Mở đầu chương trình, mời quý thính giả theo dõi phần Tin Tức sẽ được Vân Khanh & Hải Vân trình bày sau đây.
1/ SAU 45 NGÀY, TNLT BÙI TUẤN LÂM VẪN CHƯA GẶP ĐƯỢC GIA ĐÌNH
Tù nhân lương tâm Bùi Tuấn Lâm, người được mệnh danh là “Thánh rắc hành”,
vẫn chưa gặp được gia đình từ sau phiên phúc thẩm cách đây 45 ngày. Tuy nhiên
đám công an thành phố Đà Nẵng không giải thích lý do.
Ông Bùi Tuấn Lâm bị bắt vào đầu tháng 9 năm ngoái với cáo
buộc “tuyên truyền chống nhà nước”. Trong phiên toà sơ thẩm vào cuối tháng 5 vừa
qua, ông bị kết án 5 năm rưởi tù giam và 4 năm quản chế. Đến phiên phúc thẩm ngày
30/8, ông đã bị tuyên y án.
Bà Lê Thanh Lâm, vợ ông Lâm, cho biết đã hơn một tháng rưỡi
kể từ phiên tòa phúc thẩm mà trại tạm giam Hòa Sơn của công an Đà Nẵng vẫn chưa
cho bà và ba cô con gái nhỏ gặp chồng mình. Vào tháng trước, sau phiên phúc
thẩm, bà Lâm lên trại tạm giam để gặp chồng nhưng bị từ chối với lý do ông Lâm
bị kỷ luật.
Bà Lâm rất lo lắng cho chồng vì không có bất cứ thông tin
gì từ ông kể từ lần gặp cuối cùng là cuối tháng 8 trước phiên phúc thẩm vài
ngày. Bà cho biết đã điện thoại và trực tiếp đến trại tạm giam để chất vấn về
việc này nhưng không được trả lời.
Bà Lâm không loại trừ khả năng chồng mình đã bị chuyển đi
thọ án mà phía công an không thông báo cho gia đình.
Ông Lâm 39 tuổi là một trong hàng chục nhà đấu tranh cho
nhân quyền bị cầm tù với cáo buộc “tuyên truyền chống nhà nước” trong vài năm qua.
Tuy nhiên không có nhiều trường hợp bị kỷ luật và không cho gia đình thăm gặp
như ông Lâm.
Kính mời quý thính giả theo dõi cuộc phỏng vấn của chúng tôi với bà Lê Thanh Lâm ngay sau phần tin tức hôm nay.
2/ KHỐI ÂU CHÂU KHÔNG CHẤP NHẬN
VN CÀI NHU LIỆU GIÁN ĐIỆP
Liên minh Âu châu lên tiếng quan ngại trước cáo buộc nhà
nước Việt Nam dùng nhu liệu gián điệp để lấy thông tin từ điện thoại các giới
chức và chuyên gia. Phía Âu châu gọi đây là hành động “không thể chấp nhận”
được.
Cần biết là vào hôm 9/10, nhật báo Washington Post và tổ
chức Ân xá Quốc tế công bố các cáo buộc Hà Nội xử dụng nhu liệu Predator mua
của một công ty Pháp để cài vào điện thoại di động của giới dân biểu, nhà báo
Mỹ cùng các chuyên gia và giới chức Âu châu.
Theo điều tra, phía Việt Nam đã xử dụng mạng xã hội X
(trước đây là Twitter) để dụ các nhà chính trị và những người quan tâm vào các
trang mạng có nhu liệu Predator.
Vụ cài đặt này xảy ra trong lúc Việt Nam đang cố gắng để
thuyết phục khối Âu châu rút “thẻ vàng” cảnh cáo đối với hải sản Việt Nam khai
thác bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định.
Khối Âu châu đang đề nghị Hà Nội làm rõ cáo buộc này, trong
khi Pháp nói việc xử dụng nhu liệu này là không thể chấp nhận được.
Theo thông tin điều tra được công bố, bộ công an Việt Nam
bị cáo buộc đã mua nhu liệu Predator từ tập đoàn Nexa với giá gần 6 triệu Mỹ
kim vào năm 2020. Hiện nước Mỹ cũng chưa đưa ra bình luận cụ thể về cáo buộc
đối với Hà Nội. Tuy nhiên tòa đại sứ Mỹ tại Hà Nội cho biết là phía Mỹ coi
trọng các cáo buộc liên quan đến việc xử dụng nhu liệu gián điệp thương mại.
Hiện nhà nước CSVN vẫn chưa đưa ra bình luận gì về những cáo buộc nói trên.
3/ PHILIPPINES TỐ CÁO TRUNG CỘNG
HUNG HĂNG Ở BIỂN ĐÔNG
Trong thông cáo vào hôm 15/10, quân
đội Philippines yêu cầu Trung Cộng hãy chấm dứt các hành động “nguy hiểm và hung hăng” tại Biển Đông. Lời kêu gọi được đưa ra
sau biến cố hai ngày trước đó, một tàu hải cảnh Trung Cộng đã bám sát và tìm cách chận
đường một chiếc tàu tiếp
liệu của hải quân Philippines gần đảo Thị Tứ ở quần đảo Trường Sa.
