, người phát ngôn của OHCHR cho
biết tại Geneva.
Moscow phủ nhận chuyện họ cố tình nhắm mục
tiêu vào dân thường, nhưng thực tế là nhiều người đã thiệt mạng trong các cuộc
tấn công nhằm vào các khu dân cư cũng như các cơ sở năng lượng, quốc phòng,
cảng, kho ngũ cốc và các cơ sở khác.
Các quan chức Ukraine cho hay Nga cũng mới
tiến hành thêm các cuộc không kích vào Ukraine vào sáng sớm 6/10, tấn công
thành phố Kharkiv ở miền đông bắc và làm hư hại các cơ sở hạ tầng về ngũ cốc và
bến cảng ở khu vực Odesa thuộc miền nam.
No comments:
Post a Comment