Trong khi Nam Hàn bảo vệ kinh tế quốc gia bằng những biện pháp cụ thể từ các chuyên gia, thì CSVN giải quyết bằng khẩu hiệu suông, theo kiểu Hội Đồng Lý Luận Trung Ương vớ vẩn của đảng.
Mời quý thính giả đài ĐLSN nghe phần Bình
Luận của Trân Văn với tựa đề: “Nhìn cách Nam Hàn hành động để bảo vệ nền kinh tế” sẽ được Nguyên Khải
trình bày để kết thúc chương trình phát thanh ĐLSN tối hôm nay.
Trân Văn
Ngay sau khi Hamas – tổ chức Hồi giáo có
vũ trang ở Palestine tấn công Israel, Bộ Công nghiệp Thương mại Tài nguyên của
Nam Hàn đã tổ chức một cuộc họp bất thường để thảo luận về tác động của cuộc
chiến này đối với hoạt động xuất cảng của Nam Hàn. Bởi lo ngại cuộc xung đột sẽ
ảnh hưởng bất lợi đến xuất cảng, hoạt động sản xuất nội địa và rộng hơn là kinh
tế - xã hội quốc gia nên chính quyền Nam Hàn đã quyết định thành lập Nhóm hành
động khẩn cấp để theo dõi, dự báo và khuyến nghị điều chỉnh chính sách. Ngoài
các viên chức chính phủ, nhóm còn có đại diện của Hiệp hội Thương mại quốc tế
Nam Hàn (KITA), Cơ quan xúc tiến thương mại và đầu tư Nam Hàn (KOTRA), Tổng
công ty bảo hiểm thương mại (K-Sure).
Nhóm hành động khẩn cấp về chính sách xuất
cảng sẽ vừa phối hợp với các Tùy viên quân sự của Nam Hàn ở khu vực Trung Đông,
vừa thiết lập kênh liên lạc với các doanh nghiệp đã đầu tư vào khu vực này cũng
như các doanh nghiệp xuất cảng hàng hóa vào khu vực này để thu thập thông tin,
khuyến nghị điều chỉnh chính sách hỗ trợ, đồng thời sẽ tìm kiếm đối tác dự
phòng cho các doanh nghiệp Nam Hàn nếu vì chiến tranh không thể duy trì quan hệ
với những đối tác hiện tại. K-Sure cũng vừa cam kết sẽ nâng hạn mức bảo lãnh
tín dụng xuất khẩu lên 1,5 lần, gia hạn bảo lãnh cho các doanh nghiệp bất kể
quy mô (nhỏ, vừa hay trung bình). Nếu xảy ra rủi ro, K-sure cam kết sẽ trả chi
phí bảo hiểm trong vòng dưới một tháng, quá thời hạn này K-sure sẽ chi trả 80%
số tiền thiệt hại.
Cho dù xung đột tại Trung Đông chưa ảnh hưởng
lớn tới xuất cảng của Nam Hàn nhưng vì khó dự đoán tác động của xung đột, Bộ
Công nghiệp Thương mại Tài nguyên của Nam Hàn đã cam kết sẽ cùng với các cơ
quan hữu trách chủ động tìm giải pháp đối phó, không để xung đột tác động tiêu
cực đến hoạt động xuất cảng đang được cải thiện. Kim ngạch xuất cảng sang khu vực
Trung Đông chỉ chiếm khoảng 3% tổng kim ngạch xuất cảng của Nam Hàn.
Cũng thời điểm này tại Việt Nam, tình hình
kinh tế - xã hội càng ngày càng bi đát. Trong khi các chỉ số liên quan đến kinh
tế vĩ mô càng ngày càng... đẹp đến mức làm nhiều người ngỡ ngàng thì doanh giới
càng ngày càng tuyệt vọng. Theo tường thuật của VnExpress, chủ các doanh nghiệp
“chỉ mong thoát đáy trong năm 2024”. Ông Đinh Hồng Kỳ - Phó Chủ tịch Hiệp hội
Doanh nghiệp TP.HCM, tổ chức đại diện khoảng 16.000 doanh nghiệp ở thành phố
này - cho biết: Tình hình chưa sáng sủa. Đơn đặt hàng và mãi lực vẫn ở mức độ rất
thấp, người tiêu dùng siết chặt chi tiêu. Một số ngành nghề tuy có khả quan đôi
chút nhưng hiệu quả vẫn thấp.
Ông Mạc Quốc Anh - Phó Chủ tịch Hiệp hội
Doanh nghiệp nhỏ và vừa của Hà Nội – cũng cho rằng: Sự hồi phục không đạt kỳ vọng.