Theo cáo buộc, chiếc tàu mang mã số 621 của Trung Cộng đã
bám sát và tìm cách vượt qua mặt tàu tiếp liệu Philippines có tên là RP
Benguet. Hai tàu chỉ cách nhau chừng 350 thước.
Tư lệnh hải quân Philippines Romeo Brawner xem đây là một hành động “nguy hiểm và
mang tính hung hăng” vì hai tàu có nguy cơ đâm vào nhau và đe dọa trực tiếp đến
sinh mạng của các thuyền viên của cả hai phía.
Bộ ngoại giao Trung Cộng lập tức đáp trả cáo buộc nói trên
bằng cách tố ngược là Manila đã chiếm đóng một cách bất hợp pháp một phần đảo Thị Tứ, vi phạm nghiêm
trọng chủ quyền của Trung Cộng. Đồng thời tuyên bố là việc chiến hạm Trung
Cộng thường xuyên tuần tra các vùng biển gần đảo Thị Tứ là “bình thường và hợp
pháp”.
Cần nhắc lại, Trung Cộng khẳng định chủ quyền trên 90% diện tích Biển Đông, một hải lộ có hơn 3 ngàn tỷ Mỹ kim hàng hóa thương mại trên thế giới vận chuyển qua lại mỗi năm. Mối quan hệ giữa Bắc Kinh với Manila đã trở nên căng thẳng từ khi Tổng thống Marcos Jr. tăng cường quan hệ với Hoa Kỳ, chủ yếu về quân sự.
4/TỔNG THỐNG PALESTINE TUYÊN BỐ LỰC LƯỢNG HAMAS KHÔNG
ĐẠI DIỆN CHO NGƯỜI PALESTINE
Trong một tuyên bố
mạnh mẽ vào hôm qua 16/10, Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas và Tổng thống Mỹ
Joe Biden nêu rõ là lực lượng Hamas không đại diện cho người dân Palestine.
Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas tuyên bố là các chính
sách và hành động của Hamas "không đại diện cho người Palestine" vì
Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO) là đại diện duy nhất của người dân Paletine.
Phát biểu trong một cuộc phỏng vấn, Tổng thống Joe Biden cũng
tuyên bố là lực lượng Hamas không đại diện cho người dân Palestine. Tuy nhiên,
ông Biden cho rằng việc tấn công vào Dải Gaza để "tiêu diệt những kẻ cực
đoan" là điều cần thiết.
Trả lời câu hỏi về việc ông có ủng hộ bất cứ sự chiếm đóng
nào của Do Tháu tại Dải Gaza không, ông Biden cho biết “đó là một sai lầm
lớn". Liên quan khả năng đưa binh sĩ vào tham chiến, ông Biden cho biết là
không cần thiết nhưng bảo đảm sẽ cung cấp mọi thứ cần thiết cho Do Thái.
Cần biết là Mỹ đã điều 2 hạm đội hàng không mẫu hạm đến
phía đông Địa Trung Hải trong hành động ủng hộ mạnh mẽ đối với Do Thái và răn
đe khả năng xung đột leo thang trong khu vực.
Vào hôm 14/10, Tổng thống Biden đã thảo luận với Thủ tướng Do Thái Benjamin Netanyahu về những nỗ lực của ông nhằm bảo đảm thường dân vô tội được tiếp cận với nước, thực phẩm và chăm sóc y tế.
5/ CỬ TRI BA LAN ĐI BẦU TRONG CUỘC TUYỂN CỬ QUAN TRỌNG
Kết quả thăm dò ở cửa phòng phiếu sau ngày bầu
cử quốc hội ở Ba Lan vào hôm 15/10 cho thấy đảng cầm quyền Pháp luật
và Công lý (PiS) giành được nhiều phiếu nhất nhưng có thể mất quyền
lãnh đạo sau hai nhiệm kỳ.
Đảng PiS được gần 37% lá phiếu cử tri,
và đảng Liên minh Công dân (KO) được gần 32%, theo điều tra thăm dò ở cửa
phòng phiếu. Nhưng vì hai đảng tiếp theo đều có xu hướng chống lại PiS nên
đảng liên minh KO đều đạt khá nhiều phiếu để vào hạ viện, trở thành một
liên minh ba đảng này sẽ dư số ghế dân biểu để lập tân nội các.
Hai đảng mới là Con đường Thứ ba được
13% số phiếu và đảng Cánh tả được gần 9% số phiếu. Một đảng cực hữu là
Confederation được 6%, đủ để vào quốc hội nhưng không như ý muốn.
Tin tức từ Ủy ban Bầu cử Quốc gia cho
biết tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu trên toàn Ba Lan đạt con số kỷ lục gần 73%.
Liên minh KO, do cựu thủ tướng Donald Tusk, người từng là Chủ tịch Hội đồng Âu châu, đang muốn chấm dứt 8 năm cầm quyền của ông Jaroslaw Kaczynski, chính trị gia được cho là theo đường lối bảo thủ. Nếu KO lập chính phủ, có thể nhiều căng thẳng với Âu châu dưới thời ông Kaczynski sẽ mất đi, theo dự đoán của giới bình luận gia.
No comments:
Post a Comment