Cũng theo VnExpress, đại diện các hiệp hội
của doanh giới bảo rằng, dẫu lực kéo sụt giảm không còn mạnh như sáu tháng đầu
năm nhưng đa số doanh nghiệp vẫn trong trạng thái cầm cự vì phải đối diện với
khó khăn lớn từ mức cầu thấp ở cả trong và ngoài Việt Nam. Doanh nghiệp không
dám đầu tư, vay vốn làm ăn, bất kể ngân hàng có ưu đãi tín dụng. Đáng nói là
bên cạnh đó, các ngân hàng cũng thận trọng vì những yếu tố bất định về kinh tế,
thành ra bên cạnh ưu đãi tín dụng cũng không dễ tiếp cận các nguồn vay...
Còn dân chúng thì sao? Cuối năm ngoái và đầu
năm nay, dư luận rúng động khi hàng loạt doanh nghiệp phải cho công nhân nghỉ hẳn
hoặc tạm ngưng làm việc vì không có đơn đặt hàng, giờ lại xảy ra tình huống ngược
lại, doanh nghiệp bắt đầu có đơn đặt hàng nhưng công nhân ồ ạt nộp đơn xin thôi
việc để có thể nhận trọn gói trợ cấp từ cơ quan Bảo hiểm xã hội (BHXH) sau khi
có tin, hệ thống chính trị tại Việt Nam sẽ sửa Luật BHXH hiện hành theo hướng hạn
chế việc rút tiền đã bị buộc đóng vào quỹ hưu trí, tử tuất.
Cứ như tường thuật của VnExpress thì dự định
sửa Luật BHXH đang đẩy nhiều doanh nghiệp có quy mô lớn đến chỗ lao đao hơn bởi
những công nhân thạo việc đang thi nhau xin nghỉ việc nên rất khó có thể hoàn
thành đơn đặt hàng đủ số lượng, đúng thời hạn. Chủ tịch Liên đoàn Lao động
TP.HCM gọi tình trạng này là một cú sốc khác sau cú sốc do suy thoái toàn cầu.
Khoan bàn đến việc có nên sửa Luật BHXH hiện hành hay không, cứ nhìn vào thực
trạng công nhân thâm niên cao, lành nghề, ồ ạt xin nghỉ để được nhận trợ cấp ở
mức tối đa trước khi hệ thống chính trị, hệ thống công quyền chấn chỉnh chính
sách an sinh xã hội, ắt sẽ thấy giai cấp công nhân có tin vào sự thành tâm, thiện
ý của hệ thống chính trị, hệ thống công quyền hay không.
Những câu chuyện vừa lược thuật cho thấy sự
khác biệt giữa Việt Nam với phần còn lại của thế giới. Nhìn một cách tổng quát,
cho dù tác động của đại dịch COVID-19, xung đột giữa Nga và Ukraine,... tiếp tục
cản trở nhiều quốc gia đẩy nhanh tiến trình hồi phục kinh tế - xã hội nhưng
thay vì đưa ra những giải pháp cụ thể, dự báo, chuẩn bị ứng phó và đáp ứng kịp
thời với các diễn biến ở cả trong lẫn ngoài biên giới như Nam Hàn thì hệ thống
chính trị, hệ thống công quyền tại Việt Nam chỉ tuyên bố, cam kết rồi... thôi!
Trong bối cảnh như hiện nay, Bộ Chính trị
của BCH TƯ đảng khóa 13 vừa ban hành một nghị quyết (Nghị quyết 41/NQ-TW) để
“xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới”.
Nghị quyết này xác định đến năm 2030, Việt Nam phải có “nhiều doanh nhân năng lực
tầm khu vực, thế giới và làm chủ một số chuỗi giá trị toàn cầu”. Nếu chịu khó đọc
kỹ Nghị quyết 41/NQ-TW ắt sẽ hoang mang khi không tìm ra bất kể giải pháp cụ thể
nào để “xây dựng” và “phát huy”. Nếu hệ thống chính trị, hệ thống công quyền tại
Việt Nam vẫn hành xử cứ như đã biết và đang thấy, làm sao kinh tế - xã hội Việt
Nam ổn định? Cách thức quản trị - điều hành vĩ mô, phát triển kinh tế - xã hội
bằng... “nghị quyết” như thế thuộc loại chưa từng thấy. Người Việt có muốn xứ sở,
dân tộc của mình “dẫn đầu thế giới” theo kiểu này chăng?
No comments:
Post a Comment